Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường tốt hơn, ngân sách nhiều hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Thay cho việc đầu tư ngân sách cào bằng để tất cả các trường cùng “sống được” áp dụng nhiều năm qua, việc đầu tư ngân sách sẽ thực hiện theo hướng “trường nào làm tốt hơn sẽ được cấp ngân sách nhiều hơn” – đó là thông điệp được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chuyển đến các trường nghề tại hội thảo toàn quốc về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Trường tốt hơn, ngân sách nhiều hơn

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Thậm chí đánh giá chung về nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng.

Những tín hiệu từ Chính phủ, từ các cơ quan quản lý cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đổi mới đào tạo nghề, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, làm tăng khả năng hội nhập và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tư duy bao cấp một thời khiến cả trường làm tốt, trường làm kém đều như nhau, không có động lực để phấn đấu, để được ghi nhận. Vì cấp ngân sách theo đầu sinh viên nên nhiều trường tìm mọi cách để lấp đầy chỉ tiêu, kể cả “đào tạo giả cho… báo cáo thật”.

Tâm lý “dẫu sao cũng sống được” khiến nhiều trường dặt dẹo vẫn an nhiên tồn tại, bình tĩnh một cách kỳ lạ trước những đòi hỏi cấp bách của thị trường lao động.

Trong gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước, phần lớn quanh năm vẫn chỉ lo tuyển sinh mà rốt cục cũng không tuyển được bao nhiêu. Trong năm năm qua, cả khối CĐ và trung cấp, tỉ lệ tuyển sinh chỉ đạt chừng hơn 50% chỉ tiêu.

Nhưng nếu đầu tư ngân sách thay đổi, trường tốt được nhiều, trường kém ít hơn, liệu có khiến các trường chuyển nhịp vận động? Đồng tiền đi liền khúc ruột, động lực để phát triển xét đến cùng khó thể tách rời các chỉ tiêu tài chính.

Không tuyển sinh được, không tạo ra sức hút với thí sinh “đầu vào” và với doanh nghiệp đón “đầu ra” thì làm sao có thể vô tư nhận đầu tư ngân sách chỉ để tồn tại qua ngày?

TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng tín hiệu được truyền đi từ thông điệp của Phó thủ tướng rất đáng mừng, nhưng phải hiểu thế nào là trường tốt để được đầu tư nhiều hơn, tốt so với chính nó hay tốt so với chuẩn chung của Nhà nước?

Bằng kinh nghiệm của người từng làm ở cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, ông Khuyến trăn trở: “Không phân biệt rõ trường tốt, chưa tốt bằng hệ thống kiểm định độc lập minh bạch thì dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền và sự thiếu công bằng trong phân bổ kinh phí…”.

Dẫu sao đây cũng là tín hiệu mới trong thước đo giá trị. Có điều từ tín hiệu đến thực tế cần có những kế hoạch bài bản và chặt chẽ để thực thi.

Dư luận có quyền hi vọng và mong chờ một kế hoạch rõ ràng và kiên quyết như thế sau phát biểu mạnh mẽ của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

 

NGỌC HÀ (TTO)
 

Bình luận (0)