Đại diện Trường THPT Hương Khê nhận bằng chuẩn quốc gia
|
Mùa thu năm 1964, cùng với cả nước hân hoan kỷ niệm ngày Quốc khánh, nhân dân và ngành giáo dục Hương Khê đón nhận tin vui đặc biệt: UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định thành lập Trường Phổ thông cấp 3 Hương Khê (nay là Trường THPT Hương Khê)… Trước đó nhiều năm ròng chỉ có số ít học sinh (HS) hàng năm phải trèo đèo lội suối theo học ở các trường xa như cấp 3 Phan Đình Phùng, Trần Phú; không ít em phải bỏ học giữa chừng vì đường sá xa xôi và gạo tiền khan hiếm. Bởi vậy được học tại quê nhà là cả một sự đổi đời và niềm hạnh phúc của biết bao thế hệ HS thuở ấy.
Hiệu trưởng là thầy giáo Nghiêm Trung, Bí thư Chi bộ là thầy Nguyễn Văn Nhân, Bí thư Đoàn trường là thầy Đặng Duy Báu (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh). Đây là những người có công đặt nền móng đầu tiên. Vượt qua khó khăn ban đầu, năm học sau số HS các xã vùng sâu vùng xa đến học đông hơn. Cứ thế ngôi trường vươn vai lớn mạnh dần theo thời gian tuổi tác.
1. Chiến tranh ác liệt, hết sơ tán chỗ này lại dời về chỗ khác với mục đích bảo toàn tính mạng cho thầy trò và quyết tâm của Ban Giám hiệu nhà trường là dù trong hoàn cảnh nào cũng không để cho việc dạy học ngưng trệ. Thế là thầy trò và nhân dân lại dốc sức dựng trường, vào rừng chặt gỗ nứa để tự tay dựng lán làm hầm. Bục giảng nằm sâu vào lòng đất có lũy và hào bao quanh để tránh đạn. Gian nan vượt lũ mùa mưa, thắng cái rét cắt da mùa đông khi lội nước dòng sông Tiêm nên chẳng bao giờ thiếu vắng HS. Mặc bom đạn gầm rú tiếng giảng bài vẫn không hề dứt. Mặc dù dạy và học trong điều kiện thiếu thốn và chiến tranh vô cùng ác liệt nhưng các thế hệ đi trước của cấp 3 Hương Khê thật tự hào. Mùa gieo hạt lại có quả ngọt. Một năm sau, nhà trường đón nhận tin vui em Vũ Tiến Bình đậu HS giỏi miền Bắc về môn văn.
Trên đường tới lớp nhiều HS đã bị thương và 3 HS đã ngã xuống bỏ dở ước mơ đến trường. Cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn ác liệt, nhiều thầy cô giáo và HS tình nguyện xếp bút nghiên lên đường ra trận… Những gương chói ngời của các nhà giáo liệt sĩ như thầy Vũ Mai Chương, thầy Nguyễn Văn Chế, của các HS đàn anh Lê Thông, Trần Đình Ngụ, Đặng Văn Đại, Bạch Đình Hoan, Trần Quốc Toản, Châu Văn Lễ… mãi mãi sáng ngời trong trang sử của nhà trường và trong tâm trí thầy trò qua bao thế hệ.
2. Khi trở về mảnh đất Phú Phong để “an cư lập nghiệp”, vẫn với những chiếc lán đơn sơ dựng vội nhưng một bầu không khí thanh bình và một nhịp sống vui tươi đã ùa về. Cũng từ đây những dãy nhà xây với mái ngói đỏ tươi đã thay lớp học tranh tre tạm. Quy mô nhà trường tiếp tục phát triển, số HS tốt nghiệp ra trường hàng năm tăng gần 500 em. Vào những năm 1990 đến 1993, khó khăn chung sau cuộc chiến tranh đã tác động đến giáo dục, số lớp và số HS giảm dần. Rồi công cuộc đổi mới, với những thành tựu bước đầu đã có sức thu hút con em đến trường. Dấu ấn đáng nhớ nhất là trong ngày vui kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, khu nhà học 3 tầng đầu tiên của huyện nhà được đưa vào sử dụng.
Trường THPT Hương Khê khai giảng năm học 2014-2015
|
Song song với đầu tư xây dựng, trường còn chú trọng tạo lập một môi trường cảnh quan sư phạm xanh – sạch – đẹp tương xứng với tầm vóc, biến khuôn viên có diện tích 30.000m2 không chỉ là phương tiện dạy và học mà còn là một trực quan sinh động góp phần vào công tác giáo dục toàn diện. Tạo dựng cơ sở vật chất là vô cùng thiết yếu nhưng cơ sở vật chất cũng chỉ là phương tiện. Nhiệm vụ cốt lõi nhất của nhà trường vẫn là chất lượng đào tạo.
Nhiều chuyên đề, hội thảo chuyên môn được Sở GD-ĐT tổ chức đã tác động lớn trong việc đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy. Hoạt động chuyên môn luôn được Ban Giám hiệu cùng Hội đồng sư phạm quan tâm và tăng cường đầu tư coi đây là chìa khóa then chốt giúp hoạt động chuyên môn đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn. Công sức nhà trường bỏ ra không uổng phí. Từ chỗ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, số HS giỏi, số HS đậu ĐH, CĐ ngày càng tăng. Từ năm học 2006-2007 đến nay, chất lượng mũi nhọn và chất lượng thi ĐH phát triển ấn tượng theo biểu đồ đi lên. 8 HS giỏi cấp quốc gia; 460 HS giỏi cấp tỉnh… Đó không chỉ công lao được đền đáp mà còn là niềm vinh dự to lớn của thầy trò Trường THPT Hương Khê.
