KS. Lê Minh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường |
Sau gần 25 năm thành lập và phát triển, được sự quan tâm – hỗ trợ các bộ ngành Trung ương và địa phương, Trường Trung cấp Nghề Thủ Đức đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tập thể CB, GV và HS Nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao bằng việc chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và thực hành, nâng cao chất lượng đào tạo nghề…
Nhân mùa tuyển sinh 2010 – 2011, báo Giáo dục TP.HCM đã có buổi trao đổi với KS. Lê Minh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường về những đổi mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội ngay tại địa phương và các tỉnh thành lân cận; ông Tuấn, cho biết: “Việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang là đòi hỏi cấp bách đối với sự phát triển của đất nước. Muốn vậy, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở trường TCN Thủ Đức nói riêng, các cơ sở đào tạo nghề trên cả nước nói chung, phải có những thay đổi mang tính đột phá, tăng tốc mạnh mẽ trong những năm sắp tới”.
* Chào thầy, thầy có thể cho biết sơ lược về quá trình hình thành phát triển của Trường Trung cấp Nghề Thủ Đức?
KS. Lê Minh Tuấn: Trường được thành lập ngày 31/10/1985, trải qua quá trình không ngừng củng cố, xây dựng và phát triển cả về CSVC lẫn đội ngũ GV, đến năm 2001 Trường được nâng cấp lên thành Trung tâm dạy nghề. Năm 2003, Trường tiếp tục được nâng cấp và đổi tên thành Trường Kỹ thuật Công nghiệp Thủ Đức và đến năm 2007, Trường chính thức trở thành Trường Trung cấp Nghề Thủ Đức.
* Hiện nay, Trường có bao nhiêu loại hình và ngành nghề đào tạo thưa thầy?
KS. Lê Minh Tuấn: Hiện trường đang đào tạo trình độ trung cấp nghề với các ngành như: Điện công nghiệp; Điện tử công nghiệp; Vận hành, sửa chữa thiết bị lạnh; KT máy lạnh và điều hoà không khí; Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính; Kế toán doanh nghiệp; Thiết kế đồ hoạ; Hàn và Cắt gọt kim loại. Thời gian đào tạo là 24 tháng (HS tốt nghiệp THPT hoặc tương đương) và 36 tháng (HS tốt nghiệp THCS và tương đương). Sau khi tốt nghiệp, HS được cấp bằng TCN theo quy định của Bộ LĐ-TB và XH, được học liên thông lên CĐ, ĐH và được giới thiệu việc làm. Ngoài ra, trường cũng thường xuyên khai giảng các lớp học nghề ngắn hạn như: sửa xe gắn máy, sửa điện thoại và cắt uốn tóc…
* Trường đã có những biện pháp gì nhằm để nâng cao chất lượng “tay nghề” học viên?
KS. Lê Minh Tuấn: Ngoài việc củng cố, đầu tư CSVC và máy móc hiện đại phục vụ nhu cầu học tập và thực hành của học viên, nhà trường cũng chú trọng nâng cao chất lượng tay nghề của đội ngũ GV. Để làm được điều này, Trường thường xuyên tổ chức cho GV tham gia các lớp bồi dưỡng do tổng cục dạy nghề tổ chức tại các đơn vị như: Trường CĐ Nghề Việt Mỹ, Trường CĐ nghề Thành phố và Cao đẳng nghề Việt Nam-Singapore.
* Tìm kiếm việc làm sau khi ra trường luôn là mục tiêu hàng đầu đối với các bạn học viên, vậy trường TCN Thủ Đức đã có chính sách gì để giúp học viên tìm kiếm một công việc ổn định?
KS. Lê Minh Tuấn: Trường thường xuyên tổ chức liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết việc làm cho học viên ngay khi đang còn học lẫn khi ra trường. Thực tế vừa qua, trường đã giải quyết việc làm cho hơn 700 học viên tại các đơn vị như: Công ty TNHH Nissei Electric VN (500 Nữ LĐPT); Công ty TNHH Minh Nghệ (50 nam và nữ LĐPT); Công ty TNHH DVBV TiTan (100 nam, nữ LĐPT); Công ty Điện lực Thủ Đức (50 NV tiếp thị)…
* Định hướng phát triển của Nhà trường trong thời gian tới là gì, thưa thầy?
KS. Lê Minh Tuấn: Hiện tại, Trường TCN Thủ Đức đang tổ chức liên thông đào tạo bậc CĐ Nghề với Trường ĐH Hòa Bình với các chuyên ngành như: Điện công nghiệp; Kế toán doanh nghiệp; Kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính. Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư nâng cấp trường hơn nữa để tiến tới xin thành lập Trường CĐ Nghề; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi của nhu cầu xã hội.
* Xin cảm ơn thầy!
Thanh Tàu (thực hiện)
Bình luận (0)