Dù không hoạt động theo mô hình trường chuyên, bậc THCS của Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa vẫn có sức hút lớn với phụ huynh với đa dạng lý do, từ môi trường học tập đến sự gắn kết giữa các thế hệ.
Khung cảnh nhộn nhịp trước cổng điểm thi Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa sáng 4.7. NGỌC LONG
Sáng nay, 4.7, khoảng 4.300 thí sinh TP.HCM hoàn thành bài khảo sát lớp 6 vào Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) ở 6 địa điểm đặt tại quận 1 và quận 3. Đây là năm đầu tiên trường tuyển sinh lớp 6 sau khi được thành lập trên cơ sở tách ra từ Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Đồng nghĩa, Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa hiện không hoạt động theo mô hình trường chuyên.
Tuy nhiên, sự thay đổi này không làm quá nhiều phụ huynh và học sinh chọn trường khác, bằng chứng là số thí sinh dự thi năm nay chỉ thấp hơn năm trước khoảng 500 em, vẫn duy trì ở mức trên 4.000 như nhiều năm qua. Tuy nhiên, vì chỉ tiêu của trường giảm chỉ còn 350 nên tỷ lệ chọi năm 2024 vào khoảng 1/12, cao nhất trong 20 năm qua kể từ khi thành lập Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Từ 6 giờ sáng, một tiếng trước giờ tập trung, ghi nhận tại điểm thi Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (Q.1), nhiều phụ huynh, học sinh đã có mặt với tâm trạng hồi hộp xen lẫn háo hức. Chị Ngọc (ngụ Q.Bình Thạnh), có con học Trường Quốc tế iSchool (Q.2), nói vì dự định cho con đi du học nên rất chú trọng môn tiếng Anh. Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa, với chi phí thấp hơn và môi trường tương tự, được xem là lựa chọn tốt.
Một thí sinh sau khi hoàn thành bài khảo sát lớp 6. NGỌC LONG
"Tôi không quan tâm nhiều đến việc Trường Trần Đại Nghĩa có còn chữ 'chuyên' hay không, vì trường có truyền thống học giỏi từ nhiều năm nên mọi người luôn công nhận và nhớ đến thương hiệu Trần Đại Nghĩa. Đầu năm nay rộ tin trường sẽ hủy bài khảo sát lớp 6 làm tôi cũng lo, nhưng may là cuối cùng mọi hoạt động vẫn giữ nguyên", chị Ngọc chia sẻ.
Chung nhận định, anh Tuấn (ngụ Q.Tân Phú), có con học Trường TH-THCS Hồng Ngọc (Q.Tân Phú), cho rằng Trường Trần Đại Nghĩa đã có truyền thống từ lâu, được nhiều thế hệ biết đến, nên không thay đổi quyết định cho con đi thi dù nhận tin trường không còn theo mô hình trường chuyên như trước. "Tôi muốn cho con thử sức ở 'sân chơi' lớn này để đánh giá năng lực, từ đó cải thiện điểm yếu, không quan trọng đậu hay rớt", anh Tuấn chia sẻ.
Chị M.T.K.V (ngụ Q.Tân Bình), có con học Trường tiểu học Bạch Đằng (Q.Tân Bình) thì chia sẻ: "Dù không còn 'mác' chuyên nhưng đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy vẫn tương tự Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa những năm về trước. Không những vậy, so với các đơn vị khác, trường quy tụ nhiều em học sinh có tố chất tốt, giúp con tôi có môi trường học tập tích cực và phát huy hết khả năng".
Tuy nhiên, việc trường tách ra khiến chỉ tiêu giảm xuống cũng là mối lo ngại của chị V. và đông đảo phụ huynh khác. "Cơ hội có một suất vào trường ngày càng khó khăn hơn", nữ phụ huynh thở dài.
Phụ huynh đập tay mừng chiến thắng với sĩ tử nhí. NGỌC LONG
Khả Ái, học cùng lớp, thì kể khi lên lớp 9, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (sau này là Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa) luôn tổ chức những buổi ôn tập riêng để thi vào các trường chuyên như Lê Hồng Phong, Phổ thông Năng khiếu hay thậm chí là Trần Đại Nghĩa (bậc THPT)."Đó có thể là một lý do thu hút các em học sinh và những bậc phụ huynh", Ái chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, bài khảo sát lớp 6 Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa có cấu trúc tương tự bài khảo sát năng lực vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trước đây. Nội dung bài khảo sát bao gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận, với thời gian làm bài 90 phút nhằm đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh, tiếng Việt; toán học, tư duy logic; khoa học tự nhiên; khoa học xã hội; thường thức đời sống.
Theo Ngọc Long – Phi Vỹ/TNO
Bình luận (0)