Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng: Thiếu minh bạch trong tài chính và quy trình bổ nhiệm?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo đơn phản ánh của cô Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó tổ trưởng phụ trách Tổ thanh nhạc – nhạc cụ (TN-NC) Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật (TH VHNT) Đà Nẵng, vừa qua tại trường trong quá trình thực hiện lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm Tổ trưởng Tổ thanh nhạc đã không thực hiện đúng quy định. Việc thực hiện chi tài chính khuất tất khi cá nhân giáo viên chưa ký hợp đồng và không tham gia dàn dựng chương trình nhưng vẫn được chuyển tiền thanh toán vào tài khoản…

Người được tín nhiệm không được bỏ phiếu?

Cô Huyền cho biết tại cuộc họp ngày 23-10-2015 do bà Vũ Thị Tuyết Lan – Phó Hiệu trưởng và ông Nguyễn Trọng Bảo – Trưởng phòng Hành chính tổ chức – chủ trì để lấy phiếu tín nhiệm chức danh Tổ trưởng Tổ TN-NC đã không thực hiện đúng quy trình. Cụ thể, Tổ TN-NC có 6 thành viên, nhưng khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm chỉ phát 5 phiếu, cô Huyền không được phát. Cô Huyền cho rằng, việc không phát phiếu cho cô là tước quyền của công dân. Mặt khác, sau khi tiến hành lấy phiếu các vị trên không thông báo kết quả kiểm phiếu theo quy định. Ngày 4-11-2015, cô Huyền đã gửi đơn khiếu nại cho Ban Giám hiệu nhà trường, thì lúc đó ông Lê Trọng Bảo mới thông báo kết quả cho cô Huyền biết.

Trường TH VHNT Đà Nẵng cũng đã tổ chức cuộc họp để giải quyết đơn khiếu nại của cô Nguyễn Thị Thu Huyền. Sau đó có thông báo số 546A đăng trên mạng nội bộ của nhà trường. Thông báo nêu rõ: “Việc lấy ý kiến thăm dò từ tổ chuyên môn mục đích để cho người được tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình đối với tập thể mình lãnh đạo để có hướng phấn đấu, rèn luyện nâng cao chất lượng hiệu quả công tác. Việc tiến hành lấy phiếu thăm dò được tổ chức nhà trường vận dụng thực hiện trước khi lấy phiếu bổ nhiệm cán bộ, là cơ sở giúp cho lãnh đạo nhà trường yên tâm khi bổ nhiệm được cán bộ quản lý có năng lực, tâm huyết, nhiệt tình với sự nghiệp nhà trường là cần thiết. Việc không phát phiếu cho người được tín nhiệm là thiếu sót của tổ chức…”. 

Tại cuộc họp của nhà trường và cô Huyền ngày 14-12-2015, cô Nguyễn Thị Hội An – Hiệu trưởng nhà trường – cho rằng trường không sai quy trình trong lấy phiếu tín nhiệm vì đó không phải là quy trình mà là sự vận dụng trong việc bổ nhiệm cán bộ. Việc không phát phiếu cho người được tín nhiệm không sai. Việc không thông báo kết quả là không sai, nhà trường linh hoạt vận dụng Nghị định 43 về quyền tự chủ để lấy tín nhiệm nhằm có cơ sở bước đầu cho việc lấy phiếu tín nhiệm chính thức tại Hội nghị cán bộ chủ chốt, sau đó tập thể lãnh đạo mới họp và ra quyết định chính thức.

Về việc có sự không thống nhất giữa nội dung kết luận tại biên bản cuộc họp ngày 16-11-2015 với nội dung kết luận của thông báo 546A là do bộ phận thư ký còn lúng túng trong ghi chép biên bản cuộc họp. Nội dung biên bản cuộc họp còn thiếu một số ý kiến kết luận của Hiệu trưởng so với thông báo kết luận. Cô An giải thích: “Mặc dù không được phát phiếu để tự đánh giá mình, nhưng tập thể lãnh đạo cũng coi đó là một phiếu thuận, cá nhân tự suy tôn mình và bước này cũng chỉ là cơ sở để lãnh đạo xem xét, chưa có kết luận về việc bổ nhiệm”.

Chưa hợp đồng vẫn được nhận tiền

Một vấn đề khác, cô Nguyễn Thị Thu Huyền phản ảnh về thanh toán và làm hợp đồng khống khoản tiền dàn dựng chương trình biểu diễn nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành văn hóa. Cụ thể, ngày 23-10-2015, tài khoản của cô Huyền được chuyển vào 14 triệu đồng từ Kho bạc Hải Châu. Do không rõ tiền từ đâu, cô Huyền đã đăng sự băn khoăn này lên facebook thì được kế toán nhà trường báo đó là tiền của nhà trường chuyển cho cô Huyền, đồng thời cô Huyền phải rút ra để nộp lại cho nhà trường! Cô Thu Huyền sau đó đã rút số tiền này về, nộp lại cho nhà trường và được nhà trường đưa một tờ giấy ký nhận số tiền 700.000 đồng với lời giải thích đây là số tiền thanh toán tiền dàn dựng chương trình biểu diễn nhân dịp 70 năm thành lập ngành văn hóa. Sau đó kế toán đề nghị cô Huyền ký hợp đồng dàn dựng với mức thanh toán số tiền 14 triệu mà trước đó nhà trường đã chuyển vào tài khoản cá nhân của cô. Cô Huyền không đồng ý ký hợp đồng vì trên thực tế, cô không tham gia dàn dựng chương trình. Sau khoảng một tuần nữa thì cô Oanh (kế toán) gọi cô Huyền vào phòng và nói rằng, “cô đã hủy hợp đồng của cháu rồi, cháu phải trả lại 700.000 cho nhà trường”.

Danh sách nhận tiền chương trình dù giáo viên chưa ký hợp đồng dàn dựng

Vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hội An cho biết đó là do có sự nhầm lẫn giữa cô hiền và cô Huyền, “nhà trường đã thu hồi khoản tiền này từ cô Huyền và chuyển trả lại cho kho bạc rồi”. Hỏi tại sao cô Huyền chưa ký hợp đồng mà kho bạc đã chuyển tiền? Cô An cho biết là hợp đồng thì có sự linh động, có thể ký trước hoặc sau khi chương trình diễn ra. “Bộ phận kế toán phải hoàn chỉnh các thủ tục hợp đồng chính xác, không sai một dấu phẩy thì bên kho bạc mới đồng ý chuyển tiền được”, cô An nói. Riêng về danh sách 10 cá nhân nhận tiền dàn dựng, sự chênh lệch lớn giữa tiền “dàn dựng” và “thực nhận”, kế toán trưởng của nhà trường cho rằng cột “thực nhận” thực ra là khoản tiền nhận thêm, và “chúng tôi ghi theo cách hiểu của chúng tôi”.

Vĩnh Yên – Ngọc Hà

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)