Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường THPT lúng túng xây dựng tổ hợp môn lựa chọn khi lịch sử trở thành môn bắt buộc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khi lịch sử từ môn học lựa chọn chuyển sang bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, các trường THPT đang gặp lúng túng trong thiết kế tổ hợp môn lựa chọn.


Trường THPT Bùi Thị Xuân tư vấn cho học sinh, phụ huynh lớp 10 chọn tổ hợp môn lựa chọn

Mỗi trường xây dựng một kiểu

Ngay sau khi có danh sách học sinh trúng tuyển lớp 10 năm học 2022-2023, các trường THTP tại TP.HCM đã tiến hành họp phụ huynh học sinh để thông tin giới thiệu về trường và tư vấn chọn tổ hợp lớp 10 theo chương trình GDPT 2018.

Theo tìm hiểu, hiện nay khi lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT thay vì là môn lựa chọn như trước đây, các trường THPT xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn theo cách thức riêng của từng trường.

Năm học 2022-2023, Trường THPT Thủ Đức (TP.Thủ Đức) có 845 học sinh lớp 10 với 18 lớp. Thực hiện Chương trình GDPT 2018, trường tổ chức 13 lớp định hướng môn KHTN và 5 lớp định hướng môn KHXH.

Khi lịch sử trở thành môn bắt buộc, nhà trường thiết kế lại tổ hợp môn lựa chọn. Trong đó, các tổ hợp môn lựa chọn trong định hướng nhóm môn KHXH không xuất hiện bộ môn lịch sử.

Trong khi đó, Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức), cô Nguyễn Thị Thanh Trúc – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, khi lịch sử trở thành môn bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 ở bậc lớp 10 thì về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến việc thiết kế, xây dựng tổ hợp và cơ cấu giáo viên của trường.

Trường có 11 lớp 10 với cơ cấu 7 lớp KHTN và 4 lớp. Theo tinh thần cũ với 7 môn bắt buộc, trường xây dựng 8 tổ hợp lựa chọn tương ứng với 11 lớp 10 để phụ huynh học sinh lựa chọn. Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT điều chỉnh môn lịch sử trở thành môn bắt buộc, trường đã định hướng lại với hội đồng trường, thiết kế lại tổ hợp môn KHTN.

“Trước đây, tổ hợp môn KHTN có một lớp có môn lịch sử trong nhóm môn lựa chọn. Hiện nay, khi lịch sử đã trở thành môn bắt buộc thì nhà trường bỏ môn lịch sử ra để các em chỉ phải học môn lịch sử bắt buộc. Còn lại, các tổ hợp môn theo định hướng KHXH nhà trường vẫn giữ nguyên môn lịch sử để học sinh có mong muốn theo học theo đinh hướng chuyên sâu…”, cô Trúc cho hay.

Tương tự, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) hiện vẫn đang giữ nguyên các nhóm môn học lựa chọn với các tổ hợp môn tương ứng trong chương trình lớp 10 ở năm học tới, bao gồm cả các tổ hợp môn lựa chọn thuộc nhóm KHTN khi vẫn có sự xuất hiện của môn lịch sử trong tổ hợp môn lựa chọn.

Cụ thể, năm học 2022-2023, với 708 học sinh lớp 10 tương đương với 15 lớp, ngoài các môn học bắt buộc, trường thiết kế 6 nhóm môn lựa chọn, gồm: nhóm khối A (toán, lý, hóa); nhóm khối A1; nhóm khối A2; nhóm khối B; nhóm khối D; nhóm khối C. Tương ứng với mỗi nhóm, nhà trường xây dựng thêm 3-4 tổ hợp môn để phụ huynh, học sinh lựa chọn. Riêng nhóm khối C do chỉ có 1 lớp nên khi lựa chọn học sinh sẽ được theo học tổ hợp môn lý, tin, âm nhạc.

