Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường trung cấp công lập sẽ bị xóa sổ?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người cảm thấy băn khoăn khi Dự thảo phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy trường trung cấp công lập sẽ bị xóa sổ.

Phát triển cơ sở ngoài công lập

Theo nội dung dự thảo đặt ra, đến năm 2030 giảm 20% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập (so với năm 2020), giảm 100% số trường trung cấp (so với năm 2020), phát triển cơ sở ngoài công lập lên 45%. Để thực hiện chỉ tiêu trên, sáp nhập trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng (CĐ) hoặc giải thể nếu hoạt động không hiệu quả.

Không chỉ xóa sổ trường trung cấp công lập, dự thảo còn đặt ra mục tiêu mỗi địa phương sẽ chỉ còn một trường CĐ đa ngành công lập cấp tỉnh dựa trên việc sắp xếp lại các cơ sở GDNN. Điều này có nghĩa cả nước sẽ chỉ còn 63 trường CĐ công lập tại 63 tỉnh, thành.

Trường trung cấp công lập sẽ bị xóa sổ? - ảnh 1

Học sinh một trường trung cấp ở TP.HCM trong giờ thực hành. MỸ QUYÊN

Trong khi đó, các cơ sở GDNN ngoài công lập sẽ được thu hút đầu tư để phát triển, đưa số cơ sở này chiếm 45% tổng các cơ sở GDNN vào năm 2030. Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống trung tâm GDNN công lập tại các đơn vị hành chính cấp huyện nhằm thúc đẩy dạy nghề, học nghề ở các địa phương.

Theo Tổng cục GDNN, mạng lưới cơ sở GDNN tuy đã phát triển nhưng còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị…

Bên cạnh đó, quy mô tuyển sinh của các trường không đạt mục tiêu quy hoạch do tuyển sinh khó khăn, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm hơn 80%), trong khi trình độ trung cấp, CĐ chỉ chiếm khoảng 20%. Tuyển sinh đã thấp, chất lượng, hiệu suất đào tạo cũng chưa cao, người tốt nghiệp còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Ngoài ra, mối quan hệ giữa các trường với doanh nghiệp còn lỏng lẻo…

Tại sao phân đều mỗi tỉnh chỉ còn 1 trường CĐ ?

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Không thể phân bổ theo kiểu mỗi địa phương chỉ còn duy nhất một trường CĐ công lập. Những địa phương, vùng có nền kinh tế phát triển năng động như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… đòi hỏi nguồn nhân lực lớn thì tại sao lại chỉ có một trường CĐ công lập, trong khi hiện nay có rất nhiều trường đang tuyển sinh và đào tạo rất tốt, chất lượng được xã hội công nhận. Cho dù phát triển các cơ sở GDNN ngoài công lập, liệu có thu hút được người học như những trường công lập uy tín hiện nay hay không?”.

Cả nước có 1.911 cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo số liệu của Tổng cục GDNN, đến cuối năm 2020, có tổng số 1.911 cơ sở GDNN, trong đó 410 trường CĐ, 444 trường trung cấp và 1.057 trung tâm GDNN. Từ năm 2011 – 2020, các cơ sở GDNN trên cả nước đã tuyển sinh được 20.177.637 người. Trong đó, CĐ: 1.886.331 người (chiếm 9%), trung cấp: 2.562.195 người (chiếm 13%), sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 15.729.111 người (chiếm 78%). Tỷ lệ đào tạo ở bậc CĐ và trung cấp thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.

Ngoài ra, việc xóa sổ trường trung cấp công lập, theo tiến sĩ Vinh là vô lý. “Lẽ ra trường trung cấp nào có năng lực tuyển sinh, đào tạo tốt, phát triển mạnh được thì phải giữ lại. Trong cơ cấu việc làm, nhu cầu nhân lực bậc trung cấp vẫn luôn chiếm số lượng cao nhất so với các bậc học”, ông Vinh nhận định.

Thạc sĩ Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho rằng trước khi quy hoạch, cần có sự đánh giá tổng thể, chi tiết về hoạt động GDNN và công tác phân luồng ở từng khu vực để phân bổ hợp lý. Thực tế cho thấy nhiều tỉnh chỉ có rất ít trường nhưng việc tuyển sinh cũng vô cùng khó khăn, thậm chí trường xây lên mà không có người học. Vì thế, chưa chắc chia đều mỗi tỉnh có một trường CĐ công lập là học sinh sẽ tập trung học ở đó, vì nhiều người lại có nhu cầu học tại các trường CĐ, trung cấp ở các thành phố lớn.

“Các vùng kinh tế sôi động thì phải có nhiều trường hơn các tỉnh, thành có nền kinh tế ít sôi động để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế. Bỏ trường trung cấp là đi ngược với sự phát triển đào tạo nghề trên thế giới và không phù hợp với cơ cấu nhân lực theo trình độ hiện nay. Kể cả chúng ta có phát triển trường ngoài công lập thì việc không giữ lại các trường CĐ, trung cấp công lập uy tín và đang phát triển tốt là một điều rất phi lý”, thạc sĩ Đặng Minh Sự chia sẻ.

Ý KIẾN

Không nên quy hoạch cứng nhắc

Đối với các vùng kinh tế lớn, cần có định hướng riêng mang tính đặc thù chứ không thể quy hoạch cứng nhắc và cơ học như vậy. Chỉ riêng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM đã có sinh viên đến từ 36 tỉnh, thành. Nếu mỗi tỉnh một trường CĐ, có nghĩa sinh viên tỉnh nào chỉ học tại trường CĐ của tỉnh đó chứ không được đi học ở nơi khác? TP.HCM có nhiều trường CĐ công lập mỗi năm đào tạo hàng vạn sinh viên từ khắp nơi. Tôi chưa hình dung ra việc tất cả các trường này và trường trung cấp trên địa bàn sáp nhập lại chỉ còn một trường duy nhất thì sẽ hoạt động như thế nào.

Tiến sĩ Phạm Đức Khiêm (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM)

Trường nào thu hút được người học thì để tồn tại

Có thực trạng một số trường không đủ sức và chất lượng để hoạt động một mình. Với những trường như vậy, chúng ta có thể sáp nhập hoặc giải thể. Nhưng chấm dứt hoạt động của một trường trung cấp công lập đang làm rất tốt thì có nên không? Ở tỉnh thành lớn, kinh tế phát triển mà chỉ còn lại một trường CĐ công lập duy nhất thì không thể đảm đương nổi việc đào tạo nguồn nhân lực cho mọi ngành nghề, cấp học… Giải pháp cho quy hoạch vẫn là để các trường được tự chủ, trường nào thu hút được người học nghĩa là trường đó chất lượng tốt, phải để tồn tại; trường nào không tuyển sinh được thì có phương án giải thể hoặc sáp nhập.

Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường trung cấp Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương)

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)