Hướng nghiệp - Tuyển sinhĐề thi - Đáp án

Trường THPT Mạc Đĩnh Chi lên tiếng về đề văn “lối sống phông bạt” 1 câu, 1 dòng gây tranh cãi

Tạp Chí Giáo Dục

Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM) đã chính thức lên tiếng về đề kiểm tra ngữ văn giữa học kỳ 1 môn ngữ văn về “lối sống phông bạt của giới trẻ” 1 câu, 1 dòng gây chú ý.

Đề kiểm tra ngữ văn giữa học kỳ 1 lớp 10, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi gây nhiều tranh cãi khi đề cập vấn đề “lối sống phông bạt của giới trẻ” và chỉ có 1 câu, 1 dòng: “Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay”. Thời gian làm bài của đề là 45 phút.

Nhiều giáo viên đánh giá, đề chưa phù hợp với mức độ của 1 đề kiểm tra định kỳ đòi hỏi sự chuẩn chỉnh về từ ngữ cũng như bám sát các yêu cầu đánh giá của Bộ GD-ĐT.

Đề kiểm tra ngữ văn gây tranh cãi

Nhà trường lên tiếng

Chiều 30-10, trao đổi với Giáo dục TP.HCM, thầy Trần Thanh Bình- Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM) cho biết, đề kiểm tra giữa học kỳ 1 môn ngữ văn ở khối 10 được nhà trường thực hiện theo đơn vị lớp chứ không tổ chức kiểm tra tập trung. Do vậy, với đề kiểm tra ngữ văn đề cập đến vấn đề “lối sống phông bạt” là được giáo viên bộ môn ra dành riêng cho học sinh lớp 10A25.

“Về nguyên tắc, giáo viên bộ môn ra đề theo sự thống nhất của tổ khối chuyên môn. Với phản ánh của đề kiểm tra môn ngữ văn giữa học kỳ của lớp 10A25, sáng 30-10, ban giám hiệu nhà trường đã làm việc với tổ chuyên môn ngữ văn để làm rõ thêm vấn đề”.

Cô Trần Thị Bích Châu- tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi thông tin, đề kiểm tra ngữ văn giữa học kỳ 1 lớp 10A25 đảm bảo nội dung chương trình môn ngữ văn 10, bài “Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội”. Đây là kiểu bài dùng lí lẽ và dẫn chứng để bàn luận và làm sáng tỏ về một vấn đề xã hội.

Đối với thời lượng 45 phút trong đề kiểm tra, theo cô Bích Châu, sở dĩ đề có thời lượng này vì học sinh trong lớp đã được hướng dẫn nhận biết yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội về một vấn đề xã hội. Các em cũng đã được giáo viên hướng dẫn thực hành vận dụng các thao tác lập luận trong bài viết phù hợp với thời lượng được yêu cầu. Đồng thời được hướng dẫn cách diễn đạt ngắn gọn, trình bày rõ ràng; có lí lẽ và dẫn chứng phù hợp theo yêu cầu của đề bài.

Làm rõ thêm về nội dung kiến thức “lối sống phông bạt” đặt ra trong đề, cô Bích Châu cho biết, trong quá trình dạy trên lớp, giáo viên đã hướng dẫn cho học sinh nêu được ý nghĩa thực tiễn của các vấn đề xã hội mà các em được định hướng lựa chọn, trong đó có vấn đề “lối sống phông bạt”. Trong tiết học viết, giáo viên cho học sinh thực hành các kỹ năng viết, trình bày vấn đề xã hội đã được tìm hiểu. Trong tiết học nói-nghe, giáo viên hướng dẫn học sinh trình bày theo nhóm và góp ý nhận xét giúp học sinh nhận thức đúng vấn đề xã hội, có thái độ, giải pháp phù hợp; thể hiện nhận thức quan niệm, thái độ, lập trường của người viết trước các biểu hiện đúng/sai, tốt/xấu…; biết cách phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu trong cách nhìn nhận vấn đề xã hội; có cái nhìn khách quan, hướng tới những điều tích cực và tốt đẹp trong cuộc sống.

“Ngoài ra, học sinh lớp 10 cũng được học chủ đề “xây dựng quan điểm sống” từ bộ môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp” bộ sách Chân trời sáng tạo” nên các em có thêm kiến thức xã hội để viết bài nghị luận”- cô Trần Thị Bích Châu nói.

Đề kiểm tra định kỳ 45 phút có phù hợp?

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT quy định, đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.

Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình GDPT.

Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình GDPT trước khi thực hiện.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, đề kiểm tra định kỳ trước hết phải đảm bảo theo yêu cầu, quy định của Bộ GD-ĐT về quy định thời gian làm bài, đảm bảo theo ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng yêu cầu cần đạt của môn học. Cạnh đó, với tính chất của một đề kiểm tra định kỳ, đề phải đảm bảo tính chuẩn chỉnh về từ ngữ nêu ra trong đề. Ngay cả khi là đề kiểm tra định kỳ dành cho đơn vị lớp hay là kiểm tra tập trung thì đề vẫn phải đảm bảo các yếu tố này.

Giáo viên ngữ văn một trường THPT tại quận Bình Tân nhìn nhận, việc ra đề kiểm tra ngữ văn “bắt trend” không phải bây giờ mới có, thậm chí trong bối cảnh thực hiện đổi mới môn học theo Chương trình GDPT 2018, yếu tố bắt trend trong đề dường như càng được giáo viên quan tâm hơn, bởi tạo sự mới mẻ, gần gũi và có vẻ “đời” hơn, thực tế hơn với học sinh, giúp học sinh phát huy được năng lực tư duy, phân tích, lập luận, quan sát, nhận định đối với các vấn đề thực tế đời sống xung quanh các em.

Tuy nhiên, việc bắt trend trong đề kiểm tra chỉ thực sự đạt hiệu quả giáo dục khi giáo viên nhận định đúng được vấn đề cần gỡ, cần cho học sinh bàn luận, phân tích, phù hợp với quan điểm, nhìn nhận và hiểu biết của học sinh, đặc biệt phải mang lại giá trị giáo dục cho các em. “Muốn vậy thì yếu tố “bắt trend” khi nêu ra trong đề kiểm tra phải được đặt trong bối cảnh phù hợp”- giáo viên này nói.

Yến Hoa

 

 

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)