Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường tư chuẩn bị thi tốt nghiệp: Luyện cả cách ứng xử

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT với các trường tư như một cơ hội khẳng định chất lượng nên việc chuẩn bị được tiến hành kỹ càng, thậm chí cả cách ứng xử trong phòng thi. 

Học sinh lớp 12A2 trường THPT Đinh Tiên Hoàng trước bảng thời gian đếm ngược. Ảnh: Quý Hiên
Tiết 0 và tiết 6
So với đa số trường tư thục, trường THPT tư thục Nguyễn Siêu có điểm tuyển sinh đầu vào khoá 2006 – 2009 khá ổn (khoảng 43 điểm).
Tuy nhiên, hai năm trước, trường vẫn có học sinh trượt tốt nghiệp THPT lần một nên năm nay, với việc Bộ GD&ĐT không tổ chức thi lần hai, chuẩn bị tốt cho học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp là một yêu cầu sống còn với việc duy trì thương hiệu của trường. Từ đầu năm học, trường tổ chức cho học sinh khối 12 học chín buổi/tuần thay vì sáu buổi/tuần như các trường công lập.
Cũng ngay từ đầu năm, trường tổ chức tiết 0 và tiết 6 với khối 12. Tiết 0 là 15 phút trước khi bước vào giờ học chính thức, giáo viên chủ nhiệm điều hành việc tổ chức truy bài của học sinh trong lớp.
Tiết 6 là giáo viên bộ môn ở lại sau khi kết thúc buổi học để giúp những học sinh hôm đó bị điểm kém hoặc không trả lời được khi được các bạn truy bài ở tiết 0. Tiết 6 diễn ra sau 11 giờ 45 phút. Do đó, việc giáo viên phải ở lại với học sinh đến 13:30 là chuyện thường.
Trên địa bàn Hà Nội, hầu như trường tư thục nào cũng tổ chức những hình thức giúp học sinh ôn bài giống tiết 0, tiết 6 như ở trường Nguyễn Siêu. Tiết 0 ở trường Hoàng Diệu – Victoria từ kéo dài từ 7 giờ đến 7 giờ 30 sáng. Trường này thậm chí còn tổ chức thi vấn đáp vào các ngày Chủ nhật kể từ sau khi biết các môn thi tốt nghiệp.
Ngoài ra, các trường còn tổ chức tăng cường ôn tập cho học sinh theo hai hình thức gồm tổ chức lớp riêng cho học sinh có nguy cơ trượt cao ở một môn học nào đó và chia một lớp học thành hai theo học lực của học sinh để rèn luyện kiến thức, kỹ năng…
“Điểm đầu vào quá thấp (đại đa số học sinh chỉ đạt từ 20/66 đến 30/66 điểm) nên, khi các em vào trường, chúng tôi gần như dạy cho các em từ đầu. Đạt được kết quả đỗ tốt nghiệp hơn 96 phần trăm như năm ngoái cũng là điều tuyệt vời mà học sinh và giáo viên trường tôi tạo nên” – Cô Hải Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 H2 trường THPT tư thục Đinh Tiên Hoàng nói.
Cuộc họp cuối cùng
Tại cuộc họp giữa ban giám hiệu nhà trường với chi hội trưởng phụ huynh học sinh khối 12 khoá I (2006 – 2009) cuối cùng của trường phổ thông đa cấp Hoàng Diệu – Victoria (Hà Nội) tổ chức chiều tối 14/5, mỗi đại diện phụ huynh đều được trao tay bức thư của ban giám hiệu.
Nội dung bức thư trích ba điều khoản của quy chế thi tốt nghiệp THPT: Các vật dụng được mang, không được mang vào phòng thi; Trách nhiệm của thí sinh; Phúc khảo bài thi. Gửi thư chưa đủ, cô Lê An, phụ trách đức dục của nhà trường còn giải thích, tư vấn cho các phụ huynh tỉ mỉ từng hành vi, thái độ, ứng xử mà học sinh nên có trong những ngày đi thi.
“Các thầy cô nhắc nhở như vậy là rất chí tình bởi hoàn cảnh gia đình các học sinh trong trường rất đa dạng, phức tạp. Phần lớn các cháu có điểm chuẩn đầu vào thấp và điều này có ảnh hưởng từ sự thiếu quan tâm của gia đình tới việc học tập của các cháu từ khi còn nhỏ. Chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, nhiều nơi chỉ chú ý ôn luyện kiến thức cho học sinh, tôi cho rằng như thế là chưa đủ.  
"Ngoài kiến thức, các con cần được trang bị các kỹ năng sống như thái độ, hành vi, ứng xử phù hợp trong trường thi. Có như vậy mới không phạm phải những sai lầm không đáng có" – Cô An, phụ trách đức dục trường phổ thông đa cấp Hoàng Diệu – Victoria
Quý Hiên (TPO)

Bình luận (0)