Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

“Trường Tre”: Hy vọng cho người nghèo Nepal

Tạp Chí Giáo Dục

Khi Uttam Sanjel bắt đầu tự mở những lớp học cho trẻ em đường phố ở thủ đô Nepal vào năm 1990, anh không hề có ý nghĩ một ngày kia kế hoạch dạy học nhỏ nhoi của anh lại trở thành hiện thực. Tháng 8-2009, người đàn ông 35 tuổi sinh trưởng tại Kathmandu đã mở ngôi trường thứ 10 của mình tại Nepal và tiết lộ tham vọng lên chương trình đưa giáo dục đến với tất cả trẻ em trong dãy Hy Mã Lạp sơn.

Uttam Sanjel cùng với học sinh tại một ngôi trường ở ngoại ô Kathmandu vào ngày 11-8- 2009
Ước mơ thành hiện thực
Trong 9 năm qua, Sanjel đã hình thành một mạng lưới trong cả nước gồm những ngôi trường với học phí chỉ 100 rupee (1.40 USD) mỗi tháng cho mỗi học sinh tại một trong những đất nước nghèo nhất thế giới. Các ngôi trường chỉ sử dụng những vật liệu rẻ tiền nhất – nên mang biệt danh “Trường Tre” – với quĩ do những nhà kinh doanh địa phương và các tổ chức từ thiện trao tặng.
Sanjel phát biểu sau khi long trọng chủ trì buổi lễ khai giảng ngôi trường mới nhất của mình tại một làng thuộc mạn tây Nepal: “Tôi muốn mỗi trẻ em đều có thể theo học những ngôi trường của tôi. Không trẻ nào bị gạt ra khỏi trường chỉ do gia đình không thể trả học phí. Khi hỗn loạn chính trị hiện nay đã qua đi tại Nepal, chúng tôi cần những người có học để xây dựng đất nước”.
Khi Sanjel xây ngôi trường đầu tiên của mình vào năm 2001, Nepal đang lâm vào cuộc nội chiến kéo dài 10 năm giữa quân nổi dậy Maoist và quân đội Chính phủ, trong đó ít nhất 13.000 người đã chết. Xung đột chấm dứt năm 2006, nhưng ổn định chính trị vẫn hết sức mong manh và hơn phân nửa dân số Nepal vẫn sống dưới mức nghèo. Mặc dù thế, giáo dục vẫn được đánh giá rất cao và nhiều gia đình tằn tiện gửi con tới những trường thu học phí có dạy tiếng Anh hơn là cho chúng tới trường Nhà nước dạy tiếng Nepal. Lúc này, giáo dục tư nhân vẫn ngoài tầm với của rất nhiều người sống trong dãy Hy Mã Lạp sơn, nơi thu nhập bình quân hàng năm chỉ 470 USD.
Giáo dục công tại Nepal chỉ bắt đầu vào năm 1951, và tỷ lệ người biết chữ ở đây vẫn là một trong những nước thấp nhất trong vùng. Năm 2005 – năm mới nhất để có dữ liệu so sánh – chỉ 48,6% người trưởng thành ở Nepal biết chữ so với 61% ở Ấn Độ, 90,7% ở Sri Lanka và 47% ở Bangladesh, theo số liệu của Liên Hiệp quốc.
Sanjel nói anh muốn cung cấp cơ hội chọn lựa tốt hơn thay vì đến trường của Chính phủ khỏi đóng học phí ở Nepal, mà cho rằng có sự thiếu nhất quán giữa trường công và trường tư là một bất công xã hội chính. Theo anh: “Có hai loại trường học: học sinh trường công không biết nói tiếng Anh dù khi đã tốt nghiệp. Còn tại trường tư học sinh có thể gửi e-mail cho phụ huynh ngay khi học lớp 2”.
Tài xế xe buýt Dol Raj Subedi đang gửi đứa con trai lớn nhất đến ngôi trường mới của Sanjel cho biết, anh ước sao mình cũng có thể có cơ hội như một đứa trẻ.
Người dân tin tưởng vào “Trường Tre”
Người tài xế 37 tuổi, mỗi ngày kiếm được 150 rupee này nói: “Lái xe buýt là một công việc cực nhọc. Tôi không cảm thấy khỏe khoắn và lưng tôi hay bị đau. Nếu tôi có học, nếu cha mẹ tôi cho tôi đến trường hồi nhỏ, tôi nghĩ mọi việc đã có thể khác. Vì thế, tôi sẽ lo cho con tôi học đến nơi đến chốn. Hệ thống giáo dục mới trong làng đã giúp tôi thực hiện điều này”. 
Sanjel đã nhận giải thưởng của Nepal nhờ việc làm của mình trong lĩnh vực giáo dục, nhưng anh thừa nhận mình không xuất sắc về trường học, và nói anh chưa khi nào coi dạy học là một lựa chọn nghề nghiệp.
Anh đã có khoảng thời gian 7 năm tại Mumbai để cố thực hiện giấc mơ là trở thành một ngôi sao điện ảnh Hollywood trước khi quay về Kathmandu, cảm thấy mình nên làm một cái gì đó, và bắt đầu mở lớp dạy cho trẻ em đường phố.
Sanjel kể: “Tôi nghĩ chắc chỉ đôi ba em theo học, nhưng ngay lúc khởi đầu lớp học đã có đến khoảng 100 em, rất chịu khó học. Tôi cũng thấy phấn khích lây”. Và như vậy, anh khởi sự ngôi trường đầu tiên trong mạng hệ thống trường học của mình – đặt tên Samata, tức Trường Bình đẳng, ở ngoại ô Kathmandu với 100 học sinh.
Hiện nay, chỉ tính riêng ngôi trường này đã có tới 3.500 học sinh và nếu tính tất cả các trường học của Sanjel thì hiện có 18.000 học sinh.
Anh kể: “Có những lúc khó khăn hết sức, đến nỗi tôi phải trốn ở trong toilet do không có tiền trả nhà thầu hay có những thời điểm tôi không kiếm đâu ra tiền trả lương giáo viên suốt ba tháng, và nay vẫn thường khó kiếm đủ tiền để trả cho nhân viên. Nhưng tôi vẫn lạc quan, tôi nghĩ nếu bạn quyết tâm, bạn sẽ thành công”.
Quang Hùng (theo AFP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)