Năm học 2016-2017 là năm học đầu tiên TP.HCM triển khai mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế ở 23 trường mầm non (MN), tiểu học (TH) và THCS. Theo khảo sát của PV Giáo dục TP.HCM thì chỉ tiêu các trường đưa ra không thể đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh dù học phí những trường này cao hơn các trường công lập.
Năm học 2016-2017, Trường MN Vàng Anh, Q.5 bắt đầu thực hiện theo mô hình tiên tiến |
Thêm 23 trường tiên tiến theo xu thế hội nhập
Năm học mới, TP.HCM có 11 trường MN, 8 trường TH và 4 trường THCS thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Theo đó, Q.1 có Trường TH Nguyễn Thái Học, Q.2 có Trường MN Vành Khuyên và TH An Bình, Q.3 có Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.5 có Trường MN Vàng Anh, còn lại là các trường thuộc quận huyện vùng ven, ngoại thành… Theo kế hoạch trước đó có thêm Trường TH An Phú 1 (huyện Củ Chi) nhưng Sở GD-ĐT đã chấp thuận đề nghị của Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi không triển khai mô hình này ở trường với lý do địa bàn xa, dân cư còn nhiều khó khăn. Như vậy, cùng với 3 Trường THPT là Lê Quý Đôn (Q.3), Nguyễn Hiền (Q.11) và Nguyễn Du (Q.10), năm học mới này TP sẽ có 26 trường triển khai mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế và khu vực.
Tiêu chí trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại TP.HCM mà UBND TP đã ban hành có nhiều điểm cụ thể cho từng bậc học tạo điều kiện để HS phát triển toàn diện. Chẳng hạn như ở MN có những tiêu chí: trường được đánh giá đạt cấp độ 2 về kiểm định chất lượng giáo dục, có các dịch vụ cung ứng như hoạt động làm quen ngoại ngữ, âm nhạc, vẽ, thể dục, bơi, đá bóng, võ thuật, tâm lý… Trong khi đó ở TH, mỗi lớp không quá 30 HS đều được học 2 buổi/ngày, đạt các tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục ở mức độ cao… Bậc THCS, mỗi lớp không quá 30 HS, 100% HS xếp loại học lực từ trung bình trở lên, đến cuối cấp học có trên 90% HS sử dụng được tiếng Anh đạt trình độ A2…
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình nhận xét: “Đây là mô hình hay, thiết thực, ngoài điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên phải đáp ứng theo chuẩn thì với mô hình tiên tiến các trường sẽ dạy theo phương pháp giáo dục hiện đại, tăng cường thực hành, giảm lý thuyết, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho HS…”.
Vẫn mang đậm đặc thù TP
Tại nhiều cuộc họp gần đây, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: Chúng ta xây dựng trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế nhưng nhất thiết phải đảm bảo được đặc thù riêng của TP, phải mang đậm bản sắc dân tộc.
Về vấn đề này, ông Trần Khắc Huy chia sẻ: “Trường học tiên tiến nhưng chúng ta phải xây dựng cách thức như thế nào để hòa nhập chứ không hòa tan; lối sống, đạo đức, văn hóa dân tộc phải đưa vào giảng dạy để thế hệ trẻ giữ gìn được bản sắc riêng của TP, của dân tộc. Nhà trường sẽ tổ chức các phương pháp hoạt động giáo dục, đưa các nội dung này vào bài giảng theo dạng tích hợp, lồng ghép để giúp các em giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc”.
Đối với bậc MN, cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường MN Vàng Anh, Q.5 chia sẻ: “Chương trình học năm nay tất cả các trẻ lớp mầm sẽ được làm quen tiếng Anh (trước đó chỉ những trẻ đăng ký mới được học). Đồng thời các em sẽ học năng khiếu, thể dục 10 môn phối hợp theo chương trình của Úc, mỗi năm nhà trường sẽ tổ chức 4-5 lần cho các em đi dã ngoại để trẻ tự tin hơn…”. Tuy nhiên, cô Hương cũng nhấn mạnh rằng trong các hoạt động của nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức nhiều lễ hội có các trò chơi dân gian hay tại các góc chơi sẽ tiếp tục bố trí nhiều trò chơi dân gian như câu cá, tát nước, nặn đất sét, ném còn… để các em thêm yêu những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc.
Khó có thêm trường tiên tiến
“Tiếp cận với hoạt động mới, phương pháp mới, máy móc hiện đại, giảm sĩ số lớp học… thì tất nhiên học phí sẽ cao hơn so với trường bình thường nhưng phụ huynh vẫn nhiệt tình ủng hộ vì đây là mô hình tốt cho các em học tập”, ông Huy chia sẻ.
Nói về học phí, cô Nguyễn Thị Hương cho biết: “Ngoài mức học phí theo quy định của Nhà nước cho các trường MN công lập, nhà trường sẽ thu thêm nhưng không quá 1,5 triệu đồng/tháng theo quy định của Sở GD-ĐT TP để các em học tiếng Anh, kỹ năng sống, đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ… Như vậy mỗi tháng phụ huynh sẽ đóng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/HS”.
Năm nay chỉ tiêu của Trường MN Vàng Anh, Q.5 cho các lớp mầm để thực hiện mô hình này là 70 trẻ ở phường 2, 5 và 6. Mặc dù học phí cao hơn năm học trước nhưng đến cuối ngày 11-7 nhà trường đã nhận được 93 hồ sơ lớp mầm nhưng đến 15-7 mới kết thúc nhận hồ sơ. Do đó nhà trường sẽ xét ưu tiên theo thứ tự như hộ khẩu ở phường nhưng bố hoặc mẹ là công nhân viên chức của quận, hộ khẩu ở Q.5 nhưng bố hoặc mẹ là công nhân viên chức, có hộ khẩu Q.5… Đối với những phụ huynh không có điều kiện để các em học tập ở trường thì nhà trường và chính quyền địa phương cũng tư vấn kỹ để các em học trường khác trên địa bàn. “Xung quanh phường 2 còn có Trường MN 2A, 5A, Mai Anh nên không thiếu chỗ học cho các em”, cô Hương khẳng định.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân cũng cho biết: “Các trường triển khai mô hình tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế sẽ nhận hồ sơ cho đến hết ngày 30-7. Tất nhiên sẽ có nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con học ở môi trường này nên nếu hộ khẩu ở phường khác thì các trường sẽ xét ưu tiên cho con cán bộ công nhân viên chức Nhà nước”. Được biết, Q.Bình Tân sẽ triển khai tại Trường TH An Lạc 3, MN Hương Sen.
Mặc dù đây là một mô hình hay, nhu cầu của phụ huynh rất lớn nhưng đại diện nhiều phòng GD-ĐT cho biết để có thêm trường thực hiện mô hình này là rất khó. “Năm nay Q.10 có Trường MN Măng Non I, TH Võ Trường Toản thực hiện mô hình này. Ngoài ra, đáng lẽ có thêm Trường THCS Nguyễn Văn Tố nhưng do đang xây cơ sở mới nên chưa thực hiện được. Vì áp lực sĩ số, cơ sở vật chất nên từ nay đến năm 2020 quận dự kiến chỉ triển khai thêm mô hình này ở Trường THCS Nguyễn Văn Tố”, ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.10 nêu thực tế.
Tương tự, ở Q.Tân Bình, ông Huy cũng cho rằng quận dự kiến từ năm học 2017-2018 đến 2019-2020 sẽ chỉ có thêm 1 trường theo mô hình này.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)