Từ ngày ra đời tới nay, qua 50 khóa đào tạo có 19.460 HS tốt nghiệp, trong đó có 3.956 em vào ĐH. Đáng kể hơn, có 42 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và 148 thạc sĩ. Nhiều cựu HS là sĩ quan, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu… Không thể kể hết những con số đáng tự hào đó. Dù ở đâu, làm gì các cựu HS đều phát huy tốt truyền thống cần cù, chăm chỉ, vượt khó vươn lên và trưởng thành.
3. Sự trưởng thành của nhà trường gắn với sự lãnh đạo của Tổ chức Đảng qua từng thời kỳ, từ buổi ban đầu chi bộ chỉ có ít đảng viên vẫn chăm lo công tác xây dựng nhà trường. Tập trung lãnh đạo vận động HS đến trường, tổ chức làm phòng học lán nứa, gây dựng cơ sở vật chất, đối phó với chiến tranh ác liệt, lo chỗ ăn ở cho giáo viên (GV) và nâng cao chất lượng dạy học…
Nay Đảng bộ nhà trường đã lớn mạnh gồm 4 chi bộ với 77 đảng viên. Bên cạnh làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Đảng bộ không ngừng củng cố xây dựng các tổ chức đoàn thể chính trị như Đoàn Thanh niên, Công đoàn, các tổ chức hội… Công tác phát triển Đảng trong HS hàng năm được Đảng bộ quan tâm. Nhiều HS là quần chúng tích cực từ các phong trào thi đua được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. 29 GV giỏi cấp tỉnh và các chiến sĩ thi đua là những bông hoa tươi thắm tiêu biểu cho phong trào thi đua Hai tốt của ngành.
Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ CB, GV, CNV và HS Trường THPT Hương Khê đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào nhưng tự hào nhất có lẽ là nhà trường dù ở thời kỳ nào cũng tạo được lòng tin của các cấp lãnh đạo và nhân dân huyện nhà.
Với tâm thế của độ tuổi ngũ thập chín chắn và tự tin, thầy và trò Trường THPT Hương Khê quyết tâm thi đua lao động sáng tạo, phấn đấu xây dựng nhà trường vững mạnh, xứng đáng với bề dày truyền thống của ngôi trường tròn 50 tuổi và với sự tin yêu của phụ huynh HS, của ngành, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà.
Phan Thanh Toàn (Hiệu trưởng nhà trường)
Những sự kiện đáng nhớ
Ngày 12-9-1964, trường cấp 3 đầu tiên của huyện Hương Khê được thành lập tại Trại Lăng (Gia Phố) chỉ có 2 lớp 8 và 7 GV. Năm học 1965-1966, trường có 2 lớp 8, 2 lớp 9 và 9 CB, GV cùng 1 nhân viên. Đến năm học 1966-1967, chiến tranh ác liệt, trường sơ tán về Roộc Cồn (Phú Phong) rồi sau đó sơ tán vào Hương Vĩnh. Có 3 lớp 8, 2 lớp 9 và 2 lớp 10 (320 HS). Sau 6 năm thành lập, năm học 1969-1970 trường được UBND tỉnh tặng bằng khen “Trường tiên tiến chống Mỹ” ghi nhận những cố gắng vươn lên của trường trong điều kiện khó khăn gian khổ. Năm học 1973-1974, chiến tranh ác liệt đi qua, thầy và trò của trường lại trở về với mảnh đất Phú Phong.
Năm học 1980-1981, trường có 27 lớp với 1.320 HS. Những năm sau đó ở mức 30 lớp khoảng 1.500 HS. Khuôn viên của trường có diện tích 30.000m2 với 3 dãy nhà cao tầng, gồm 45 phòng học, phòng đa năng, phòng thư viện, phòng thí nghiệm thực hành… Số HS của trường từ năm học 1997-1998 cho đến năm học 2014-2015 tăng dần từ 30 lớp lên 44 lớp với 1.768 HS. Đội ngũ CB, GV, CNV công tác tại trường trong 50 năm qua là 309 người, đến năm học 2014-2015 có 115 CB, GV, CNV được biên chế thành 10 tổ.
Năm học 2004-2005, trường vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước trao tặng. Năm học 2008-2009, trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2000-2010. Năm học 2010-2011, trường đạt danh hiệu Đơn vị dẫn đầu về chất lượng giáo dục khối THPT toàn tỉnh. Năm học 2011-2012, trường được công nhận đạt chuẩn về kiểm định chất lượng giáo dục. Năm học 2013-2014, trường vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước trao tặng; trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2014-2019. Tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm tăng dần, bình quân 99%.
Đảng bộ nhà trường có 77 đảng viên luôn phát huy vai trò gương mẫu tiên phong, được công nhận là Chi bộ “Trong sạch, vững mạnh”…
|
Bình luận (0)