Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Q.Thủ Đức): 20 năm – một chặng đường phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tập thể cán bộ – giáo viên – công nhân viên nhà trường
Nói đến Trường Tiểu học Hoàng Diệu là nói đến nơi ươm mầm, chắp cánh cho bao thế hệ học trò được phụ huynh gửi trọn niềm tin; là ngôi trường vùng ven TP vươn lên như một câu chuyện cổ tích, với những thầy cô bám lớp, bám trường từ trong gian khó, dành cả đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người…
Sau 20 năm, “vườn cây” Hoàng Diệu đã cho đời bao hoa thơm, trái ngọt – kết quả đó thật đáng để chúng ta tự hào, thán phục.
1. Chúng tôi về Trường Tiểu học Hoàng Diệu trong những ngày toàn trường đang háo hức chuẩn bị đón chào năm mới Giáp Ngọ 2014. Không khí thật vui tươi, rộn ràng. Thầy Trần Minh Định, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Đã qua rồi những ngày gian khó nhất, hôm nay trường đã có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ thầy cô giáo không những tâm huyết mà còn có kiến thức chuyên môn cao; HS chăm ngoan, học giỏi. Đó là niềm vui lớn nhất để chúng tôi tiếp tục phấn đấu vươn lên”.  
Nhìn lại thời gian cách đây hơn 20 năm, Trường Tiểu học Hoàng Diệu ra đời với cơ sở được tách từ trường phổ thông cơ sở và thành lập trường phổ thông cấp 1 bán trú. GV và HS cấp 1 tại Trường Phổ thông cơ sở Linh Xuân và Hoàng Diệu sáp nhập thành Phổ thông Cấp 1 bán trú Hoàng Diệu. Đến tháng 8-1993, trường chính thức đổi tên thành Trường Tiểu học Hoàng Diệu như ngày nay.
Những năm học đầu, để có phòng học, trường đã phải cải tạo từ đủ mọi loại nhà có công năng khác nhau như nhà ở, nhà kho… với đủ mọi loại kích thước, vật liệu. Phương tiện để dạy học chỉ là phấn trắng, bảng đen. Mặt khác, do trường nằm ở vị trí vùng ven nên các con đường dẫn đến trường đều là đường đất đỏ, nắng bụi, mưa sình. Chất lượng HS đầu vào rất thấp, các em phần lớn là con em gia đình lao động nghèo. Phụ huynh luôn phải lo cơm áo thường nhật nên việc học của các em cũng lắm bấp bênh. Trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, bằng lòng yêu nghề, tập thể GV nhà trường đã đồng lòng cố gắng để xây dựng mọi mặt, từng bước đưa trường vào nề nếp, nâng cao chất lượng giáo dục. Trong khó khăn, đã không ít thầy cô bỏ nghề hay chuyển đi trường khác; tuy nhiên nhiều GV vẫn quyết tâm ở lại chấp nhận đương đầu để bám trường, bám lớp – tất cả đều là những GV yêu nghề, có phẩm chất đạo đức cao đẹp. Trong những GV gắn bó với trường, nhiều thầy cô đã không còn xa lạ với nhiều người dân trên địa bàn quận Thủ Đức. Câu chuyện của họ đã trở thành những bài học cho nhiều thế hệ học trò hôm nay về lòng tận tụy, đức hy sinh và nghiệp đưa đò. 
2. Hạnh phúc chính là đạt được điều mình mơ ước, được sống và làm việc ở ngôi trường đi lên từ gian khó, làm việc cùng những thầy cô yêu nghiệp, giỏi nghề. Đến hôm nay nhìn lại thành quả mà trường đạt được thật hạnh phúc và đáng tự hào. Đó là tâm sự của rất nhiều thầy cô giáo ở ngôi trường này mà chúng tôi được nghe. Vâng! Có sống và công tác ở ngôi trường từ những ngày đầu, mới thấy hết vất vả khó khăn mà tập thể cán bộ, GV nhà trường trải qua. Từ ngôi trường ở vùng ven heo hút, nhà cửa thưa thớt, đồng lương chỉ đủ để mua được vài ký gạo cho cả tháng, không ít thầy cô giáo một buổi đứng lớp, một buổi tham gia lao động phổ thông chỉ với một mục đích là để tiếp tục được theo nghiệp làm thầy… Không ít thầy cô đã dành những đồng lương ít ỏi của mình giúp đỡ học trò nghèo trước nguy cơ bỏ học. Cũng từ đó bao câu chuyện được viết lên tô điểm thêm cho bề dày thành tích của nhà trường.
