Sự kiện giáo dụcTin tức

Trường “top dưới” ngày càng thăng hạng

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường TH Chương Dương – Q.5 được trang bị bàn ghế đúng chuẩn

Với gần 1.200 trường từ mầm non đến phổ thông công lập, TP.HCM vẫn còn cả trăm trường có điều kiện cơ sở vật chất yếu kém. Sự yếu kém này đã kéo theo rất nhiều hệ lụy, nhất là “bị” phụ huynh chê. Không cam chịu “số phận” nhiều trường đã vươn lên…
Theo báo cáo của Phòng GD Tiểu học – Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2009-2010, toàn thành phố có 34 trường yếu kém về cơ sở vật chất. Trong năm học này, nhiều trường trong số đó đã được khởi công xây dựng. Cụ thể như Trường TH Lam Sơn – Q.Gò vấp, Trường TH Trần Quốc Tuấn – Q.5, Trường TH Lê Chí Trực – Q.3. Những trường còn lại, vì 1.001 lý do mà chưa thể xây mới cũng đã cố gắng tự làm mới mình để thu hút học sinh (HS).
Trường chuẩn quốc tế về… sĩ số HS
Lâu nay dư luận chỉ biết đến những trường TH có cả trăm lớp với trên 5.000 HS như Trường An Hội – Q.Gò Vấp, hay những lớp có tới 50-60 HS như một số trường TH ở Q.1, Q.3, Tân Phú, Bình Tân… Nhưng trên thực tế, ở TP.HCM có không ít trường chỉ có 5 đến 10 lớp như Trường TH Điện Biên – Q.10, Trường TH Trần Quang Khải – Q.1.
Là trường TH duy nhất trên địa bàn P.11, Q.10 nhưng mỗi năm Trường TH Điện Biên chỉ tuyển được duy nhất một lớp 1. Cụ thể như năm học 2010-2011, chỉ tiêu Phòng GD-ĐT Q.10 giao cho trường là 70 HS/2 lớp nhưng chật vật lắm trường mới thu nhận được 27 em. Và đây là lớp có sĩ số cao nhất trường. “Toàn trường có 124 HS với 5 lớp – mỗi khối 1 lớp. Ngoài lớp 1 có 27 HS, các lớp còn lại có sĩ số 22-23 em. Một sĩ số quá đẹp. Chúng tôi thường nói với nhau, sĩ số của Trường TH Điện Biên là sĩ số của trường chuẩn quốc tế”, thầy Trần Minh Thư – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Trường TH Trần Quang Khải may mắn hơn là thu nhận được 59 HS, mặc dù khả năng thu nhận lên tới 100 em. Thầy Lê Công Minh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2010-2011, danh sách mà UBND P.Tân Định gửi qua là 84 em nhưng trường chỉ thu nhận được 59 em/2 lớp (một lớp 30 em và một lớp 29 em). Tổng số HS hiện nay của trường là 347 em/11 lớp, sĩ số bình quân là 31-32 em. So với sĩ số chuẩn quốc gia là 35 em/lớp thì chúng tôi… vượt chuẩn”.
Với sĩ số 20-30 em/lớp, giáo viên (GV) của hai trường TH Trần Quang Khải, TH Điện Biên có nhiều điều kiện để thực hiện phương pháp dạy học cá thể. Cô Nguyễn Thị Phương Thảo – GV chủ nhiệm lớp 4 Trường TH Điện Biên thừa nhận: “Lớp có 22 em nên chỉ vài ngày là GV đã quen hết mặt và tên HS. GV cũng biết luôn hoàn cảnh gia đình của từng em”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc HS của những trường này được quan tâm nhiều hơn…
Trường nhỏ nhưng… “có võ”
TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã từng khẳng định, điều kiện “cần” để xây dựng trường tiên tiến hiện đại chính là sĩ số HS/lớp phải thấp (khoảng 35 em, thấp hơn thì càng tốt) và 100% HS được học 2 buổi/ngày.
Trường TH Điện Biên và TH Trần Quang Khải đã đạt được điều kiện “cần” này nhưng… “Năm học trước Trường Trần Quang Khải là trường có điều kiện cơ sở vật chất yếu kém phấn đấu vươn lên, năm học này dù đã được quận trang bị cho 1 phòng đa phương tiện, 2 máy chiếu nhưng cũng chưa dám đăng ký là trường tiên tiến hiện đại. Bởi trên thực tế, Trường Trần Quang Khải vẫn là trường có cơ sở nhỏ nhất quận. Sân chơi nhỏ, HS thiếu chỗ chơi”, thầy Minh – Hiệu trưởng nhà trường nói.
Để bù lại sự thiệt thòi này cho HS, Trường Trần Quang Khải đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi như rung chuông vàng, ngày hội đọc sách, ngày hội giao lưu tiếng Anh… Mặt khác, GV tích cực truyền đạt kiến thức đến từng HS. Kết quả, 5 năm trở lại đây, tỷ lệ HS tốt nghiệp đạt 100%; 3 năm gần đây, năm nào cũng có HS đạt giải HS giỏi cấp quận, đặc biệt năm học 2009-2010 trường nằm trong top 3.
Năm học 2009-2010, Trường TH Chương Dương – Q.5 là 1 trong 2 trường TH của quận “bị” xếp vào danh sách trường có điều kiện cơ sở vật chất yếu kém phấn đấu vươn lên. Nhưng năm học này, trường đã được ngân sách cấp cho gần 200 triệu đồng để trang bị bàn ghế, sơn quét lại trường, nâng cấp phòng máy vi tính… nên “Chúng tôi đã mạnh dạn đăng ký là trường tiên tiến hiện đại. Phải đăng ký để mà phấn đấu chứ”, cô Hiệu trưởng Lê Thị Bạch Tuyết chia sẻ.
Sở dĩ cô Tuyết và Ban giám hiệu Trường Chương Dương “liều” như vậy là bởi: “So với các trường trong quận, Trường Chương Dương chỉ thua thiệt về cơ sở vật chất (cả hai cơ sở đều nhỏ), còn về chuyên môn thì không. Bàn ghế đúng chuẩn hiện đại, có máy chiếu thực hiện giáo án điện tử. Giờ ra chơi, nhà trường tổ chức các trò chơi dân gian cho HS tham gia. Nhà vệ sinh luôn sạch và còn có nhạc nữa. GV quan tâm đến HS, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, mỗi năm các em được tặng quà 4 lần như đồng phục, giày dép, cặp sách…”, cô Tuyết kể.
Còn Trường TH Điện Biên, Q.10, đích thân Hiệu trưởng nhà trường đã đi “xin” quà về làm phần thưởng cho HS dịp tổng kết học kỳ và năm học, vận động mạnh thường quân hỗ trợ tiền ăn cho HS nghèo…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Ở những trường top dưới, GV rất thiệt thòi. Các thầy, các cô phải làm việc gấp 2 lần đồng nghiệp ở các trường lớn, bởi phần lớn HS của những trường top dưới đều là con hộ gia đình nghèo. Theo đó, ngoài dạy chữ, GV còn phải lo cả cái mặc, thậm chí là cái ăn cho HS. Tuy vậy, thu nhập thì… chỉ bằng 1/2 GV ở các trường lớn. Cụ thể như thu nhập từ việc dạy buổi thứ 2, ở các trường lớn GV nhận được từ 1 triệu đồng/tháng trở lên nhưng ở trường top dưới chỉ có 3-4 trăm ngàn đồng/tháng.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)