Theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến tiếp tục là một trong ba trường THPT của Thành phố có tỉ lệ cao về số học sinh đạt loại khá – giỏi (dẫn đầu trong các trường THPT tại TP.HCM với 1459/1897 học sinh đạt loại khá – giỏi, chiếm tỉ lệ 77%). Đặc biệt, thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM năm nay cũng là một học sinh của trường – em Phạm Thị Hoàng Yến.
Có thể nói, xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, bên cạnh những khó khăn nhất định và tất yếu của một nước đang chuyển mình mạnh mẽ trước thời cuộc, thì nhìn chung nền giáo dục đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Số lượng và chất lượng của các trường công lập và ngoài công lập không ngừng phát triển; các công trình nghiên cứu về giáo dục bám sát được thực tiển và mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục… Đặc biệt, việc tạo điều kiện thuận lợi cho những người có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà tham gia mở trường đã đem đến một diện mạo mới cho nền giáo dục của đất nước. Và thực tế đã chứng minh, nhiều trường ngoài công lập được đầu tư chu đáo và tổ chức khoa học đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sánh vai với các trường công lập lớn về hiệu suất và hiệu quả đào tạo. Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến là một trong những đơn vị như vậy…
Hành trình tiên phong mở lối
Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến được thành lập vào ngày 25/05/1992 trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình hội nhập nền kinh tế thế giới và mô hình trường dân lập vẫn còn là một khái niệm mới mẻ. Mở lối tiên phong – những khó khăn, trắc trở là không thể tránh khỏi. Thế nhưng, với bầu nhiệt huyết và tấm lòng luôn trỉu nặng những trăn trở về nền giáo dục nước nhà trong giai đoạn hội nhập, hai nhà sáng lập trường là GS.NGND Lê Trí Viễn và Thầy Nguyễn Ngọc Phấn đã từng bước lèo lái con thuyền Nguyễn Khuyến vượt qua khó khăn để trở thành một trong những trường tư thục lớn, chất lượng cao và có truyền thống dạy tốt, học tốt như ngày nay.
Để làm được điều đó, ngay từ những ngày đầu thành lập, tập thể HĐQT – BGH nhà trường đã xác định phương châm “Vào trường Nguyễn Khuyến là phải tiến bộ”. Đây không chỉ là khẩu hiệu mà còn là thước đo đánh giá việc dạy và học của thầy và trò nhà trường. Nói thì dễ, làm mới khó. Những thành quả mà trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến đạt được ngày hôm nay không phải tự đến mà là kết quả của cả một cuộc hành trình dài hơn 20 năm của tập thể CB-GV và học sinh nhà trường. Trao đổi với chúng tôi, Cô Nguyễn Yên Chi – Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhận thức rõ vai trò chủ đạo của người thầy trong quá trình truyền đạt tri thức, xây dựng nếp sống và cách suy nghĩ của học sinh, Trường Nguyễn Khuyến đã luôn chú trọng đến việc xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Ngoài những giáo viên giỏi, tận tâm và giàu kinh nghiệm đến từ các trường học có uy tín trên địa bàn thành phố, sẳn sàng giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của học sinh kể cả trong và ngoài tiết học, Nhà trường còn tập hợp đội ngũ giáo viên quản nhiệm nhiệt tình, có kinh nghiệm chăm sóc và quản lý học sinh, thường xuyên gần gũi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và những khó khăn của học sinh để có biện pháp tư vấn, giúp đỡ kịp thời. Các thầy cô giáo của trường không chỉ dạy chữ mà còn giáo dục đạo đức, rèn luyện nhân cách để mỗi học sinh có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Nhờ vậy, hầu hết học sinh của trường đều cảm thấy thoải mái và có động lực học tập, rèn luyện”.
