Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường THPT đổi mới phương thức dạy và học lịch sử bằng sân khấu hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 1.900 học sinh Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8) đã vô cùng háo hức, say mê khi tiếp cận với lịch sử qua hình thức sân khấu hóa thông qua vở kịch “Câu hò đất mẹ” được tái hiện ngay tại sân khấu trường, ngày 9-12.

Đây là vở kịch đạt huy chương vàng Liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2021 và giải B cấp thành phố chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024.

Lịch sử được sân khấu hóa với vở diễn sinh động đã “chạm” đến trái tim học sinh

“Nếu chỉ học từ sách vở thì không thể có cảm giác xúc động như vậy”

Vở kịch là câu chuyện về sự hy sinh cao đẹp của vợ chồng người chiến sĩ cách mạng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Bao trùm trong vở kịch là tình đồng chí, tình vợ chồng, tình mẹ con, tình yêu quê hương đất nước chạm đã đến trái tim người xem. Trong ngục tù Côn Đảo tối tăm, khủng khiếp, trước những đòn tra tấn hiểm độc của kẻ thù, những người chiến sĩ cách mạng vẫn kiên gang, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, vì độc lập tự do dân tộc.

Chính những giá trị của hòa bình, độc lập tự do dân tộc thấm đẫm trong vở kịch đã níu học sinh trong suốt 2 giờ đồng hồ vở kịch diễn ra.

Song song biểu diễn trong hội trường, vở diễn được trực tiếp ra sân trường qua màn hình led

Bùi Huỳnh Trâm Anh – lớp 12A1 cùng bạn bè lặng đi trước cuộc hội ngộ của người chiến sĩ Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai trong ngục tối nơi Côn Đảo. Phân cảnh Nguyễn Thị Minh Khai bị giặc kết án tử hình khiến cả nhóm không kìm được nước mắt.

“Vở diễn quá xuất sắc, quá ý nghĩa, giúp em và các bạn hiểu về lịch sử đấu tranh của dân tộc mình. Những người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong trước giờ chúng em chỉ học trên những trang sách, từ những bài học lịch sử thì hôm nay, qua vở kịch, như bước ra ngoài, hiện diện một cách đầy chân thực, xúc động với sự hy sinh, tinh thần chiến đấu bất khuất, quật cường” – Trâm Anh nói.

Bạn cho rằng, những bài học lịch sử nếu chỉ được tiếp cận từ sách vở thì cảm giác xúc động sẽ không thể trọn vẹn. Nhưng khi được sân khấu hóa, với hiệu ứng ánh sáng, âm thanh… thì bài học lịch sử lại hiện lên đầy sinh động.

“Vở diễn giúp chúng em hiểu sâu thêm về lịch sử, thêm yêu và tự hào về lịch sử dân tộc. Chúng em mong nhà trường sẽ tổ chức thêm nhiều buổi sinh hoạt trải nghiệm như này… Theo em, để người trẻ hiểu và tự hào về lịch sử dân tộc, có ý thức trách nhiệm thì không gì khác phải được hiểu về lịch sử từ chính những đổi mới như thế này trong nhà trường”.

Hồ Đắc Phát – lớp 11B15 bày tỏ: Qua vở diễn em thấy tự hào với tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc của các thế hệ cha anh đi trước, thấy bản thân phải có trách nhiệm phấn đấu học tập, tiếp bước cha anh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Được học lịch sử theo hướng mới qua hình thức sân khấu hóa giúp em và các bạn tiếp thu kiến thức lịch sử sinh động hơn.

