Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM): Trong sự nghiệp đổi mới giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa (phải) trao Huân chương Lao động hạng nhì do Chủ tịch nước ký tặng Trường THPT Lê Quý Đôn cho cô Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng nhà trường
Từ xưa đến nay, lịch sử đã chứng minh “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Khi đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế thì nhu cầu cải cách toàn diện về giáo dục là điều tất yếu, nhằm tạo ra một thế hệ tài đức, phát triển nhân cách và trí tuệ toàn diện, sẵn sàng cống hiến cho đất nước. 
Từ năm học 2006-2007, Trường THPT Lê Quý Đôn đã được TP tin tưởng chỉ đạo áp dụng mô hình giáo dục tiên tiến (GDTT), đáp ứng trực tiếp cho yêu cầu dạy học cá thể, đào tạo con người phát triển toàn diện, đổi mới trên tinh thần hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc. Đến nay, sau 10 năm kiên trì thực hiện, Trường THPT Lê Quý Đôn đã đáp ứng được những mục tiêu đề ra, chất lượng đầu ra mỗi năm một tăng cao, đạt được nhiều thành tích đáng kể trong mọi hoạt động GD và tạo được uy tín trong xã hội lẫn khu vực và quốc tế.

Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Thành ủy TP.HCM và ông Hứa Ngọc Thuận, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP chúc mừng Trường THPT Lê Quý Đôn nhân dịp kỷ niệm 140 năm thành lập

