Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường Tiểu học bán công Năng khiếu (Đà Nẵng): Hoạt động lưng chừng để chờ… chuyển đổi

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Tiểu học bán công Năng khiếu không còn phù hợp Luật Giáo dục năm 2005 nhưng vẫn tồn tại và hoạt động để chờ chuyển đổi sang mô hình mới

Theo Luật Giáo dục năm 2005, các mô hình trường bán công buộc phải chuyển đổi loại hình theo hai hướng công lập hoặc tư thục. Đó là sự chuyển đổi tất yếu một khi mô hình này không còn phù hợp. Thế nhưng hiện nay, ở Đà Nẵng vẫn còn một ngôi trường đang hoạt động chưa có cơ chế chuyển đổi. Đó là Trường Tiểu học bán công Năng khiếu…
Mô hình không còn phù hợp
Theo tìm hiểu, Trường Phổ thông bán công cấp 1 Năng khiếu Đà Nẵng được thành lập theo QĐ số 78 do Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) ký ngày 11-6-1992. Sau này đổi tên thành Trường Tiểu học bán công Năng khiếu Đà Nẵng, trực thuộc Thành đoàn TP.Đà Nẵng. Với sự trực thuộc này, ngoài việc dạy chương trình giáo dục tiểu học theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, nhà trường còn đào tạo các bộ môn năng khiếu thẩm mỹ nghệ thuật, thể dục thể thao, ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng sống và là nơi thể nghiệm các mô hình hoạt động Đội Thiếu niên Tiền phong, Sao nhi đồng… 
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, việc giữ nguyên mô hình này đã không còn phù hợp với Luật Giáo dục; chế độ chính sách cho GV không đảm bảo như không có phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi. Hiện 100% GV của nhà trường đều do Nhà Thiếu nhi (NTN) TP.Đà Nẵng chi trả theo nguyên tắc lấy thu bù chi. Hiện mức thu học phí của nhà trường dao động từ 400.000-600.000 đồng/tháng, tùy theo khối lớp và chưa kể học phí học năng khiếu.
Luật là vậy nhưng việc chuyển đổi đối với ngôi trường này còn gặp nhiều lúng túng, vướng mắc. Theo Ban Thường vụ Thành đoàn TP.Đà Nẵng, việc thực hiện chuyển đổi gặp nhiều khó khăn. Cụ thể nếu chuyển đổi thành trường công lập thì gặp vướng mắc: Tại điều 6, điều lệ trường tiểu học quy định: trường tiểu học do UBND quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh quản lý. Tại điều 9, điều lệ trường tiểu học quy định: Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập đối với trường tiểu học công lập. Trong khi đó, NTN là đơn vị sự nghiệp do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý, vì vậy TP cần phải có cơ chế riêng đối với loại hình trường này; Hiện nay cơ sở vật chất tại NTN được tận dụng vừa tổ chức học văn hóa cho các lớp tiểu học vừa sử dụng cho các lớp học năng khiếu ngoài giờ, nếu trường không thuộc sự quản lý của NTN sẽ khó khăn trong quản lý, sử dụng cơ sở vật chất giữa trường tiểu học và NTN; Trường Tiểu học bán công Năng khiếu được thành lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của TP đồng thời giúp cho NTN có lực lượng để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Kinh phí hoạt động của trường gồm chi trả lương GV, nhân viên, hoạt động, điện, nước… từ nguồn thu học phí của học sinh. Nếu chuyển sang trường công lập TP phải cấp kinh phí hàng năm cho hoạt động của trường.
Còn nếu chuyển thành tư thục thì cũng gặp khó khăn, như: Tại khoản b, điều 4, điều lệ trường tiểu học quy định: Trường tiểu học tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, NTN là đơn vị sự nghiệp công lập trên lĩnh vực giáo dục vì vậy việc cho thuê cơ sở vật chất của NTN là không phù hợp; Việc các tổ chức, cá nhân được thuê cơ sở vật chất của NTN mở trường học tư thục sẽ khiến học phí tăng cao, chỉ đáp ứng cho một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế khá cho con theo học. Điều này dễ gây bức xúc trong dư luận bởi NTN là nơi tập hợp rộng rãi nhiều đối tượng thiếu nhi đến tham gia sinh hoạt và học tập. Việc đầu tư, quản lý cơ sở vật chất giữa NTN và đơn vị chủ đầu tư bị chồng chéo, rất khó quản lý bởi cơ sở vật chất, các điều kiện sân bãi mặt bằng đều nằm chung trong khuôn viên NTN, không có khu riêng biệt.
Cần có cơ chế rõ ràng
Theo đề xuất của Thành đoàn, TP.Đà Nẵng cần tạo cơ chế được thành lập trường tiểu học năng khiếu thuộc NTN như hiện nay bởi theo chức năng, nhiệm vụ của NTN cần có một liên đội để thể nghiệm các mô hình hoạt động Đội Thiếu niên Tiền phong nên Hội đồng Đội Trung ương khuyến khích các NTN tham mưu tạo cơ chế thành lập trường mẫu giáo, tiểu học để thực hiện toàn diện các chức năng, nhiệm vụ của NTN là nơi đào tạo về văn hóa, phát triển năng khiếu và là trung tâm phương pháp công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Thứ hai, hiện TP đã có chủ trương xây dựng NTN mới nên tạm thời vẫn giữ nguyên như hiện nay. Sau khi xây dựng NTN mới, TP tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được thuê đất trong khuôn viên NTN để xây dựng trường tiểu học tư thục vừa thực hiện chức năng xã hội hóa giáo dục của TP vừa giúp cho NTN có lực lượng hoạt động bởi hiện nay thực hiện nghị quyết của HĐND TP đến năm học 2015-2016 học sinh dần chuyển sang học ngày 2 buổi nên không có thời gian đến NTN để học năng khiếu gây lãng phí cơ sở vật chất và khó khăn trong tổ chức hoạt động. 
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, sở cũng sẽ nghiêng về phương án chuyển trường này thành trường công lập với những cơ chế riêng, phối hợp với Thành đoàn để tiếp tục duy trì các lớp năng khiếu như hiện nay.
Mới đây, Thành ủy TP.Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2014-2015, vấn đề chuyển đổi loại hình Trường Tiểu học bán công Năng khiếu đã được nhắc tới. Ông Huỳnh Đức Thơ, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng, so với Luật Giáo dục năm 2005 thì con dấu của trường bán công năng khiếu này không còn giá trị pháp lý. Thiết nghĩ, các ban ngành chức năng liên quan cần sớm có cơ chế để giải quyết những vướng mắc trên, lựa chọn và quyết định phương án chuyển đổi, tránh việc trường không còn phù hợp vẫn cứ phải hoạt động lưng chừng để chờ… chuyển đổi.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)