Cô Vũ Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng nhà trường nhận định, việc Chương trình mới bổ sung thêm môn lịch sử thành môn bắt buộc thì cũng không ảnh hưởng, không gây xáo trộn đến các tổ hợp môn đã được nhà nhà trường xây dựng trước đó. Đồng thời trường cũng không thiếu giáo viên lịch sử vì trường hiện có 6 giáo viên môn học này nên dễ dàng sắp xếp giáo viên dạy ở cả nhóm môn bắt buộc và lựa chọn…

Phụ huynh, học sinh cần nghiên cứu kỹ trước khi chọn tổ hợp

Đối với việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh môn lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, hiện nay Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT về việc xây dựng tổ hợp môn lựa chọn trong 3 nhóm môn lựa chọn theo điều chỉnh mới. Khi đó Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể, chi tiết với các trường THPT trong xây dựng tổ hợp…

Thông tin với báo chí về việc thiết kế tổ hợp môn học lựa chọn theo điều chỉnh môn lịch sử, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành chia sẻ, đối với các môn lựa chọn, các trường xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn (thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu) để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Với phương án điều chỉnh đang dự thảo như trên, chương trình cấp trung học phổ thông đối với mỗi học sinh được giảm 18 tiết/năm học so với thiết kế ban đầu (tương ứng với số tiết giảm của chương trình môn lịch sử).


Các trường đang lúng túng trong thiết kế tổ hợp môn lựa chọn khi lịch sử được điều chỉnh trở thành môn bắt buộc

“Các trường cần căn cứ vào đội ngũ giáo viên của trường mình để điều chỉnh giảm 1 môn học trong các tổ hợp 5 môn học lựa chọn đã chuẩn bị, xây dựng trong thời gian qua. Thực tế chỉ cần điều chỉnh giảm 1 môn đối với tổ hợp không có môn lịch sử”, ông Thành nhấn mạnh.

Cô Vũ Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho rằng, ngay cả khi lịch sử là môn học lựa chọn hay bắt buộc thì quan trọng nhất vẫn là phụ huynh, học sinh khối 10 cần phải xác định rõ nhất năng lực và định hướng nghề nghiệp sau này để chọn lựa tổ hợp môn lựa chọn.

“Trong cùng một tổ hợp học sinh khối 10 của trường được đăng ký 2 nguyện vọng NV1, 2. Căn cứ trên nguyện vọng đăng ký, nhà trường sẽ tổ chức lớp học phù hợp. Vì vậy, phụ huynh, học sinh cần phải tìm hiểu thật kỹ về ngành nghề bản thân học sinh mong muốn theo đuổi, hình dung tương lai sẽ làm gì để lựa chọn tổ hợp môn phù hợp nhất”, cô Dung lưu ý.

Hiệu trưởng này tư vấn thêm rằng, việc đổi tổ hợp môn sau khi đã lựa chọn là rất khó vì còn phụ thuộc vào sĩ số học sinh/lớp, phụ thuộc vào các môn học trong tổ hợp. Nhà trường cũng sẽ tổ chức các lớp bổ sung kiến thức, bổ trợ cho học sinh một số môn học phù hợp không có trong tổ hợp môn lựa chọn, giúp các em thuận lợi hơn trong việc xác định được năng lực bản thân. Tuy nhiên, việc đổi tổ hợp môn lựa chọn còn phụ thuộc vào quy định của Bộ GD-ĐT. Vì thế, ngay từ đầu năm lớp 10 phụ huynh, học sinh cần phải suy nghĩ thật kỹ để lựa chọn.

Trước băn khoăn của phụ huynh về việc các tổ hợp môn lựa chọn chưa tương ứng với các môn học theo kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, cô Vũ Thị Ngọc Dung cho rằng, phụ huynh học sinh không nên quá hoang mang lo lắng về đầu ra của Chương trình 2018 vì Bộ GD- ĐT sẽ có điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp với chương trình.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)