Cũng ở ngôi trường Hoàng Diệu, đã có bao nhiêu thế hệ học trò vẫn nhắc mãi những câu chuyện cảm động về tình thầy trò ở ngôi trường này, nói đến những tấm gương tận tụy của các thầy cô như: NGƯT Nguyễn Vị Hồ – nguyên Hiệu trưởng đầu tiên khi trường mới thành lập; cô Hà Thị Mỹ Dung, cô Nguyễn Thị Kim Thoa, cô Nguyễn Thị Huệ, cô Nguyễn Thị Thúy Vân… Rồi đến các thầy cô làm quản lý sau này cũng có đóng góp lớn cho sự phát triển của trường như: Cô Phạm Thị Cơ, thầy Dương Hoàng Tuấn, cô Phạm Thị Mười, cô Võ Duy Mũ Hằng… Nhờ vậy đến hôm nay những lớp học trò cũ như chị Mai Thị Minh vẫn luôn tự hào: “Ngày còn nhỏ, tôi đã được nghe những câu chuyện về trường, về tấm lòng của thầy cô giáo nơi đây. Ngày đó – mẹ tôi, nhiều hôm vào lớp học mà còn hôi mùi của đồng ruộng. Vậy mà mẹ vẫn được những vòng tay của các thầy cô nâng niu, dìu dắt. Sau đó đến thế hệ chúng tôi, các thầy cô vẫn dành trọn một tình thương như thế. Dường như trong gian khó, tình thầy trò, lòng thương yêu được hiện lên rõ nét hơn hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở ngôi trường Hoàng Diệu này”.
3. Trường xưa giờ đã thay da đổi thịt, bộ mặt nhà trường đã bước sang trang mới. Sự phát triển, vươn lên của trường như một câu chuyện cổ tích. Chặng đường 20 năm thật sự đã để lại một dấu ấn lịch sử đáng tự hào của tập thể thầy cô giáo và HS nhà trường như: Lá cờ đầu khối tiểu học toàn TP năm học 2008-2009; NGƯT, Huân chương Lao động hạng III, chiến sĩ thi đua toàn quốc – cô Nguyễn Vị Hồ; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ GD-ĐT; GV giỏi cấp quốc gia… Những bằng khen, giấy khen chưa nói hết thành quả nhà trường đạt được trong sự nghiệp “trồng người”, nhưng phần nào là sự ghi nhận của các cấp lãnh đạo cho quá trình phấn đấu của thầy và trò nhà trường trong suốt 20 năm qua.
Trường Tiểu học Hoàng Diệu hôm nay đã có một đội ngũ thầy cô giáo đoàn kết, có trách nhiệm và trình độ chuyên môn vững vàng. Phong trào tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong chuyên môn cũng như trong cuộc sống là mục tiêu của Hội đồng giáo dục nhà trường. Phong trào đổi mới phương pháp dạy và học, ứng dụng CNTT trong giảng dạy được GV hưởng ứng sôi nổi… Đặc biệt trường đã vinh dự được công nhận là trường chuẩn quốc gia.
20 năm đã qua, nhìn lại một thời gian khổ nhưng cũng lắm vinh quang, hôm nay thầy và trò nhà trường có thể tự hào với những gì đã làm được, không chỉ để bằng lòng mà để thêm yêu, thêm gắn bó với ngôi trường này. “Với những thành quả đạt được của chặng đường 20 năm, nhà trường sẽ phát huy hơn nữa những thành quả để đưa trường phát triển trong giai đoạn mới. Tiếp tục nâng cao hơn nữa về chất lượng giáo dục, các phong trào văn thể mỹ. Tạo điều kiện cho các em HS rèn luyện tính tự học. Xây dựng môi trường sư phạm tiên tiến, chất lượng giáo dục và hiệu suất đào tạo cao. Đào tạo HS có kiến thức về văn hóa, sức khỏe, đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống, có đầy đủ điều kiện định hướng nghề nghiệp tương lai. Để đưa trường hội nhập”, thầy Trần Minh Định tin tưởng.
Văn Mạnh
“Từ một ngôi trường khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặtnhưng với lòng quyết tâm, yêu nghề, tinh thần học hỏi, cầu tiến, các thầy cô giáo và HS nhiều thế hệ đã vượt qua những khó khăn để thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường. 20 năm đánh dấu cho sự trưởng thành và phát triển đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với tập thể nhà trường. Tôi tin chắc rằng phát huy những thành tích đã đạt được, thầy và trò sẽ tiếp tục phấn đấu và đạt thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới. Tôi cũng mong rằng với nhận thức giáo dục là quốc sách hàng đầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các bậc cha mẹ HS sẽ tiếp tục giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho nhà trường thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình là chăm lo giáo dục thế hệ trẻ. Nhân dịp 20 năm ngày thành lập xin chúc các cấp lãnh đạo, cán bộ, thầy cô giáo, công nhân viên, phụ huynh và HS nhà trường nhiều sức khỏe để tiếp tục xây dựng trường trong giai đoạn mới. Chúc một năm mới An khang – thịnh vượng”, thầy Trần Minh Định bày tỏ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)