Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường THPT Ngô Gia Tự (Q.8, TP.HCM): Chiến lược phát triển là con đường tất yếu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lãnh đạo Sở GD-ĐT và quận 8 cùng BGH (thầy Trương Quang Dũng mặc vest màu đen) cắt băng khánh thành trường
Tiền thân Trường THPT Ngô Gia Tự là Trường Trung học Q.7, sau đó là Trường Nguyễn Huỳnh Đức (năm 1973). Thời điểm đó, trường chỉ có vỏn vẹn 7 phòng học với khoảng 10 lớp…
Sau ngày đất nước thống nhất, trường được đổi tên thành Trường THPT Ngô Gia Tự!
Nỗ lực vươn lên
Với 41 năm tuổi đời, biết bao thế hệ thầy – trò đến và đi là bấy nhiêu thành quả có được nhờ sự phấn đấu không mệt mỏi của một tập thể sư phạm đoàn kết – năng động – sáng tạo trong dạy học. Những trái ngọt thu hoạch ngày hôm nay được đánh đổi bằng nghị lực của toàn thể cán bộ – giáo viên – công nhân viên (CB-GV-CNV) và từng lớp học sinh (HS) thân yêu. Ban Giám hiệu nhà trường luôn lấy phương châm “Tiên học lễ – hậu học văn” làm “kim chỉ nam” trong hoạt động dạy và học, lấy ý nghĩa của câu nói “Vì lợi ích trăm năm trồng người” làm chuẩn mực để giáo dục đạo đức HS, củng cố nền nếp kỷ cương trong mọi hoạt động. Nhiều năm trôi qua, biết bao thế hệ học trò đã được dìu dắt, trưởng thành từ ngôi trường này. Nhiều người thành đạt đã quay về chốn xưa tiếp tục sự nghiệp “trồng người” của các thế hệ đi trước. Những người “tiếp bước cha anh vẽ nên trang sách mới” này là các thầy cô: Lê Hà, Hoàng Kim Thành, Phan Văn Huân, Nguyễn Trung Khánh, Dương Xuân Chức, Nguyễn Văn Đại, Hà Bích Vân, Đỗ Thị Vân, Trần Thị Thanh Vân… và hiện nay là thầy Trương Quang Dũng (Hiệu trưởng nhà trường từ năm 2012 đến nay).
Là một trường công lập nhỏ, chỉ có 22 phòng học trong khuôn viên 3.557m2, nằm trong khu dân cư lao động nghèo thuộc khu vực bến tàu. Cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn, không đủ để phục vụ cho các hoạt động dạy và học. Địa thế của trường nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của triều cường, bị ngập nặng. Nhiều năm trước, khi chưa có đê bao, con đường đến trường của CB-GV-CNV và HS rất khó khăn, gian khổ. Trường được xây dựng trên nền đất yếu nên hiện tượng lún, nứt xảy ra nhiều trong khu vực của trường. Chính vì thế, điểm thi tuyển đầu vào của trường trong nhiều năm ở mức thấp dưới chuẩn trung bình của TP (từ 19 đến 22 điểm/ 3 môn). Dù vậy, tập thể CB-GV-CNV đã có rất nhiều nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi trở ngại với mục tiêu “tất cả vì HS thân yêu”; không phụ lòng thầy cô, HS nhà trường đã có những chuyển biến tích cực trong việc học nên tỷ lệ tốt nghiệp THPT luôn đạt khoảng 90%. Đặc biệt, nếu như năm học 2011-2012 tỷ lệ HS tốt nghiệp chỉ đạt 85,3% thì đến năm học 2013-2014 tỷ lệ này đã đạt 99,22%; số HS đậu ĐH đạt 33 HS/gần 500 HS (có 4 HS đậu 2 trường). “Kết quả giáo dục như trên đã thể hiện sự cố gắng rất lớn từ các thế hệ ban lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo cùng sự nỗ lực vượt khó của các em HS, sự kiên trì nhẫn nại của các bậc phụ huynh – tất cả nhằm giúp cho con em có được cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Thành quả trên cũng có sự quan tâm sâu sắc của Sở GD-ĐT, Quận ủy và UBND Q.8; sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền P.15 cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong và ngoài quận”, thầy Trương Quang Dũng – Hiệu trưởng nhà trường – tri ân.
