Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường THCS, THPT được chủ động xếp môn học trong thời khóa biểu 2 buổi/ngày

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường THCS, THPT được chủ động xếp thời khóa biểu 2 buổi/ngày đưa môn học vào buổi sáng hoặc buổi chiều, đảm bảo không vượt quá 8 tiết/ngày, không gây quá tải, áp lực cho học sinh.

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở toàn cấp THCS, THPT. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để có thể giúp học sinh được trải nghiệm, học tập, rèn luyện phát triển các kỹ năng, năng lực và định hướng nghề nghiệp.

Tại TP.HCM, thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ 100% học sinh THCS và THPT được học 2 buổi/ngày. Hiện nay, con số thực tế đã gần tiệm cận với tỷ lệ trên. Ngày 26-9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những trao đổi làm rõ việc triển khai giảng dạy đối với các trường dạy học 2 buổi/ngày ở bậc THCS, THPT khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2024-2025.

3 nội dung giáo dục của trường THCS, THPT dạy 2 buổi/ngày

Trường THCS, THPT được chủ động thiết kế thời khóa biểu khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh rằng đối với trường trung học khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày hiện nay sẽ thực hiện song song 3 nội dung sau: các môn học và hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 bậc trung học; nội dung hoạt động dạy học 2 buổi/ngày và chương trình nhà trường. Chương trình nhà trường thuộc kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày song tách biệt với nội dung giáo dục 2 buổi/ngày.

Cụ thể, với nội dung hoạt động dạy học 2 buổi/ngày gồm đầy đủ 2 nội dung: Hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục.

Cụ thể, hoạt động dạy học là tổ chức các môn học bám sát, nâng cao Chương trình GDPT 2018, theo năng lực và năng khiếu của từng nhóm đối tượng học sinh; Thời lượng của hoạt động dạy học không quá một nửa tổng thời lượng buổi 2 theo kế hoạch 2 buổi/ngày.

Hoạt động giáo dục bao gồm các hoạt động trải nghiệm, hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động theo định hướng giáo dục STEM, hoạt động giáo dục hướng nghiệp; giáo dục giá trị sống, kỹ năng thực hành xã hội, hoạt động câu lạc bộ, các hoạt động phát triển năng khiếu cá nhân, các hoạt động xã hội tại địa phương.

Khi dạy học 2 buổi/ngày, Sở GD-ĐT TP.HCM quy định rõ 3 nội dung giáo dục trường trung học cần triển khai

Đối với chương trình nhà trường, bao gồm các yếu tố của chương trình quốc gia, đồng thời bổ sung các yếu tố giáo dục khác được xác định tại địa phương hay nhà trường. Nội dung giáo dục thuộc chương trình nhà trường trong năm học này ở các trường trung học thuộc TP.HCM nhằm hướng tới thực hiện các đề án, kế hoạch của thành phố và của ngành giáo dục.

“3 nội dung triển khai trên đối với các trường dạy học 2 buổi/ngày khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 cần hòa quyện, đan xen nhau, bổ trợ cho nhau để đáp ứng mục tiêu của chương trình, trang bị kỹ năng, năng lực, phẩm chất cho học sinh, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Do đó, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường được chủ động khi thực hiện triển khai, sáng tạo trong thực hiện chương trình hay nói cách khác là cần thiết năng lực phát triển chương trình của mỗi nhà trường” – ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.

Không còn khái niệm chính khóa, ngoại khóa trong thời khóa biểu 2 buổi/ngày

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đối với trường trung học dạy học 2 buổi/ngày thì cần thực hiện thời khóa biểu mỗi ngày không quá 8 tiết, không quá 6 ngày/tuần.

Chương trình nhà trường thuộc kế hoạch dạy 2 buổi/ngày song tách biệt với nội dung dạy học 2 buổi/ngày

Trong đó, đối với cấp THCS tổng số tiết dạy học 2 buổi/ngày trong tuần từ 37-42 tiết, bao gồm chương trình dạy học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 và kế hoạch dạy học, hoạt động giáo dục 2 buổi/ngày.

Đối với cấp THPT, tổng số tiết dạy học trong tuần từ 42-48 tiết, bao gồm chương trình dạy học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 và kế hoạch dạy học, hoạt động giáo dục 2 buổi/ngày.

Trường THCS, THPT sau khi có quyết định cho phép dạy học 2 buổi/ngày sẽ chủ động xây dựng nội dung kế hoạch dạy học chi tiết cho các môn học trên cơ sở đảm bảo nội dung chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng và thời lượng dạy học đồng thời đảm bảo tình hình cơ sở vật chất và giáo viên của nhà trường cũng như không gây quá tải đối với học sinh.

Do đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, khi triển khai Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS, THPT, với các trường dạy học 2 buổi/ngày thì không còn khái niệm giờ học chính khóa, ngoại khóa trong thời khóa biểu của trường.

Thời khóa biểu 2 buổi/ngày của trường THCS, THPT bao gồm: môn học, hoạt động giáo dục thuộc Chương trình GDPT 2018; nội dung dạy học 2 buổi/ngày và nội dung giáo dục thuộc chương trình nhà trường. Đảm bảo không vượt quá thời lượng 8 tiết/ngày và số tiết/tuần theo quy định đối với bậc THCS, THPT.

Nhà trường được chủ động, linh hoạt thiết kế thời khóa biểu phù hợp với đặc thù của trường về cơ sở vật chất, nguồn lực giáo viên, sự phối hợp với các đơn vị, đảm bảo tính ổn định, thuận lợi cho nhà trường trong tổ chức hoạt động giảng dạy, phù hợp với tâm lý học sinh và thuận lợi cho phụ huynh học sinh trong đưa đón. Thời khóa biểu phải đảm bảo sự linh động, tránh gây quá tải, áp lực cho học sinh.

“Khi thực hiện chương trình nhà trường, trường THCS, THPT phải thông tin chi tiết, đầy đủ về nội dung dạy học, mục đích, mục tiêu hướng tới, chất lượng hiệu quả khi giảng dạy, mức phí triển khai để tạo sự đồng thuận, thống nhất của phụ huynh, hướng tới việc thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt, nội dung giáo dục thuộc chương trình nhà trường cần được nhà trường tách biệt với nội dung dạy học 2 buổi/ngày, tránh sự trùng lắp, đảm bảo quyền lợi cho học sinh” – ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.

Chương trình nhà trường phải mang tính đặc thù riêng với từng nhà trường

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu khi xây dựng chương trình nhà trường, trường THCS, THPT phải căn cứ vào nhu cầu thực tế, đặc thù học sinh, bám sát vào các đề án, kế hoạch, chương trình của thành phố, của ngành giáo dục để triển khai.

Chương trình nhà trường ở mỗi trường phải được thiết kế có đặc thù riêng, phù hợp với đặc thù của nhà trường về cơ sở vật chất, điều kiện học sinh, hỗ trợ bổ trợ phát triển năng lực, năng khiếu cho học sinh chứ không thể rập khuôn, cứng nhắc.

Khi xây dựng chương trình nhà trường, hiệu trưởng giao các tổ, nhóm và các cá nhân phụ trách xây dựng khung nội dung giáo dục, kế hoạch bài dạy với các mục tiêu, yêu cầu cần đạt đáp ứng các yêu cầu đề ra theo đối tượng học sinh. Mỗi năm học nhà trường phải thực hiện đánh giá lại chất lượng và tính hiệu quả của chương trình nhà trường để có sự điều chỉnh phù hợp, tạo sự đồng thuận và phối hợp cao từ cha mẹ học sinh.

Yến Hoa

Bình luận (0)