Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường Tiểu học Phạm Văn Hai: Không ngừng đổi mới phương pháp giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Được xây dựng từ năm 2000 đến nay, dù phòng ốc khá khang trang, nhưng ngôi Trường Tiểu học Phạm Văn Hai – Q.Tân Bình, vẫn không tránh khỏi sự “xâm lấn” của thời gian; cộng với việc đầu tư trang thiết bị đồ dùng dạy học hàng năm hạn chế và chất lượng học sinh không đồng đều đã gây không ít khó khăn cho nhà trường… Tuy nhiên, nhờ được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ của Phòng Giáo dục quận và một đội ngũ giáo viên đoàn kết, nhiệt tình, tận tụy với học sinh đã thúc đẩy công tác dạy và học của trường, mang đến những kết quả rất khả quan.
Với đội ngũ giáo viên ngày càng chuẩn hóa, yêu nghề, yêu trẻ, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của BGH và phương pháp quản lý năng động, sáng tạo, nên không ngạc nhiên khi trường vẫn còn khó khăn nhưng công tác giáo dục đã đi vào ổn định, tạo điều kiện nâng dần hiệu suất đào tạo và chất lượng học sinh.
Nâng cao giáo dục toàn diện
Trong nhiều năm qua, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện về trí, đức, thể, mỹ; giúp hình thành và phát triển nhân cách học sinh trở thành người có đạo đức, có lý tưởng, trình độ học vấn và ý thức lao động mai sau; bằng các hình thức, Trường Tiểu học Phạm Văn Hai đã không ngừng tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT trong việc giảng dạy các môn học chính, đồng thời đa dạng hóa hình thức giáo dục trong đạo đức lối sống, ý thức công dân, truyền thống dân tộc cho học sinh. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động Đội cũng như tham quan về nguồn, xã hội nhân đạo cũng được Nhà trường quan tâm tổ chức, nhằm xây dựng môi trường sư phạm tốt để trường trở thành một cơ sở văn hóa cộng đồng cho các em rèn kỹ năng sống, ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập cũng như cuộc sống. Bên cạnh đó, Nhà trường đặc biệt quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có học lực yếu để giúp đỡ hỗ trợ kịp thời; trường cũng đã xem xét miễn giảm các khoản thu đầu năm học đối với học sinh thuộc gia đình chính sách, nghèo, đông con; tiếp nhận trẻ có hoàn cảnh khó khăn; huy động trẻ khuyết tật học hòa nhập… nhằm tạo niềm vui học tập và khuyến khích các em đến trường.
Phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Đó không chỉ là mục tiêu phấn đấu của Trường Tiểu học Phạm Văn Hai trong năm học 2009 – 2010, mà còn cho cả thời gian tới. Hiện nhà trường tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM”, kết hợp thực hiện chủ đề “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” cho năm học này. Để có thể chuyển hóa những chủ đề này thành hiện thực, trường không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động, sáng tạo và năng lực tự học, tự rèn luyện của học sinh; từng bước xây dựng cơ sở vật chất Nhà trường ngày càng khang trang và đàng hoàng hơn, xây dựng môi trường giáo dục chuẩn mực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đặc biệt, trường cũng đã triển khai kế hoạch “dài hơi” để “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” từ nay đến 2013 với những nội dung cụ thể như: “Xây dựng trường học an toàn, sạch đẹp có cây xanh, tạo mối quan hệ đoàn kết, gần gũi trong tập thể thầy trò, tận tình giúp đỡ nhau trong công tác, học tập để cùng đi lên, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực như thiếu trách nhiệm, ép buộc học sinh học thêm trái quy định…” Song song đó, Nhà trường cũng rèn cho các em về kỹ năng làm việc nhóm, ứng xử văn hóa, ý thức bảo vệ sức khỏe, mạnh dạn tham gia các hoạt động tập thể, vui chơi lành mạnh… góp thêm nhiều con người sống có ích cho đất nước.
Ngoài ra, Nhà trường cũng đã đưa ra những chỉ tiêu cụ thể để thầy trò cùng phấn đấu trong năm học 2009 – 2010, đó là: “Hiệu suất đào tạo phải đạt 99,9%; hoàn thành 100% chương trình Tiểu học với 100% học sinh của trường lên lớp thẳng vào cuối năm, trong đó 50% đạt loại giỏi, 30% khá và 20% trung bình…” Với những gì nhà trường đã đạt được trong thời gian qua, chúng tôi tin rằng những chỉ tiêu này sẽ không quá khó để đạt được trong năm học này.
NT

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)