Tất cả còn ở phía trước

Năm 2011, nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của UBND TP và Sở GD-ĐT; Quận ủy, UBND Q.8 đã thu hồi được mặt bằng để mở rộng xây mới trường trên diện tích hơn 10.000m2 với qui mô 1 trệt 3 lầu (4 khối nhà 62 phòng học và các phòng chức năng, khu hiệu bộ, nhà thi đấu đa năng, sân bóng đá…), tổng kinh phí xây dựng trên 83 tỷ đồng. Tháng 4-2013, trường chính thức khởi công và đến tháng 5-2014 thì hoàn thành.
Thầy Trương Quang Dũng khẳng định: “Từ lợi thế này, Trường THPT Ngô Gia Tự xác định cho mình một chiến lược phát triển, đó là con đường tất yếu để thầy và trò hòa nhập cùng xã hội! Do đó, trường đã hoàn thành chiến lược phát triển (giai đoạn 2013-2018) với những tiêu chí cụ thể”.
Theo đó, Trường THPT Ngô Gia Tự sẽ xây dựng là trường học có môi trường giáo dục tin cậy, ổn định, có chất lượng giảng dạy và học tập được xã hội công nhận. Có môi trường văn hóa thân thiện, trang thiết bị hiện đại, thầy và trò đều phát huy tối đa năng lực, trí tuệ cá nhân trong dạy – học. Việc dạy và học đảm bảo theo 4 tiêu chí “Học để biết – Học để làm – Học để chung sống – Học để tự khẳng định mình”, với phương pháp giáo dục chủ đạo: Lấy HS làm trung tâm, coi trọng cá thể hóa giáo dục và phương pháp làm việc nhóm. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy – học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác, giảm lý thuyết, tăng thực hành, tăng thời gian và khả năng tự học của HS; HS của trường có tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT trên 95%… Bên cạnh đó xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá chuyên môn của GV chặt chẽ, cụ thể; qua đó phát huy tính chủ động, kích thích tinh thần thi đua của toàn thể CB-GV-CNV. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ sư phạm để GV dạy trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, sinh động, dễ hiểu, tác phong thân thiện, coi trọng việc khuyến khích, động viên HS học tập, tổ chức hợp lý cho HS làm việc cá nhân và theo nhóm, tăng khả năng hợp tác, tư duy độc lập. Biên soạn đề cương đúng trọng tâm và tài liệu hỗ trợ giảng dạy nhằm thống nhất cao về trọng tâm mỗi bài, liều lượng và các dạng bài tập. Ứng dụng CNTT, sử dụng phương tiện trực quan, nghe nhìn một cách hợp lý, hiệu quả trong dạy học theo hướng tăng cường thực hành, giảm lý thuyết. Thực hiện đầy đủ thí nghiệm, thực hành, liên hệ thực tế… Rà soát, quy hoạch, bổ sung đội ngũ nhân sự trong 5 năm (2013-2018), tạo điều kiện phát huy, xây dựng lực lượng kế cận. Trẻ hóa và chuẩn hóa đội ngũ GV giỏi chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, có đạo đức nghề nghiệp. Bổ sung GV tiếng Anh giỏi đáp ứng 100% lớp học tiếng Anh tăng cường. Tuyển dụng GV có khả năng dạy toán, lý, hóa, sinh bằng tiếng Anh… Làm tốt công tác thi đua khen thưởng: Thưởng xứng đáng, công bằng, kịp thời có tác dụng động viên đội ngũ, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển của trường.
Bài, ảnh: Huy Cận
Thầy Trương Quang Dũng cho biết: “Được sự tin tưởng của lãnh đạo cấp trên, tôi về làm Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự khi mà thầy và trò nhà trường đang có những “bước chuyển mình” mạnh mẽ. Về, rồi được cảm nhận tôi mới thấy cảm phục biết bao thầy cô đã vượt qua khó khăn, cống hiến cho nghề, dù đây là một ngôi trường ở nội thành nhưng thua xa nhiều trường ở ngoại thành. Thua về cơ sở vật chất, thua về chất lượng đầu vào… Nhưng các thầy cô không bỏ cuộc, luôn là chỗ dựa tinh thần, HS và phụ huynh tin tưởng. Chính sự tin tưởng đó nhà trường sẽ bắt kịp với sự phát triển chung của GD-ĐT TP.HCM”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)