Trường THPT Lê Quý Đôn được Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá là đơn vị số 1 của TP vì đã thực hiện tốt 3 nguyên tắc cơ bản của GD hiện đại, xây dựng nhà trường tiên tiến trong xu thế hội nhập hiện nay: Dạy học cá thể – học đi đôi với hành; “có vận động mới có phát triển; Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Năm học 2014-2015, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nhận cờ thi đua của UBND TP. Kỷ niệm 140 năm thành lập trường (1875-2015), Trường THPT Lê Quý Đôn vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm học 2015-2016, trường được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì.
1. Từ ngôi trường giảng dạy theo kiểu truyền thống, sĩ số lớp học cao, xem giáo viên (GV) là trung tâm, truyền thụ kiến thức một chiều, Trường THPT Lê Quý Đôn đã mạnh dạn đổi mới toàn diện: Đầu tiên là sĩ số/lớp thấp (30 HS/lớp), thời lượng học tập và hoạt động của HS cả ngày trong trường (2 buổi/ngày); GV có thể quan tâm thấu hiểu HS hơn, HS có điều kiện học tập, phát triển toàn diện với nhiều kỹ năng thiết thực, phát huy năng khiếu, định hướng nghề nghiệp… Đây thực sự là một quá trình cải cách khó khăn vì CSVC của trường có hạn, chỉ tiêu tuyển sinh cũng đã được phân bổ, nhà trường phải lập đề án cải cách để được các cấp quản lý phê duyệt. Khi thực thi phải tiến hành hình thức cuốn chiếu 3 năm mới hoàn tất. Đến nay, sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ, mọi công tác đổi mới về thiết chế nhà trường đã ổn định và hoàn thiện. 
Tiếp đó là đào tạo lại GV cho phù hợp với mô hình GDTT, nhà trường đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, kể cả dự giờ ở trường kết nghĩa International High School và nhiều trường uy tín ở Singapore, Anh, New Zealand, Mỹ, Nhật… về phương pháp dạy và chăm sóc HS trong lớp. Toàn thể GV của trường từ lớn tuổi đến trẻ tuổi đều không ngại khó khăn, tích cực học tập để nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như sử dụng thành thạo máy tính, truy cập internet, nhanh chóng đáp ứng được với yêu cầu đổi mới “dạy học cho cá thể”. Mỗi năm, nhà trường đều tổ chức tập huấn phương pháp giảng dạy mới, hướng dẫn GV sử dụng những tiện ích mới về trang thiết bị, phần mềm ứng dụng phục vụ cho giảng dạy.
Từ hai vấn đề nêu trên, Trường THPT Lê Quý Đôn có đủ và đầy để tiến tới áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến: Tổ chức cho HS học tập một cách nhẹ nhàng, hiểu sâu và nhớ lâu bằng những hình ảnh sinh động; những buổi dã ngoại thiết thực, những phong trào thi đua… Ngoài việc bảo đảm cho HS trải nghiệm, nghiên cứu, thẩm định và phản biện để cảm thụ vấn đề, nhà trường còn luôn kết hợp nâng cao nhận thức, rèn luyện và phát triển mọi kỹ năng cho HS, nhằm phát triển con người toàn diện. 
2. Điểm nổi bật trong mô hình GDTT tại Trường THPT Lê Quý Đôn chính là việc thường xuyên tổ chức các tiết học tích cực. GV tổ chức lớp học theo nhóm để phân công công việc, định hướng cho HS cách tìm tài liệu, tìm hiểu bài và thảo luận nhóm, trình bày vấn đề bằng những hình thức sáng tạo, hấp dẫn như diễn tiểu phẩm minh họa, thiết kế tiết học thành một buổi giao lưu đối đáp, họp báo, phiên tòa, trình diễn thời trang phụ nữ Sài Gòn xưa… Sau tiết học, GV có thể “thu hoạch” được những tập san công phu, những sơ đồ tư duy trình bày sáng tạo hay các clip được dàn dựng chuyên nghiệp, những mô hình thực tế đầy tính thuyết phục… Như vậy, tiết học tích cực của trường từ 10 năm nay gần như đã đáp ứng những yêu cầu của đổi mới GD hiện nay, đó là giúp HS hứng thú với môn học, hiểu bài ngay, nhớ bài lâu và có thể áp dụng được thực tế vào bài học. GV chấm điểm HS không chỉ trên mức độ thông hiểu kiến thức mà còn dựa trên nhận thức, ý thức học tập. Những hiệu quả từ phương pháp “Bàn tay nặn bột”, dạy học theo dự án, dạy học theo chuyên đề, dạy học liên môn – tích hợp… đều được phát huy rất tốt thông qua các tiết học tích cực này. HS Trường THPT Lê Quý Đôn sau 3 năm học đều trở thành những cá nhân tự tin, chủ động, tích cực, dễ dàng thích nghi với môi trường học tập tại các trường ĐH trong và ngoài nước. Ngoài ra, tiết học tích cực còn có sự tham dự của Ban Giám hiệu, các GV trong trường, đại diện HS các lớp trong khối và đại diện phụ huynh. Điều này chính là động lực để mỗi tiết học tích cực được thực hiện chất lượng hơn, sáng tạo hơn, thực sự trở thành một “sân chơi trí tuệ” chứ không hề mang tính hình thức thi đua theo phong trào.
Tiên tiến hóa phương pháp dạy học còn đòi hỏi GV phải biết tích hợp nội dung giữa các môn học và giữa các năm học, hướng dẫn cho HS cách hệ thống kiến thức một cách linh hoạt, khoa học. Đồng thời, do tổ chức học 2 buổi/ngày nên GV có thể cảm nhận tốt năng lực của từng HS để hướng dẫn giao việc hợp lý, kích thích lòng say mê học tập của từng em. Từ tiêu chí mới này, các GV đã cùng nhau tổ chức các tiết học tích hợp, chú trọng đến việc giúp HS có cái nhìn bao quát hơn về nhiều mặt của vấn đề, đặc biệt là có khả năng tư duy linh hoạt và vận dụng được trong cuộc sống thực tế.
Để có điều kiện cải tạo CSVC, trang bị các thiết bị dạy học hiện đại, nhà trường đã thực hiện theo chủ trương “đẩy mạnh xã hội hóa công tác GD”, thiết lập cơ chế tự chủ về tài chính, để phụ huynh đóng góp cùng với Nhà nước thực hiện cải cách. Hiện nay, trường có 47 phòng học hiện đại theo chuẩn quốc tế; 2 phòng Multimedia; các phòng thí nghiệm được trang bị nhiều phương tiện mới; thư viện truyền thống và thư viện điện tử với sức chứa 100 HS luôn được bổ sung nhiều sách mới, mở cửa vào cả buổi trưa. Phòng tâm lý với phần mềm trắc nghiệm hướng nghiệp, nhà thi đấu, các phòng chức năng, giảng đường rộng rãi phục vụ cho các tiết mục văn nghệ, sân khấu hóa…
Các thế hệ HS nhà trường luôn ghi nhớ và biết ơn các thế hệ thầy cô giáo

3. Tất cả những đổi mới trên đều hướng tới việc tạo ra một môi trường sư phạm tiên tiến, chuyên nghiệp, đáp ứng những phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với mục tiêu đề ra của Nghị quyết 29 Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XI.

Từ những nền tảng đổi mới cơ bản này, sau 10 năm, HS Trường THPT Lê Quý Đôn đã có những tiến bộ rõ rệt trong học lực lẫn hạnh kiểm, đặc biệt là sự tự tin, năng động, sáng tạo được các em phát huy tối đa, gây dựng được niềm tin nơi phụ huynh và xã hội. Các thế hệ HS tốt nghiệp từ mô hình này đã đạt được những thành công nhất định, vừa khẳng định chất lượng GD, vừa củng cố uy tín cho nhà trường.
ThS. Đỗ Thị Bích Duyên (Hiệu trưởng nhà trường)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)