Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường THPTDL Ngô Trí Hoà (Nghệ An): Nam, nữ học lớp riêng – mô hình gây tranh cãi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Có một hiệu trưởng đã đưa trường học trở lại mô hình giáo dục của những thế kỷ trước, nam học lớp riêng, nữ học lớp riêng. Không biết, hiệu quả giáo dục sẽ như thế nào, nhưng hầu hết giáo viên, phụ huynh và học sinh đều phản đối.

Đó là Trường THPT dân lập Ngô Trí Hoà (thị trấn Diễn Châu).
Hiệu trưởng bảo: Tốt

Các nữ sinh trong lớp học riêng đều cho rằng: Không muốn có lớp học tách biệt giữa nam và nữ.

Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Ngô Trí Hoà là nhà giáo Đậu Xuân Mai, năm nay 81 tuổi. Trước, thầy dạy ở huyện Thanh Chương. Năm 1998, sau khi nghỉ hưu, ông đứng tên xin mở trường dân lập này. Điểm qua “lịch sử” của nhà trường, thầy Mai cho biết: Khi thành lập, trường rất ít học sinh (HS), chỉ có 4 lớp với 240 HS. Hơn 10 năm xây dựng, nhà trường đã thu hút gần 1.500 HS.
Thầy Mai chia sẻ: HS học được thì đã vào công lập hết rồi, HS vào trường chúng tôi tất nhiên là học lực kém hơn, đồng hành với đó là hạnh kiểm cũng có vấn đề. Giữa HS nam và nữ đã từng có chuyện “léng phéng” xảy ra. Từ “thực tế” đó, thầy Mai có “sáng kiến”, phân HS học riêng theo lớp nam và lớp nữ, để như thầy nói là “đảm bảo an ninh trật tự”.
Theo Hiệu trưởng Đậu Xuân Mai, để có mô hình mới này, thầy đã nghiên cứu nhiều tư liệu, nghiên cứu cả mô hình trước đây như trường nữ sinh Đồng Khánh, Trưng Vương, hay như ở Canada… Năm 2005, thầy Mai quyết định cho thí điểm lập lớp nữ 50 em mang phiên hiệu 11N4 do cô giáo Đặng Thị Hoà làm chủ nhiệm. Năm tiếp theo, thầy cho tiếp tục thí điểm ở tất cả các khối học trong trường. Và bây giờ thì đã làm… đại trà.
Theo thầy Mai, mô hình này kết quả rất tốt, chất lượng học tập ngày một nâng cao, đặc biệt là thuận lợi cho việc giáo dục giới tính… Và thầy Mai cũng cho rằng, chỉ trong giờ học mới tách biệt, còn giờ chơi, các em lại hoà đồng. Do vậy mà không thể nói, mô hình lớp học này làm mất tính cân bằng và tính tự nhiên. Tuy nhiên, khi hỏi về phản ứng của phụ huynh, giáo viên, thầy Mai cũng cho biết: “Mô hình cũng gây nhiều tranh cãi”.
Giáo viên, phụ huynh, học sinh nói: Không

Có mặt tại Trường THPT dân lập Ngô Trí Hoà vào những ngày cuối năm học, nhưng HS lại rất quan tâm đến câu chuyện “lớp học” phân biệt giới tính. Theo chân từng nhóm HS “nam – nữ thụ thụ bất thân”, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: “Chúng em muốn học chung cơ”. Và một cuộc khảo sát chóng vánh của chúng tôi đã có kết quả tức thì với gần 60 HS: “Nam – nữ học chung thì thú vị và có động lực hơn”.
Đặc biệt, em Nguyễn Thị H, Cao Thị L – học sinh lớp 11 – đã rất thẳng thắn: “Em thấy phân biệt lớp nam riêng, nữ riêng như thế này chẳng khác gì ở trường dòng cả. Chúng em muốn có bạn nam lẫn bạn nữ trong một lớp. Giá như, lớp học có nữ thì các bạn nam chắc chắn sẽ ít quậy hơn.
Và, một số công việc trong lớp, nếu có cả nam lẫn nữ thì các bạn khác giới có điều kiện để thể hiện sự quan tâm lẫn nhau hơn. Chúng em, nam hay nữ cũng sẽ có nhiều kỹ năng để ứng xử với người khác giới. Chỉ cần ngày 8.3 thôi, cả lớp chả có ai tặng hoa cho ai cả, vì đứa nào cũng là… nữ. Chúng em không muốn giống như nữ tu sĩ”.
Một nữ giáo viên chủ nhiệm lớp nam (xin được giấu tên) cho biết: Các em rất quậy và có biểu hiện không bình thường. Chỉ cần đến giờ ra chơi, lớp em ra muộn một tí là HS nam đứng hết bên cửa sổ xuýt xoa: “Trời ơi, lớp nữ xinh chưa…”. Hay trong các buổi thi chung, phòng nào có các bạn nữ thi cùng thì y như ngày đó các bạn nam gặp may vậy”.
Còn thầy giáo Thái Văn Thi – Ban quản sinh nhà trường – lại phản ánh: “Lớp nữ còn đỡ, lớp nam quá ngỗ nghịch, hết đánh nhau rồi quậy phá, có trường hợp ngang nhiên “tè” trong lớp học”. Thay mặt phụ huynh học sinh, ông Cao Đức – Phó Chủ tịch hội Cha mẹ HS – phát biểu: “Phần lớn phụ huynh đều không đồng tình, nhưng đây là quyết định của Ban giám hiệu nhà trường, nên chúng tôi đành chịu”.

PGS – TS tâm lý Nguyễn Bá Minh (Đại học Vinh):  “Có lẽ có nhiều quan niệm khác nhau về việc bố trí mô hình lớp học nam riêng, nữ riêng. Nhưng, giáo dục học sinh cần phải bố trí môi trường hài hoà với cuộc sống.
Theo tôi, nên để lớp học có nam, có nữ mới giúp các em hình thành tình cảm, phẩm chất tốt đẹp hơn là tách riêng, nó không đảm bảo môi trường tự nhiên. Chúng ta cần giáo dục cho các em kỹ năng sống trong một xã hội hài hoà, kỹ năng ứng xử, giao tiếp văn hoá với những người bạn khác giới. Với mô hình lớp học nam riêng, nữ riêng, theo tôi, mặt tiêu cực nhiều hơn là tích cực.
Nó không những làm mất cân bằng tính tự nhiên, mà chắc chắn ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của học sinh. Có thể người làm công tác giáo dục nghĩ ra mô hình này là để giải quyết được một số rắc rối trước mắt, nhưng không vì thế mà tách biệt, cấm các em học chung. Về lâu dài, mô hình giáo dục này, theo tôi là không ổn”.
Việt Thắng – Tiến Dũng / Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)