Nói đến trường THPT Trần Phú là nói đến nơi ươm mầm, chấp cánh cho bao thế hệ học trò được phụ huynh học sinh gởi trọn niềm tin; nói đến ngôi trường vùng ven thành phố vươn lên như một câu chuyện cổ tích, với những thầy cô bám lớp, bám trường từ trong gian khó, dành cả đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người… Để sau 30 năm, vườn cây Trần Phú đã dâng cho đời bao hoa thơm, trái ngọt – kết quả đó thật đáng để chúng ta tự hào, thán phục…
1. Về trường THPT Trần Phú trong những ngày toàn trường đang háo hức chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 30 năm thành lập. Không khí thật vui tươi, rộn ràng thầy và trò nhà trường như có thêm động lực để phấn đấu vươn lên tầm cao mới. Sau cái bắt tay, thầy Nguyễn Hào Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường hồ hởi: “Đã qua rồi những ngày gian khó nhất, hôm nay trường đã có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ thầy cô giáo không những tâm huyết mà còn có kiến thức chuyên môn cao, học sinh chăm ngoan, học giỏi. Đó là niềm vui lớn nhất của chúng tôi qua bao năm xây dựng”.
Nhìn lại thời gian cách đây 30 năm, phân hiệu THPT Tân Phú ra đời với cơ sở là 7 phòng học mượn tạm, được tiếp nhận từ Trường Thanh niên Phụng sự xã hội, đến năm 1982, trường chính thức có quyết định thành lập với tên gọi Trường THPT Trần Phú. Những năm học đầu, để có phòng học, trường đã phải cải tạo từ đủ mọi loại nhà có công năng khác nhau như nhà ở, nhà kho… với đủ mọi loại kích thước, vật liệu. Phương tiện để dạy học chỉ là phấn trắng bảng đen. Mặt khác, do trường nằm ở vị trí heo hút nên các con đường dẫn đến trường đều là đường đất đỏ, nắng bụi, mưa sình. Trước cổng trường là hai con đường song song với kênh nước đen tù đọng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Số giáo viên lúc đầu chỉ vỏn vẹn 25 người, hầu hết từ nơi khác đến nhận nhiệm sở. Chất lượng học sinh đầu vào rất thấp, có nhiều học sinh cá biệt hay bỏ học giữa chừng. Học sinh phần lớn là con em gia đình lao động nghèo, vừa đi học lại phải tham gia làm ruộng. Luôn phải lo cơm áo thường nhật nên việc học cũng lắm bấp bênh. Trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng bằng lòng yêu nghề, tập thể giáo viên nhà trường đã đồng lòng cố gắng, để xây dựng mọi mặt, từng bước đưa trường vào nề nếp, nâng cao chất lương giáo dục trong điều kiện cho phép. Trong khó khăn, cũng không ít thầy cô bỏ nghề hay chuyển đi trường khác, những giáo viên quyết tâm ở lại, chấp nhận đương đầu với mọi khó khăn để bám bục giảng đều là những giáo viên, cán bộ yêu nghề, có phẩm chất đạo đức cao đẹp. Trong những thầy cô gắn bó với trường, nhiều thầy cô đã không còn xa lạ với nhiều người dân trên địa bàn quận như: cô Quế Nga (nguyên hiệu trưởng), thầy Hiệp (Hiệu trưởng) thầy Ó (nguyên hiệu phó) thầy Hùng, cô Tâm, cô Duyên, thầy Trường, thầy Toản, thầy Đại, cô Hiền… Câu chuyện của họ đã trở thành những bài học cho nhiều thế hệ học trò hôm nay về lòng tận tụy, đức hy sinh và nghiệp đưa đò. Cũng từ khó khăn, trường đã xây dựng một đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhiệt huyết, yêu nghề, có phẩm chất đạo đức và chuyên môn sư phạm vững vàng. Chính đội ngũ này là tiền đề, là hạt nhân cho sự phát triển vượt bậc về chất lượng giáo dục như hôm nay.
2. “Hạnh phúc chính là đạt được điều mình mơ ước, được sống và làm việc ở ngôi trường đi lên từ gian khó, làm việc cùng những thầy cô yêu nghiệp, giỏi nghề. Đặc biệt, hơn 20 năm vừa là học sinh, vừa được làm thầy ở ngôi trường này. Đến hôm nay nhìn lại thành quả mà trường đạt được thật hạnh phúc và đáng tự hào”. Cô Trần Thị Kim Chi, giáo viên Văn vui mừng chia sẻ. Đó cũng là tâm sự của rất nhiều thầy cô giáo ở ngôi trường này mà chúng tôi được nghe. Vâng! Có sống và công tác ở những ngôi trường từ những ngày đầu, mới thấy hết vất vả khó khăn mà tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường trải qua. Từ ngôi trường ở vùng ven heo hút, nhà cửa thưa thớt, khi trời chập choạng tối là giáo viên ở nội trú không giám đi ra khỏi phòng. Và với đồng lương chỉ đủ để mua được vài ký gạo cho cả tháng, không ít thầy cô giáo một buổi đứng lớp, một buổi ra đồng làm ruộng chỉ với một mục đích là để tiếp tục được theo nghiệp làm thầy. Cũng vì khó khăn mà không ít thầy cô giáo đã rời trường, bỏ lũ học trò nghèo tìm cho mình một bến đỗ khác. Nhưng vẫn còn đó nhiều thầy cô ở lại, gắn bó và đưa trường phát triển cho đến hôm nay. Trong nhiều câu chuyện mà chúng tôi được nghe và tận mắt chứng kiến, phần lớn nói về sự nỗ lực, lòng yêu nghề và đồng tâm cùng nhau thi đua dạy tốt, học tốt. Không ít thầy cô đã dành những đồng lương ít ỏi của mình giúp đỡ cho những học trò nghèo trước nguy cơ bỏ học. Cũng từ đó bao câu chuyện được viết lên tô điểm thêm cho bề dầy thành tích của nhà trường. Để đến hôm nay “thương hiệu” Trần Phú đã trở thành ước mơ của nhiều học sinh muốn theo học, nơi phụ huynh học sinh gởi trọn niềm tin.
