Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường Thực nghiệm Giáo dục Phổ thông tỉnh Tây Ninh: Tạo môi trường thầy thích dạy, trò thích học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trường Thực nghiệm Giáo dục Phổ thông tỉnh Tây Ninh đã thành lập các câu lạc bộ học sinh giỏi và hoạt động rất hiệu quả như: Câu lạc bộ giải toán trên máy tính bỏ túi; câu lạc bộ toán học, câu lạc bộ văn học với mục đích giúp các em có điều kiện học tập và trao đổi lẫn nhau. Các học sinh của lớp trên sẽ đóng vai trò chủ đạo hướng dẫn phương pháp và kinh nghiệm học tập cho các em ở lớp dưới.
Tại Hội nghị thi đua vùng Đông Nam bộ tổ chức mới đây, Thạc sĩ Cao Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông tỉnh Tây Ninh phát biểu: “Nhìn lại 24 năm xây dựng và phát triển, nhà trường rất tự hào về sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy cô giáo và các em học sinh. Nhà trường luôn thực hiện công tác giáo dục theo phương châm: Lấy học sinh làm trung tâm, thầy giáo giữ vai trò quyết định và dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng đem đến cho các em Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.

24 năm qua, đội ngũ thầy cô giáo của nhà trường không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao tay nghề, tích cực đổi mới phương pháp dạy học để mang lại cho học sinh những giờ học sâu sắc và bổ ích. Giáo viên luôn năng động, sáng tạo tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Các hoạt động này ngày càng thu hút sự chú ý của các em học sinh, các bậc phụ huynh, các lực lượng xã hội.
Để kích thích sự ham học hỏi nơi học sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức chương trình “Trí tuệ vàng”, mỗi tuần một “Câu chuyện nhỏ” đã mang đến cho học sinh một sân chơi bổ ích. Em Phước Thọ, lớp 9A2 đã viết: “Chương trình “trí tuệ vàng” lần 2 ở trường em thật vui và bổ ích, ai ai cũng tích cực tham gia. Em thật tự hào khi được học tập trong môi trường giáo dục như thế. Mọi người được tận hưởng cảm giác thử thách trí thông minh của mình, được thư giãn bởi những khúc nhạc tươi vui hồi hộp chờ đợi đáp án. Em rất quý các thầy cô giáo ngày hai buổi đến lớp vẫn dành thời gian tạo ra sân chơi bổ ích cho chúng em”. Còn em Hương Trang thổ lộ: “Chương trình thể hiện sự tri ân đến những người cha, người mẹ thứ hai của mình. Đến với chương trình, dù thắng hay thua bạn cũng đã thắng chính bản thân mình khi có nhiều cảm xúc đặc biệt hòa lẫn vào nhau”.
Hiểu rõ lời của người xưa “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia”, nhà trường luôn coi trọng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Sự thành công trong công tác đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi bắt nguồn từ ý thức và khát vọng mãnh liệt của tập thể thầy và trò. Nhà trường luôn vươn tới vẻ đẹp nhân cách của con người: “Giỏi về tri thức, tài hoa về nghệ thuật, chuẩn mực về đạo đức và năng động trong phong cách”. Việc giáo dục toàn diện đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, kích thích tinh thần thi đua một cách mạnh mẽ của học sinh, hướng các em vươn tới chinh phục những đỉnh cao để khẳng định tài năng của bản thân mình. Vừa qua, 12 học sinh của trường và cũng là 12 học sinh của tỉnh vượt qua 22 vòng thi để được dự thi quốc gia. Kết quả có 11 em đạt giải với hai huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 5 huy chương đồng và huy chương bạc toàn đoàn thuộc về nhà trường.
P.V
Kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi của trường:
Trước tiên phải làm cho các em yêu trường mến lớp, kính trọng thầy cô. Nếu học sinh không yêu thích các bộ môn thì không có học sinh giỏi.
Giáo viên phải tâm huyết với nghề, chịu khó sưu tầm tài liệu chuyển tải đến học sinh.
Việc dạy học nghiêm túc thông qua việc dạy chữ và dạy người, rèn luyện tính kiên trì, cẩn thận, tính độc lập quyết đoán… cho các em.
Tạo môi trường học tập: Thầy thích dạy, trò thích học, học tập lẫn nhau giữa trò và trò, giáo viên với đồng nghiệp. Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong cách chấm điểm, khuyến khích các phương pháp giải toán sáng tạo.
 Bồi dưỡng kiến thức bắt đầu từ rất sớm chứ không phải đến lớp 9 mới bắt đầu…
 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)