Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường THPT Bùi Thị Xuân: Tìm về nguồn cội để hướng đến tương lai

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Tượng Bùi Thị Xuân bằng gốm dát vàng tại đền thờ bà
Trường THPT Bùi Thị Xuân (73-75 Bùi Thị Xuân, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) tiền thân là Trường Trung học Nguyễn Bá Tòng, được thành lập năm 1956…
Hơn nửa thế kỷ qua, Trường THPT Bùi Thị Xuân không ngừng lớn mạnh và ngày càng khẳng định được thương hiệu trong ngành GD-ĐT TP nói riêng và cả nước nói chung. Vị trí của trường trong bảng xếp hạng các trường THPT có tỷ lệ học sinh trúng tuyển ĐH cao mỗi năm vượt hàng chục bậc – Đến nay trường nằm trong nhóm 50 trường THPT của cả nước…
Có được kết quả này không chỉ là sự nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường, sự cố gắng của các em học sinh, sự ủng hộ của phụ huynh và xã hội mà còn bởi niềm vinh dự, tự hào được mang tên nữ Anh hùng dân tộc Bùi Thị Xuân của thầy và trò nhà trường.
Đoàn cán bộ – giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) tham quan Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân (Bình Định)
Những thành tích trường đạt được: Huân chương Lao động hạng 2, hạng 3; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM; Cờ thi đua của UBND TP.HCM; Tập thể Lao động xuất sắc nhiều năm liên tục…

“Hướng đến kỷ niệm 60 năm thành lập trường, vừa qua 12 cán bộ – giáo viên của trường đã về quê hương của nữ Anh hùng dân tộc Bùi Thị Xuân. Ở đó, chúng tôi tìm hiểu được nhiều thông tin, tư liệu về bà. Đây là những tư liệu quý để giáo viên và học sinh nhà trường hiểu hơn về những đóng góp của bà đối với quê hương, đất nước”, cô Vũ Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết. 

Trước đó, từ ngày 19 đến 22-11-2015, 12 cán bộ, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân đã đến tham quan Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Đền thờ được khánh thành vào ngày 10-7-2008. Đền thờ gồm có ba gian, trong đó gian chính giữa (chính điện) để bàn thờ, trên có tượng Bùi Thị Xuân bằng gốm dát vàng… Đồng thời, đoàn cũng đã tới tham quan Di tích từ đường Bùi Thị Xuân ở xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn (di tích được Nhà nước công nhận ngày 16-11-1988). Qua chuyến đi này, lịch sử oai hùng của nữ tướng Bùi Thị Xuân như hiện ra trong mắt các thầy, cô giáo của ngôi trường mang tên bà. 
Giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần viết: Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng…
“Chúng tôi sẽ đưa những tư liệu về nữ tướng Bùi Thị Xuân vào kỷ yếu 60 năm của trường. Đây như là một lời nhắn gửi tới tập thể sư phạm, học sinh, cựu học sinh hãy cố gắng dạy và học, làm việc, cống hiến cho xã hội để xứng đáng với niềm vinh dự là thầy và trò của ngôi trường mang tên bà”, cô Ngọc Dung cho biết thêm.
Thùy Linh
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)