Cũng ở ngôi trường Trần Phú, đã có không ít gia đình đã có tới ba thế hệ cùng học trên mái trường này, cùng những thầy cô đó dạy giỗ. Và bao nhiêu thế hệ học trò đó vẫn nhắc mãi những câu chuyện cảm động về tình thầy trò ở ngôi trường này. Cô Đặng Thị Trần Nga, giáo viên của trường tự hào: “Ngay trong những ngày còn nhỏ, tôi đã được nghe những câu chuyện về trường, về tấm lòng của thầy cô giáo nơi đây. Ngày đó – mẹ tôi, nhiều hôm vào lớp học mà còn hôi mùi của đồng ruộng. Vậy mà mẹ vẫn được những vòng tay các thầy cô nâng nưu, dìu dắt. Sau đó đến thế hệ chúng tôi các thầy cô vẫn dành trọn một tình thương như thế. Dường như trong gian khó, trong môi trường giáo dục, tình thầy trò, lòng thương yêu được hiện lên rõ nét hơn hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở ngôi trường Trần Phú này”.
3. Trường xưa giờ đã thay da đổi thịt, bộ mặt nhà trường đã bước sang trang mới. Sự phát triển, vươn lên của trường như một câu chuyện cổ tích. Nói về điều này cô Nguyễn Thị Hiếu Hạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường vui mừng kể: “Khi bước vào tuổi 30, thì Trường THPT Trần Phú đã được xếp vào hàng ngũ những trường dẫn đầu trong các trường THPT hiện nay; là một trong 10 trường có điểm đầu vào cao nhất TP.HCM, xếp hạng 93 trong số 200 trường THPT có điểm thi đại học cao nhất cả nước. Tỷ lệ tốt nghiệp những năm gần đây luôn đạt đạt 100%, tỷ lệ khá giỏi năm 2010-2011 đạt hơn 48%. Các năm gần đây trường luôn đạt tỷ lệ gần 70% học sinh thi đậu vào các trường đại học”. Nhờ những thành tích đó mà trường nhận được nhiều bằng khen, giấy khen… của Nhà nước trao tặng. Có thể những số liệu khô khan, những bằng khen, giấy khen chưa nói hết được thành quả của nhà trường đạt được, nhưng cũng phần nào là sự ghi nhận của các cấp lãnh đạo cho sự phấn đấu của thầy và trò nhà trường trong suốt những năm qua.
30 năm đã qua, nhìn lại một thời gian khổ nhưng cũng lắm vinh quang, hôm nay thầy, trò nhà trường có thể tự hào với những gì đã làm được, không chỉ để bằng lòng mà để thêm yêu, thêm gắn bó với ngôi trường này. Để mỗi thành viên của trường sẽ vững bút mà viết tiếp cho đời những trang nhật ký đầy ý nghĩa trong sự nghiệp trồng người. “Với những thành quả đạt được của chặng đường 30 năm. Nhà trường sẽ phát huy hơn nữa những thành quả để đưa trường phát triển trong giai đoạn mới. Tiếp tục nâng cao hơn nữa về chất lượng giáo dục, các phong trào văn thể mỹ. Tạo điều kiện cho các em học sinh tính tự học. Xây dựng môi trường sư phạm tiên tiến, chất lượng giáo dục và hiệu suất đào tạo cao. Đào tạo học sinh có kiến thức về văn hóa, sức khỏe, đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống, có đầy đủ điều kiện định hướng nghề nghiệp tương lai. Để đưa trường hội nhập khu vực”, thầy Nguyễn Hào Hiệp tin tưởng.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Từ một ngôi trường khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt nhưng với lòng quyết tâm, yêu nghề, tinh thần học hỏi, cầu tiến, các thầy cô giáo và học sinh trường THPT Trần Phú đã vượt qua những khó khăn để thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường. Hôm nay nhà trường thật khang trang, sạch đẹp, đầy đủ trang thiết bị dạy học đáp ứng điều kiện của một trường tiên tiến, hiện đại. Chất lượng dạy học, công tác giáo dục toàn diện của nhà trường nhiều năm qua đã không ngừng được nâng cao. 30 năm đánh dấu cho sự trưởng thành và phát triển đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với tập thể trường THPT Trần Phú. Tôi tin chắc rằng phát huy những thành tích đã đạt được, thầy và trò sẽ tiếp tục phấn đấu và đạt thành tích cao hơn nữa, giữ vững niềm tự hào mà nhà trường đã đạt được trong thời gian qua. Tôi cũng mong rằng với nhận thức giáo dục là quốc sách hàng đầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các bậc cha mẹ học sinh sẽ giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà trường thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình là chăm lo giáo dục thế hệ trẻ. Nhân dịp 30 năm ngày thành lập xin chúc cán bộ, thầy cô giáo, công nhân viên nhà trường nhiều sức khỏe để tiếp tục xây dựng trường trong gia đoạn mới. |
PV
Bình luận (0)