Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4: Xứng danh trường tiên tiến hiện đại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) khánh thành ngày 4-9-2008, đến năm học 2010-2011, được sự định hướng của Sở GD-ĐT TP.HCM, trường triển khai xây dựng trường tiên tiến hiện đại, nhằm đáp ứng cho sự phát triển giáo dục trong thời kì hội nhập của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) và ông Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học) đến tham quan mô hình “Vườn rau, ao cá trong nhà kính” của trường

Từ những thế mạnh sẵn có

Chia sẻ về định hướng này, cô Phạm Thúy Hà (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết mô hình này bao gồm các yếu tố: cơ sở vật chất (CSVC) và trang thiết bị phục vụ dạy và học; đội ngũ sư phạm và phương pháp dạy học tiên tiến theo hướng cá thể hóa; các hoạt động giáo dục đảm bảo rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh trong môi trường thân thiện mang đậm bản sắc dân tộc; học sinh được hội nhập với thế giới thông qua việc học tiếng Anh, tin học, được giao lưu học tập và hiệu trưởng được học tập nước ngoài; vận động sự chung tay góp sức của phụ huynh và xã hội; phát huy truyền thống nhà trường để vươn lên sánh vai với các nước trong khu vực và vươn xa với các trường tiểu học trên thế giới.

Về CSVC, trường có tổng diện tích 6.591m2, quy mô 1 tầng hầm (gồm nhà xe, hồ bơi), 1 trệt 2 lầu với 40 phòng học, mỗi phòng có diện tích 50,7m2 được trang bị đầy đủ đèn, quạt, bàn ghế một chỗ theo lứa tuổi, LCD 32 inch nối mạng truyền hình cáp, đầu đĩa. Mới đây trường được trang bị thêm công nghệ màn hình đa chức năng (hay còn gọi bảng tương tác). Ngoài một số phòng chức năng cần thiết, trường còn có 1 hội trường rộng 314m2 với sức chứa 250 chỗ ngồi chuyên dùng để tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo chuyên đề, hội thi, hội diễn của quận, ngành và trường. Nhờ được đầu tư trang thiết bị hiện đại như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy học của thầy và trò nhà trường.

Cô Hà khẳng định: “Chúng tôi đã có sẵn một trong những yêu cầu để xây dựng trường tiểu học tiên tiến hiện đại đó là CSVC, việc làm tiếp theo là phải xây dựng đội ngũ nhà giáo tốt, trong giảng dạy phải luôn đổi mới phương pháp; thế nên hàng tuần nhà trường dành riêng buổi chiều thứ sáu để giáo viên họp tổ trao đổi chuyên môn, dự giờ, thao giảng. Việc dạy học theo hướng cá thể hóa được triển khai và áp dụng ở tất cả các lớp. Trong từng tiết dạy, giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học sao cho phù hợp với tình hình lớp, sử dụng nhiều tranh, ảnh, mô hình vừa thú vị vừa phù hợp với nội dung bài theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó giáo viên còn chú trọng việc làm và sử dụng đồ dùng dạy học một cách linh hoạt và khoa học, tạo cho học sinh kỹ năng quan sát, tư duy hình ảnh, động não. Qua các phương pháp như sắm vai, kể chuyện…, học sinh như thấy mình hòa nhập vào nhân vật, từ đó hứng thú với cách giải quyết vấn đề nên các em dễ dàng nắm được kiến thức và khắc sâu trong tâm trí”.

Đến không gian “mở” cho học sinh

Ngoài những phương tiện sẵn có, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, trường được trang bị bảng tương tác để dạy học, phụ huynh thì trang bị thêm 3 phòng học tiếng Anh với đầy đủ máy lạnh, bàn ghế, âm thanh, bảng tương tác, bộ dụng cụ kiểm tra đánh giá Activote đã góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập; phòng học trang trí đẹp mắt tạo sự hấp dẫn đối với các em.

Ngoài những trang thiết bị hiện đại đáp ứng cho công tác dạy và học, trường còn có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng thực hành cho học sinh như vừa cho ra đời “Vườn rau, ao cá trong nhà kính”. Hoạt động này không chỉ giúp cho học sinh được trải nghiệm thực tiễn mà còn tạo ra nguồn thực phẩm sạch cho cộng đồng. Đây là trường tiểu học đầu tiên tại TP.HCM thực hiện mô hình này!

Bắt đầu triển khai từ tháng 10-2016, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã tận dụng diện tích hơn 200m2 trên sân thượng để trồng 288 thùng rau với hệ thống tưới và thoát nước đầy đủ. Mỗi lớp sẽ được 9 thùng để trồng các loại rau như rau muống, cải mầm, cải xanh, mồng tơi… Đến nay mô hình trồng rau sạch và nuôi cá trong nhà kính của học sinh lớp 4 và lớp 5 đã mang lại nhiều kết quả với hàng chục ký rau sạch các loại đã được thu hoạch đưa ra thị trường.

Cô Hà cho biết, trước đây trường cũng đã cho học sinh trải nghiệm trồng rau sạch trên sân thượng của trường theo mô hình tự nhiên và thủ công, hiệu quả mang lại cũng rất khả quan. Nhưng với mô hình nhà kính này, cùng sự hỗ trợ của một doanh nghiệp, việc trồng rau và nuôi cá đã được chuyên nghiệp hơn nhờ hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại, tưới tiêu tự động. Công việc của học sinh bây giờ không chỉ là những “nông dân nhí” như trước đây là tưới nước, bắt sâu cho rau đơn thuần nữa mà các em tiến dần đến học cách nuôi trồng như một nhà khoa học thực sự, tìm hiểu và sử dụng thuần thục các máy móc bổ trợ cho việc trồng rau trong nhà kính.

Cô Hà cho biết thêm: “Trong thời gian tới, trường sẽ mở rộng thêm nhiều loại rau quả khác, dần tiến tới việc cung cấp lượng rau sạch phục vụ trong bữa ăn bán trú hằng ngày của chính học sinh trong trường. Đối với rau mầm, trung bình khoảng 4 ngày thì thu hoạch, các loại rau khác thời gian trồng lâu hơn, sản phẩm được phụ huynh và giáo viên trong trường mua. Số tiền thu được từ việc bán rau, cá dùng để chi phí trở lại cho nhà kính, còn bao nhiêu đưa vào quỹ hỗ trợ học sinh nghèo của trường”.

Vâng, từ những cách làm sáng tạo của đội ngũ sư phạm nhà trường đến cán bộ quản lý dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đặc biệt là sự tin tưởng mà phụ huynh gửi gắm con em của mình cho nhà trường. Chắc chắn ngôi trường này sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”.

Huy Khánh

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)