Chuyển HS trường dân lập vào trường công lập, sửa điểm học bạ, hiệu trưởng không dạy nhưng vẫn được nhận phụ cấp đứng lớp, đó là những sai phạm đang diễn ra tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Thái Bình). Những ngày vừa qua, chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo nhà trường về vấn đề này.
Chuyển trường sai quy định
Trong đơn thư phản ánh gửi đến chúng tôi, phụ huynh của một học sinh (HS) Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết vào năm học 2009-2010, ông Nguyễn Bá Nam – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, một trường công lập ở tỉnh Thái Bình, đồng ý tiếp nhận hai HS trường ngoài công lập chuyển đến. Đó là T.V.A và P.M.T. Cả hai HS này đều được chuyển vào lớp 11B2 khi đang học kỳ 2 năm học 2009-2010. Trước khi chuyển về Trường THPT Lê Quý Đôn, T.V.A đã học một trường tư thục ở Thái Bình và P.M.T học một trường tư thục ở Hà Nội. Cả hai HS này đều có hộ khẩu thường trú ở TP.Thái Bình. Theo tài liệu chúng tôi thu thập được thì cả hai HS này chuyển đến từ học kỳ 2 lớp 11 năm học 2009-2010 nhưng Ban giám hiệu Trường THPT Lê Quý Đôn đã thay lại học bạ để hợp thức hóa xác nhận hai HS này nhập học tại trường từ năm lớp 10.
Trong khi đó, quy định của Bộ GD-ĐT về trường hợp chỉ được xem xét giải quyết chuyển trường từ trường THPT ngoài công lập sang trường THPT công lập đó là: Một, HS đang học tại trường THPT ngoài công lập phải chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập thì giám đốc sở GD-ĐT nơi đến xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển qua học trường THPT công lập. Hai là: HS đang học tại trường THPT ngoài công lập thuộc loại trường có thi tuyển đầu vào phải chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ, mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập có chất lượng tương đương thì giám đốc sở GD-ĐT nơi đến xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển vào học trường THPT công lập.
Một việc nữa khiến phụ huynh ở Trường THPT Lê Quý Đôn rất bức xúc đó là trường hợp của HS T.T.A, lớp 11I nghỉ học 75 buổi/năm nhưng Trường THPT Lê Quý Đôn vẫn cho phép thi. Tuy nhiên sau đó nhà trường lại thay đổi học bạ để tạo điều kiện cho HS này chuyển về Trường THPT Chu Văn An (Kiến Xương, Thái Bình). Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, HS nghỉ quá 45 buổi học trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại) thì không được lên lớp.
Trước những bức xúc của phụ huynh, chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Bá Nam. Theo ông Nam, T.V.A là con của một người lao động tự do nhưng hoàn cảnh gia đình rất thương tâm, anh trai của V.A học ở Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Vũ Thư) chẳng may bị chết đuối. Chính vì thế khi T.V.A ở trường khác hệ xin chuyển đến, thấy gia đình trình bày hoàn cảnh thương tâm nên nhà trường chấp nhận. Còn P.M.T là con một cựu HS của trường. Đối với công việc hoạt động ở trường thì cựu HS này rất nhiệt tình. Chính vì thế khi phụ huynh này nêu vấn đề thì nhà trường đã xem xét và đồng ý tiếp nhận. Còn sở dĩ nhà trường đồng ý cho T.T.A chuyển trường là do T.A là cháu của một giáo viên trong trường, nguyên là Chi ủy viên – Bí thư Đoàn trường. T.T.A học hành không chăm chỉ nên khi nhận được lời đề nghị xin chuyển trường thì Hiệu trưởng đã đồng ý. Trong quá trình kiểm soát có thể do Hiệu trưởng sơ suất nên không phát hiện ra HS này đã nghỉ học… quá quy định. Ông Nam cũng thừa nhận những việc làm trên biết sai nhưng… vẫn làm.
Không đứng lớp vẫn hưởng trợ cấp
Theo phản ánh thì ông Nam không là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng vẫn hưởng trợ cấp đứng lớp hàng tháng. Giải thích về vấn đề này, ông Nam cho biết là Hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ nhà trường hạng I nên theo quy định được giảm 4 tiết/tuần. Trong khi đó đối với bộ môn văn ở chương trình phân ban thì chỉ có 3 tiết/tuần (ông Nam tốt nghiệp chuyên ngành văn học – PV). Ngoài ra đối với chương trình phân ban thì có tiết giáo dục ngoài giờ lên lớp với số lượng 4 tiết/tháng. Là Hiệu trưởng nên ông phải làm việc này, và coi như đó là giáo dục ngoài giờ lên lớp, tức là giảng dạy. “Không phải cứ đứng ở trên bục giảng mới gọi là giảng dạy”, ông Nam giải thích thêm. Tuy nhiên, khi đối chiếu vào các văn bản, thông tư của Bộ GD-ĐT thì lời giải thích của ông Nam là không hợp lý. Bởi theo Quyết định số 224/2005/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6-10-2005 về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thì mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường THCS, THPT, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã; trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Ngoài ra tại điểm c khoản 1 Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD-ĐT-BNV-BTC hướngdẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg cũng nói rõ: Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền mới được hưởng phụ cấp đứng lớp. Trong Thông tư 49/TT-GD quy định chế độ công tác của giáo viên trường phổ thông và sau này được thay thế bằng Thông tư số 28 /2009/TT-BGDĐT (ban hành ngày 21-10-2009) đều nhấn mạnh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của HS nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Cụ thể hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần. Việc Hiệu trưởng Nguyễn Bá Nam cho rằng mình kiêm Bí thư Chi bộ nhà trường hạng I nên theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT thì được giảm 4 tiết/tuần là toàn toàn không đúng so với quy định.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)