Trong suốt 2 giờ đồng hồ, học sinh chăm chú theo dõi vở kịch

Đa dạng hình thức giáo dục học sinh về lịch sử dân tộc

Đầy phấn khởi khi học sinh đón nhận vở kịch lịch sử, khóc, cười cùng các nhân vật, cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Tổ trưởng Tổ lịch sử, Trường THPT Tạ Quang Bửu đánh giá, bằng trực quan sinh động cùng những hiệu ứng ánh sáng, âm thanh, với nhiều chi tiết đắt giá, vở kịch đã mang đến giá trị giáo dục rất cao, giáo dục học sinh về lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

“Học sinh đã rất xúc động khi theo dõi vở kịch, có những giọt nước mắt đã rơi. Điều này cho thấy những giá trị lịch sử đã chạm được đến trái tim, nhận thức của các em. Là một giáo viên dạy lịch sử, tôi thấy vui vì điều này. Không chỉ dừng ở việc học lịch sử theo một cách thức rất khác, tác phẩm đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của các em về các giá trị, bài học lịch sử” – cô Quỳnh Hoa chia sẻ.

Từ tác động của vở kịch lịch sử đến với học sinh, nhìn nhận lại việc dạy và học môn lịch sử tại trường phổ thông, cô Quỳnh Hoa thẳng thắn, thực hiện Chương trình GDPT 2018, tổ bộ môn đã có nhiều đổi mới về phương pháp giảng dạy, học sinh được chủ động tìm hiểu kiến thức. Tuy nhiên, những đổi mới đó vẫn chưa đủ, chưa thực sự chạm đến học sinh.

“Tổ bộ môn cần phải có thêm nhiều biện pháp, thay đổi phương pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy và học trong môn học. Giáo viên có thể đưa các nhân vật lịch sử vào trong tiết học để học sinh được sân khấu hóa ngay tại lớp, đa dạng nhiều hoạt động, sân chơi, tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm, tự khá phá kiến thức, mang lại giá trị giáo dục cao hơn” – cô Quỳnh Hoa chia sẻ.

Giáo viên, học sinh Trường THPT Tạ Quang Bửu chụp hình lưu niệm cùng với diễn viên tham gia vở kịch

Theo cô Trần Thị Bích – Hiệu trưởng Trường THPT Tạ Quang Bửu, công tác giáo dục học sinh về lịch sử, về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được nhà trường đẩy mạnh, đa dạng nhiều hình thức.

Thông qua việc đưa vở diễn lịch sử về trường, nhà trường mong muốn không chỉ đổi mới phương thức tiếp cận với học sinh, mang lại hiệu quả giáo dục cao mà còn khơi lên trong các em tình yêu, lòng tự hào lịch sử dân tộc, khơi lên trách nhiệm của người trẻ với đất nước…

Từ chương trình, từ sự đón nhận của học sinh, cô Bích nhìn nhận, nhà trường thấy được rằng cần phải cố gắng đổi mới hơn nữa trong phương pháp giảng dạy bộ môn lịch sử, giáo dục học sinh về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thay vì tổ chức chuyên đề, tiết dạy tốt trong cụm thì nhà trường có thể chuyển thành việc đưa học sinh đi trải nghiệm thực tế, giúp các em được hòa vào, được trải nghiệm trực tiếp vào các tác phẩm lịch sử.

“Nếu chỉ học bằng lý thuyết, sách vở thì không thể hiệu quả bằng việc kết nối trải nghiệm thực tế. Tới đây, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động giáo dục liên môn văn, sử, địa, cho học sinh xem vở kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh” – cô Bích cho hay.

Bất ngờ khi học sinh đón nhận vở kịch một cách say mê, trân trọng, bà Nguyễn Cẩm Linh – Giám đốc Công ty TNHH Tổ chức Biểu diễn Phiêu Linh phấn khởi: Rõ ràng học sinh rất thích lịch sử chứ không phải là không thích học lịch sử như nhận định đâu đó chúng ta vẫn nghe. Chỉ có điều là chúng ta chưa biết cách, chưa đi đúng hướng để khơi lên tình yêu đó trong học sinh.

“Để đưa một sân khấu kịch về nhà trường, đến với học sinh là cực kỳ công phu và nhiều vất vả. Dư địa của vở diễn lịch sử đối với người trẻ là rất lớn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, đặt hàng và tìm kiếm những kịch bản về lịch sử, phù hợp với đối tượng học sinh để đưa lịch sử đến gần hơn nữa với giới trẻ…”.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)