Hơn 850 học sinh khối 10, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) đã được “tắm mình” trong thế giới nghề nghiệp bằng những trải nghiệm thực tế từ việc trao đổi với chuyên gia cho đến “sắm vai” ở các lĩnh vực ngành nghề. Điều đặc biệt là những trải nghiệm này lại đến từ chính các môn học trong Chương trình GDPT 2018.
Các trải nghiệm thuộc dự án “Khám phá thế giới nghề nghiệp” do tổ giáo dục kinh tế và pháp luật, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và tổ hóa học, tin học cùng phối hợp triển khai, nhằm đổi mới công tác hướng nghiệp cho học sinh theo mục tiêu của chương trình mới.
Tham gia vào dự án, học sinh khối 10 đã được gặp gỡ, giao lưu với các chuyên gia và cựu học sinh ở nhiều lĩnh vực ngành nghề như luật sư, bác sĩ, công nghệ thực phẩm…, được giải đáp những băn khoăn đối với các lĩnh vực nghề nghiệp mình quan tâm. Khi được trải nghiệm với “người trong nghề” đã khiến học sinh vô cùng thích thú, hào hứng.
“Em rất thích theo ngành y nhưng đây là ngành học có điểm đầu vào khá cao, cũng như quá trình học kéo dài hơn các ngành học khác. Vậy làm thế nào để em có thể theo đuổi được ước mơ trở thành bác sĩ nếu như năng lực học tập của em không thực sự xuất sắc?” – Tuấn Anh – học sinh lớp 10, Trường THPT Phú Nhuận đặt câu hỏi cho khách mời chuyên gia.
Trước băn khoăn này của học sinh, bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng (Khoa Hồi sức tim, Bệnh viện Nhi đồng 2) đã kể lại câu chuyện theo đuổi ngành y của bản thân khi còn là học sinh Trường THPT Phú Nhuận:
“Khi còn là học sinh THPT, anh có tham gia CLB hội chữ thập đỏ của trường. Tại đây, anh được học cách sơ cấp cứu, băng bó vết thương, cảm thấy yêu thích công việc này, công việc có ích cho gia đình, xã hội. Chính vì vậy anh đã nung nấu ý định trở thành một bác sĩ. Khi đã quyết tâm theo đuổi, điều quan trọng nhất là cần có sự bền bỉ, kiên trì, nỗ lực…”.
Dù vậy, bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng lưu ý rằng, theo đuổi ngành y không chỉ phải chịu áp lực từ ghế nhà trường phổ thông mà khi lên đại học rồi áp lực lúc đó mới thực sự gấp nhiều lần. “Khi vào học, anh đã sốc ngay trong tiết học giải phẫu đầu tiên bởi quá nhiều chi tiết, rất khác với những gì bản thân đã hình dung về ngành y trước đó. Và suốt những năm đại học, liên tiếp là những cú sốc khác, nếu như bản thân không thực sự đam mê và nỗ lực thì khó có thể vượt qua. Vì thế, những bạn ước mơ trở thành bác sĩ thì phải thật sự đam mê, thực sự nhiệt huyết và dũng cảm…” – bác sĩ Tùng khuyên.
Không chỉ được giao lưu tìm hiểu nghề nghiệp với các chuyên gia khách mời, tham gia vào dự án, học sinh còn thực hiện các tiết mục sân khấu hóa giới thiệu và truyền tải thông điệp về một số ngành nghề tiêu biểu với các vở kịch, bài hát và trò chơi. Đặc biệt, 19 lớp 10 đã góp mặt 19 gian hàng giới thiệu các ngành nghề ở các lĩnh vực như CNTT, kinh doanh, luật…
Theo cô Phan Thị Thu Hiền (Tổ trưởng Tổ giáo dục kinh tế và pháp luật, Trường THPT Phú Nhuận) với môn Giáo dục kinh tế và pháp luật khối 10, học sinh được học về bài học “Các hoạt động của nền kinh tế và các chủ thể của nền kinh tế”. Với dự án, học sinh sẽ được trải nghiệm thực tế những hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội và thực hành vai trò các chủ thể của nền kinh tế thông qua chính việc tổ chức các gian hàng.
“Khi tổ chức gian hàng, các em sẽ phải tính toán kinh doanh mặt hàng gì để có lời, lãi, thu hút các bạn mua, chứ không đơn giản là tổ chức bán 1 sản phẩm. Từ chính những trải nghiệm này giúp các em hình dung dễ dàng hơn về kiến thức bài học, đồng thời định hướng nghề nghiệp cho các em ở các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, logistics, quản trị…”.
Cô Lưu Thị Yến (Tổ trưởng Tổ tin học, Trường THPT Phú Nhuận) thông tin, ở khối 10, môn tin học học sinh sẽ được tiếp cận với những định hướng về thiết kế, định dạng phần mềm trên máy tính. Khi tham gia vào dự án, những học sinh lựa chọn môn tin học sẽ tự tìm hiểu thiết kế trang web, tổ chức hình thức tìm hiểu nghề nghiệp theo chủ đề bài học ở bộ môn, tổ chức cho học sinh xây dựng gian hàng với poster để học sinh giới thiệu cho bạn bè về ngành CNTT.
“Trong dự án, với rất nhiều hoạt động khác nhau trước hết đã tạo ra sân chơi để học sinh vừa học vừa chơi, khám phá kiến thức bài học. Thông qua những trải nghiệm đa dạng ở nhiều lĩnh vực đã giúp học sinh được tìm hiểu, khám phá về các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau có liên quan đến môn học. Từ đó, giúp các em tự nhận thức và đánh giá về bản thân, tìm hiểu về ngành, nghề, trường đào tạo.
Đổi mới công tác hướng nghiệp từ chính mỗi môn học
Thầy Trần Công Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận chia sẻ, Chương trình GDPT 2018 xác định, bậc THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Do đó, công tác hướng nghiệp hiện đóng vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu của chương trình. Trong Chương trình GDPT 2018, thuận lợi là mỗi môn học đều có những chủ đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Chương trình cũng đã dành hẳn khung, thời lượng bắt buộc cho hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Đặc biệt ngay từ năm lớp 10 học sinh cũng đã được chọn học các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp. Đây chính là nền tảng để nhà trường xây dựng, đổi mới và đa dạng các hoạt động, hình thức hướng nghiệp cho học sinh từ khối lớp 10. “Đổi mới công tác hướng nghiệp hiện nay phải gắn liền và xuất phát từ chính mỗi môn học. Mỗi giáo viên phải thể hiện được vai trò hướng nghiệp trong môn học của mình thông qua những hoạt động giáo dục cụ thể, để học sinh vừa tiếp thu kiến thức mà vừa trải nghiệm nghề nghiệp một cách trực quan, sinh động. Nhà trường luôn khuyến khích giáo viên tổ chức các hoạt động đổi mới về phương pháp dạy học ở mỗi môn học gắn với đổi mới về công tác hướng nghiệp” – thầy Tuấn nhìn nhận. |
Yến Hoa
Bình luận (0)