Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường THPT Dân lập Thăng Long: Ngôi trường đầy nghĩa tình và thân thiện

Tạp Chí Giáo Dục

Ra đời năm 2000, tọa lạc tại Quận 5, TP.HCM giờ đây đã trở thành “Ngôi nhà thân thương” của nhiều thế hệ học trò, nhất là với học trò nghèo dưới sự “bảo bọc” của người “mẹ hiền” – Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Mai.
Với phương châm: “Nghĩ và làm gì cho con em mình hãy nghĩ và làm như vậy với học trò mình”, Trường THPT Dân Lập Thăng Long mong muốn mang đến cho các em học sinh môi trường giáo dục thân thiện, sống có nghĩa, có tình, có trách nhiệm, cho học sinh cảm nhận được nơi đây là gia đình thứ 2. Các em cũng được yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ, sẻ chia và được giúp đỡ (bằng chính những cuộc trò chuyện, tư vấn, bằng các chuyến công tác từ thiện, viếng thăm các nghĩa trang liệt sỹ và các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng…) từ bất cứ cán bộ, giáo viên nào của trường.
Đạo lý “Tiên Học Lễ – Hậu Học Văn” đã thực sự có ý nghĩa trong đại gia đình Thăng Long. Ngay từ những ngày đầu, bài học đầu tiên các em được học là cách chào hỏi, lễ nghĩa, giao tiếp, cách tôn trọng người khác cũng như chính bản thân mình… do chính cô Hiệu trưởng đi vào từng lớp để hướng dẫn. Tiếp theo là cả quá trình dày công phân tích đối tượng học sinh, kết hợp giữa phương pháp dạy học truyền thống với vận dụng công nghệ thông tin cùng các thiết bị hiện đại tiên tiến, đồng thời chú trọng phát huy năng lực tư duy sáng tạo của học sinh giúp các em nâng dần và có đủ kiến thức để hoàn thành chương trình học và tham gia các kì thi tốt nghiệp THPT, CĐ và Đại Học đạt kết quả cao.
Cô hiệu trưởng rất tự hào nói rằng: “Đội ngũ thầy cô giáo của chúng tôi rất tuyệt vời, họ đã làm được những điều kì tích”. Bởi vì, chất lượng đầu vào của học sinh lớp 10 quá thấp kể cả học lực và hạnh kiểm, trường tuyệt đối không lựa chọn học sinh, ai tới trước thì có chỗ học, ai đến sau sẽ hết chỗ, đã nhận học sinh vào dù thấp, kém đến mấy thì thầy, cô cũng có thể giúp các em tiến bộ, hàng năm tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT và CĐ, ĐH rất cao.
Đặc biệt, trong 11 năm trưởng thành và phát triển nhà trường không bao giờ thu tiền cơ sở vật chất, quỹ hội cha mẹ học sinh hoặc bất cứ phí nào khác ngoài khoản học phí thấp nhất thành phố, đối tượng nào cũng có thể theo học và được cư xử bình đẳng, số học sinh có hoàn cảnh khó khăn được miễn, giảm học phí rất đông và là trường duy nhất trong cả nước có chế độ cho nợ học phí, hoặc trả góp học phí (có bao nhiêu góp bấy nhiêu) miễn sao các em được đến trường theo học. “Tôi muốn tạo điều kiện để tất cả các em đều được học, được rèn luyện tốt các kỹ năng sống lẫn tri thức, đạo đức như một cách đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho gia đình và xã hội. Đó cũng chính là tâm huyết của người làm giáo dục, góp phần vào công việc trồng người” – cô Mai tâm sự.
Cũng nằm trong những hoạt động nhằm giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, Trường Thăng Long những năm gần đây đã tổ chức thành công Lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh cuối cấp vào dịp tổng kết năm học. Thông qua những buổi lễ này, học sinh đã bày tỏ tấm lòng tri ân chân thành đến các thầy cô giáo, đặc biệt là các bậc sinh thành. Phụ huynh khối 12 được trân trọng mời đến buổi lễ để chứng kiến lễ ra trường của con em. Trong những buổi lễ này, những điều mà các em đã rất khó nói trong lúc bình thường, hoặc ngại không dám trực tiếp bày tỏ cùng những người đã có công nuôi nấng, dạy dỗ cho các em được trưởng thành như ngày hôm nay luôn được thể hiện. Nhiều phụ huynh có mặt đã hết sức ngỡ ngàng khi thấy con mình có tình cảm sâu sắc, được thầy cô và bè bạn yêu thương trong môi trường học đường. Và cũng có không ít những khoảng lặng kéo dài, những giọt nước mắt của cha mẹ, của thầy cô và rất nhiều học sinh đã lặng lẽ rơi khi lắng nghe tâm sự của chính con em mình. Tất cả như lắng đọng, nhiều phụ huynh đã thầm cảm ơn những thầy cô giáo của trường Thăng Long, một ngôi nhà thứ 2 đầy ắp nghĩa tình.
V.T

Bình luận (0)