Được biết, hiện trường Nguyễn Khuyến có 4 cơ sở với hơn 6.000 học sinh đang theo học. Cả 4 cơ sở của trường đều có khuôn viên rộng rãi, yên tĩnh với hệ thống phòng học và phòng chức năng thoáng mát tiện nghi, trang thiết bị đầy đủ, phòng tin học, phòng Multimedia, phòng đèn chiếu, có nhà ăn và khu nội trú rộng rãi, có sân sinh hoạt cho học sinh nội trú, sân thể thao, sân chơi rộng lớn… Mặc dù có hệ thống cơ sở vật chất rộng rãi và được thường xuyên được xây dựng, cải tạo, nhưng với số lượng học sinh tăng đều hàng năm, khó khăn lớn nhất của trường vẫn là cơ sở vật chất. Nhìn dãy phòng dành cho BGH và giáo viên cũ kỹ, nằm lọt thỏm giữa những dãy phòng học cao tầng khang trang của học sinh, chúng tôi phần nào hiểu được tâm huyết và tấm lòng hướng đến học sinh của tập thể hội đồng sư phạm nhà trường. Đúng như cô Yên Chi đã nói: “Ở trường Nguyễn Khuyến, tất cả những gì tốt đẹp nhất đều dành cho học sinh. Điều kiện cơ sở vật chất dù có khó khăn, chật hẹp đến đâu nhà trường cũng đảm bảo tạo dựng một môi trường học tập tốt nhất cho học sinh với đầy đủ phòng học, khu nội trú và sân chơi TDTT… theo đúng tiêu chuẩn giáo dục hiện đại”
Dạy cả lớp, dạy, dạy nghĩ – Cả lớp học, nghĩ mới học
Đó chính là phương châm dạy và học của trường Nguyễn Khuyến mà cố hiệu trưởng sáng lập Lê Trí Viễn đã đúc kết lại. Và có lẽ đây cũng là lời giải đáp ngắn gọn nhất cho những ai quan tâm tìm hiểu về nguyên nhân thành công của trường. Điều này có nghĩa là trong dạy và học, giáo viên phải quan tâm đến từng học sinh, dạy và học phải là hoạt động thu hút cả lớp không trừ một học sinh nào. Điều có ý nghĩa quyết định là việc dạy học không chỉ cung cấp kiến thức mà còn dạy phương pháp tư duy khi tiếp nhận kiến thức; dạy suy nghĩ là dạy cách tự học trong nhà trường và sau này…
Qua việc xây dựng chương trình giáo dục hợp lý và sự khoa học trong công tác tổ chức giáo dục, trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến liên tục gặt hái được những thành tích đáng tự hào. Liên tiếp nhiều năm liền, trường là một trong 5 trường THPT của thành phố có tỉ lệ cao về số học sinh thi đậu tú tài loại giỏi và thi đậu đại học, trong đó có nhiều em là thủ khoa hoặc đạt điểm cao khi thi vào các trường lớn như: ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại Thương, ĐH Bách Khoa, ĐH Ngân Hàng, ĐH KHTN, ĐH Y Dược, ĐH Kiến Trúc, ĐH Nông Lâm… Đặc biệt, tỉ lệ học sinh đậu đại học của trường trong hai năm 2010 và 2011 lần lượt là 91,7% và 94,8%. Với một đơn vị trường học có số lượng học sinh dự thi ĐH hàng năm lên đến gần 2.000 như trường Nguyễn Khuyến, đây là một tỉ lệ cực kỳ ấn tượng…
Với định hướng đúng đắn của tập thể HĐQT – BGH và sự nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ – giáo viên – CNV Nhà trường, tin rằng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến sẽ tiếp tục vững bước trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam – tiếp tục một cuộc hành trình đầy khó khăn, thử thách nhưng không kém phần vinh quang, rực rỡ…
Phỏng vấn HS Phạm Thị Hoàng Yến – Thủ khoa kì thi tốt nghiệp THPT 2012 của TP.HCM
* Khi biết tin mình đỗ thủ khoa, người đầu tiên em nghĩ đến là ai?
– Đó là ba mẹ của em, những người đã không quản khó khăn, vất vả để cho em được học tập trong một môi trường giáo dục tốt như trường Nguyễn Khuyến. Em cũng muốn dành những lời cảm ơn chân thành nhất đến quí thầy cô và bạn bè trong trường. Chính nhờ sự dạy bảo tận tình của các thầy cô giáo và sự đồng hành, giúp đỡ của các bạn trong suốt thời gian em học tập tại trường đã giúp em học tốt và đạt được thành tích như ngày hôm nay.
* Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 được đánh giá là “khó xơi” với nhiều học sinh bởi có đến 3 môn xã hội. Thế nhưng em vẫn hoàn thành với kết quả cao nhất. Đâu là bí quyết cho sự thành công ấy?
– Có lẽ bước ngoặc trong chặng đường học tập của em chính là lúc thầy giáo giới thiệu cho chúng em cuốn sách Tôi tài giỏi, bạn cũng thế của tác giả Addam Khoo. Ban đầu em đóc sách chỉ vì sự tò mò nhưng sau một lúc em cảm thấy bị cuốn hút bởi những phân tích sâu sắc của tác giả về sơ đồ tư duy và cách xác định, ghi nhớ vấn đề. Sau khi đọc xong cuốn sách, em đã tự tìm ra những cách học phù hợp với môi trường và hoàn cảnh của mình. Thật sự việc học các môn xã hội không khó. Vấn đề là phải đầu tư thời gian và có cách học phù hợp.
* Em có thể bật mí đôi chút về cách học của mình?
– Theo em, muốn khá ngoại ngữ phải học từ nhỏ, chứ không phải một sớm một chiều là thành công được ngay. Kiên trì, biết tích lũy từng chút kiến thức cũng là “bảo bối” giúp em học chắc môn Anh văn hơn. Đối với đối với môn Hóa, phải nắm vững lý thuyết để vận dụng vào thực hành. Lắt léo của môn Hóa là nhiều khi đề đưa ra dữ kiện này mà lại hỏi vấn đề khác nên HS phải biết suy luận và thật nhạy bén. Khi gặp bài toán khó không giải được, chứng tỏ ta chưa làm đúng phương pháp, vì thế phải “động não” một chút để tìm ra con đường khác mới mong “về đích” được. Còn với môn sử và địa, muốn nhớ kiến thức được lâu nên dùng sơ đồ tư duy, muốn nhớ các số liệu thì phải có sự liên tưởng tới những con số liên quan.
|
T.ANH – H.HẢI (thực hiện)
Bình luận (0)