Thầy Trần Minh Đức – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến cho biết: “Năm học 2009-2010, Nhà trường phấn đấu đạt chỉ tiêu Trường tiên tiến xuất sắc cấp Thành phố. Đối với học sinh, duy trì sĩ số, lên lớp thẳng đạt 100%”. Do đó, ngay từ những ngày đầu năm học, thầy và trò nhà trường đã cùng nhau xây dựng một môi trường sư phạm “Sạch đẹp – an toàn”…
Năm học 2009-2010, Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến có 31 lớp với tổng số 1.177 học sinh và 70 cán bộ, giáo viên, công nhân viên (trong đó có 3 cán bộ quản lý, 35 giáo viên, 17 bảo mẫu…).
Theo đó nhiệm vụ chung của năm học là đổi mới toàn diện nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới quản lý. Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, được tạo điều kiện tốt nhất để tự học, tự rèn, không ngừng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập, chủ động và sáng tạo. Về phía học sinh, tổ chức cho các em tích cực rèn luyện trở thành những công dân văn minh tiến bộ, có nhân cách, thể chất, trí tuệ và kỹ năng làm chủ cuộc sống.
Để thực hiện được những nhiệm vụ này, đội ngũ cán bộ quản lý đã từng bước cải tiến công tác quản lý, đảm bảo tốt việc thực hiện quy chế chuyên môn, điều lệ nhà trường. Thực hiện đúng, chính xác các văn bản chỉ đạo chuyên môn của Bộ, Sở và Phòng GD-ĐT. Đặc biệt là việc tổ chức dự giờ, kiểm tra đánh giá giáo viên, đánh giá xếp loại học sinh, công tác kiểm tra nội bộ nhà trường…
Đối với đội ngũ giáo viên, nhà trường xác định yêu cầu chỉ đạo trọng tâm theo mục tiêu từng môn học để giáo viên tự học, tự bồi dưỡng. Nhà trường cung cấp danh mục tài liệu tham khảo cho giáo viên, tổ chức cho giáo viên sinh hoạt cụm chuyên môn, sinh hoạt tổ khối… Từ đó giáo viên được nâng cao trình độ và từng bước giải quyết các vấn đề khó khăn của những môn học ở từng khối lớp.
Cán bộ quản lý và giáo viên sử dụng quyền tự chủ trong việc thực hiện chương trình để phù hợp với đặc điểm nhà trường, cố gắng dạy sát đối tượng học sinh và có trách nhiệm về chất lượng học tập.
Hệ thống nhà vệ sinh của trường được nâng cấp cho học sinh |
Còn học sinh, các em không chỉ được dạy chữ mà còn được dạy cách làm người. Nhà trường giáo dục cho học sinh biết lễ phép với ông bà, cha mẹ và người lớn, biết kính trọng thầy cô giáo, biết yêu quí bạn bè. Ngoài ra, học sinh còn được giáo dục cách giữ gìn trật tự, kỷ luật ở trường lớp, ở nơi công cộng, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ của công. Để làm được điều đó, hàng tuần nhà trường đều thực hiện nghiêm túc giờ sinh hoạt lớp, nâng cao vai trò trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm. Lưu ý kiến thức của giáo viên về tâm sinh lý lứa tuổi và các hình thức uốn nắn học sinh, tuyệt đối không dùng hình phạt đòn roi với học sinh.
Thông qua các ngày lễ lớn như: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Ngày Quân đội Nhân dân 22-12, Ngày thành lập Đảng 3-2, Ngày thành lập Đoàn 26-3, Ngày giải phóng miền Nam 30-5, Ngày Quốc tế lao động 1-5…, nhà trường đã giáo dục truyền thống cho học sinh.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng chú trọng giáo dục các môn năng khiếu cho học sinh như vẽ, hát, nhạc… Giáo dục sức khỏe và rèn luyện thân thể cho học sinh bằng cách tổ chức đều đặn, rộng khắp các loại hình trò chơi vận động, đảm bảo 100% học sinh đều được tham gia. Tổ chức các câu lạc bộ thể dục thể thao như: cờ vua, đá banh, cầu lưới, bóng chuyền, võ thuật để những học sinh có năng khiếu tham gia.
“Mặc dù nhà trường vẫn còn một số khó khăn, tuy nhiên được sự quan tâm của Ban lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, Đảng ủy – UBND P.12, sự hỗ trợ tích cực của Ban đại diện cha mẹ học sinh nên cơ sở vật chất được sửa chữa, đầu tư khang trang. Do vậy cũng đảm bảo được yêu cầu dạy và học cũng như tạo được cảnh quan môi trường sư phạm sạch đẹp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình nên chất lượng giáo dục của nhà trường năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước…”, thầy Minh Đức khẳng định.
Thùy Linh
Bình luận (0)