Dịch Covid-19 kéo dài trong nhiều tháng liền đã khiến số lượng học sinh các trường tư ở TP.HCM sụt giảm mạnh.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2021 – 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường tư thục gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, nhất là nguồn tuyển sinh ở các tỉnh, thành lân cận, dẫn đến số học sinh (HS) phổ thông các trường tư thục giảm hơn 14.000 HS.
Cụ thể, năm nay hệ thống giáo dục ngoài công lập (từ mầm non đến THPT) có 1.039 trường với hơn 266.000 HS. Trong đó, chủ yếu là bậc mầm non với 920 trường, THPT là 90 trường, THCS 7 trường, tiểu học 22 trường. Đặc biệt, tỷ lệ HS bậc tiểu học giảm mạnh nhất với gần 7.000 HS so với năm trước; bậc THPT giảm 4.281, bậc THCS giảm 2.840…
Học sinh một trường ngoài công lập trong giờ học trước đây. Năm nay dịch Covid-19 tác động rất lớn đến việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập tại TP.HCM. ĐÀO NGỌC THẠCH
Tài chính của phụ huynh ảnh hưởng việc chọn trường
Lý giải về tình trạng HS của các trường tư thục giảm mạnh trong năm học này, ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng hệ thống Trường liên cấp (tiểu học, THCS-THPT) Sao Việt (Q.7), cho rằng dịch Covid-19 đã khiến cho nguồn tài chính của nhiều người, trong đó có phụ huynh bị sụt giảm mạnh. Điều này dẫn đến sự dịch chuyển trong việc lựa chọn trường cho con của phụ huynh, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận, vì đây là những địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch trong nhiều tháng qua.
“Tôi nghĩ tài chính là vấn đề lớn nhất trong việc dịch chuyển, lựa chọn trường của phụ huynh, HS”, ông Lộc thẳng thắn chia sẻ.
Theo ông Lộc, năm trước trường có thể tuyển được khoảng 16 – 17 lớp 6 thì năm nay chỉ có khoảng 5 – 6 lớp 6; còn lớp 1 cũng chỉ đạt được khoảng 50% so với trước đây… Đây là tình hình chung của hầu hết các trường.
Việc sụt giảm của từng trường nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mức phí của từng khu vực. Ví dụ, trường nào nằm ở những khu dân cư mức sống cao, phụ huynh có thu nhập ổn định thì sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, số lượng HS chỉ giảm khoảng 20 – 30%. Ngược lại, với những trường nằm ở các khu vực mà phụ huynh chịu tác động nhiều bởi dịch thì tỷ lệ sụt giảm sẽ cao hơn.
Đặc biệt, những trường nội trú có số lượng HS ngoại tỉnh nhiều thì sẽ bị sụt giảm mạnh trong thời gian này. “Đứng trước khó khăn, phụ huynh phải tính toán đến việc “liệu cơm gắp mắm” đối với việc học tập của con mình, khi năm nay có những biến động lớn mà ít ai lường trước được”, ông Lộc phân tích.
Ông Lộc cũng cho rằng tác động của Covid-19 lên lĩnh vực giáo dục nói chung và các trường ngoài công lập nói riêng có thể kéo dài trong nhiều năm, tùy thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế và nguồn thu nhập của phụ huynh.
Câu chuyện từ một phụ huynh càng cho thấy thực tế này. Chị Hoàng Thu Ngà, có con học tại Trường Vinschool, chia sẻ: “TP.HCM đóng cửa gần 5 tháng, nhưng với phụ huynh, thu nhập không chỉ giảm sút trong 5 tháng này mà qua đại dịch chúng tôi sẽ phải tính toán, nhìn nhận lại và đặt ra kế hoạch chi tiêu khác đi so với trước đây”.
Con đầu chị Thu Ngà hiện theo học chương trình VN bậc THCS tại trường này với mức phí khoảng 90 triệu đồng/năm. Nhưng với con thứ 2, năm nay khi con vào lớp 1, gia đình chị đã có những thay đổi vào “phút cuối” cho con học ở một trường công lập gần nhà sau khi cân nhắc giữa các khoản chi phí và chất lượng học tập.
Các trường gặp khó khi tuyển sinh ngoại tỉnh
Phải học cách thích nghi “Ai cũng đều gặp khó khăn hết, nhưng chúng ta phải học cách thích nghi với hoàn cảnh thôi”, đại diện Ban giám hiệu Trường Ngô Thời Nhiệm chia sẻ và cho rằng nếu thời gian tới, khi HS cũng được tiêm đầy đủ vắc xin và TP.HCM kiểm soát tốt, trở lại cuộc sống bình thường như trước đây thì tình hình tuyển sinh cũng như hoạt động của các trường ngoài công lập sẽ khả quan hơn. Trong khi đó, để đảm bảo chất lượng và giữ được HS ở lại, nhiều trường đã thực hiện rất nhiều chính sách hỗ trợ như giảm học phí, có chính sách riêng hỗ trợ cho từng hoàn cảnh cụ thể… |
Ngoài vấn đề tài chính, nhiều nhà quản lý của các trường tư thục cũng nhận định việc thành phố trở thành tâm dịch và thực hiện giãn cách kéo dài nhiều tháng ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tuyển sinh của các trường ngoài công lập, đặc biệt là với những trường nội trú, HS ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ lớn.
Ông Võ Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Viễn Đông (Q.12), cũng cho rằng dịch bệnh khiến cho tình hình tuyển sinh và hoạt động của các trường tư thục gặp nhiều khó khăn.
“Dưới tác động của đại dịch, sẽ có sự dịch chuyển từ trường này qua trường khác, hoặc từ trường công sang trường tư. Ngoài ra, số lượng HS ngoại tỉnh từ các tỉnh thành lân cận đổ về TP.HCM cũng sẽ giảm đi so với trước đây, nhất là khi chúng ta không biết dịch bệnh sẽ kéo dài tới bao lâu”, ông Vân nói.
Còn theo đại diện Ban giám hiệu hệ thống Trường liên cấp Ngô Thời Nhiệm, năm nay việc tuyển sinh của tất cả các trường, đặc biệt các trường ngoài công lập đều khó khăn hơn so với trước đây.
Việc tuyển sinh diễn ra khoảng vào tháng 6, 7, nhưng năm nay đây là hai tháng TP.HCM bắt đầu bùng dịch và liên tục thực hiện giãn cách nên các trường đều phải tuyển sinh trực tuyến. TP.HCM lại là tâm dịch của cả nước, giao thông đi lại khó khăn nên phụ huynh rất ngại khi đăng ký trường học cho con em mình ở TP.HCM vào thời điểm đó.
“Thường khi cho con em học ở đâu họ cũng phải được đến tham quan trường, xem cơ sở vật chất, chỗ ăn ở của con. An tâm thì họ mới cho con học. Nhưng năm nay mọi thứ đều phải làm qua trực tuyến nên khó khăn hơn”, vị này chia sẻ. Trong khi đó, cơ sở Ngô Thời Nhiệm ở Bình Dương lại tuyển sinh vượt chỉ tiêu, thường những năm trước chỉ có 18 lớp 10, nhưng năm nay có 20 lớp 10.
Theo Nguyễn Loan/TNO
Bình luận (0)