Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường tự quyết việc hoàn trả lệ phí cho thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Việc Bộ GD-ĐT thực hiện công khai thông tin xét tuyển NV2, 3 tại mùa tuyển sinh năm nay là xuất phát từ kiến nghị của các trường, với mục đích tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh đồng thời giúp các trường ĐH-CĐ đảm bảo đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, đi vào thực tế thực hiện việc công khai này, các trường tỏ ra rất lúng túng…
“Linh động” công khai thông tin xét tuyển
ĐH Huế đã thực hiện công khai thông tinxét tuyển NV2, 3 từ mùa tuyển sinh năm ngoái mặc dù thời điểm đó chưa có hướng dẫn của bộ. Đại diện đơn vị này nhận định, phương thức này đem đến những thuận lợi nhất định trong công tác tuyển sinh của trường tuy nhiên với lượng hồ sơ nhận vào rất đông, trường chỉ có thể cập nhật thông tin 2 ngày/ lần. Yêu cầu của bộ rằng các trường phải cập nhật thông tin hằng ngày sẽ gây một áp lực lớn với đơn vị thực hiện. Tại Hội nghị tập huấn máy tính tuyển sinh năm 2011 mới đây, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Cần Thơ Nguyễn Vĩnh An cũng cho rằng, việc công khai thông tin xét tuyển giúp thí sinh nắm bắt được nhiều thông tin, tăng cơ hội lựa chọn. Với các trường, thực hiện quy định cũ khiến các đơn vị khá bị động do nhiều ngành đến giờ chót mới biết tuyển không đủ thí sinh. Quy định mới này sẽ giúp các trường chủ động hơn, nhất là với những ngành có nguy cơ thiếu chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo ông An, bộ nên xác định rõ là công khai danh sách, điểm… của thí sinh hay số lượng hồ sơ nhận được của từng ngành để các em nắm. Thực tế những năm qua, nhiều thí sinh không tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh NV2, 3 của các trường dẫn đến tình trạng không đủ điểm chuẩn vẫn cứ chen chân nộp vào. Cũng tại hội nghị, Phó vụ trưởng Vụ GDĐH – Bộ GD-ĐT Ngô Kim Khôi khẳng định, những trường có đông lượng hồ sơ đăng ký (nhất là trong những ngày cuối đợt xét tuyển) mà không kịp cập nhật trong ngày có thể linh động bằng cách giãn thời gian ra. Nếu quy định rõ thực hiện cập nhật thông tin 2 ngày/ lần, ngược lại sẽ gây khó cho các trường có lượng hồ sơ ít, mỗi ngày chỉ rải rác vài em đăng ký.
Hầu hết các trường đều kiến nghị bộ chỉ cho phép thí sinh được chuyển đổi NV từ trường này sang trường khác. Quy chế mới cho phép thí sinh được rút hồ sơ đã nộp vào một ngành học của một trường để chuyển sang ngành khác. Tuy nhiên, nhiều ĐH cho rằng, việc thí sinh rút hồ sơ khỏi ngành học này để chuyển sang ngành học khác hoặc sau đó chuyển sang ngành học khác nữa của cùng một trường sẽ gây xáo trộn lớn cho chính các đơn vị đào tạo. Hơn nữa, các trường lo lắng việc thí sinh chuyển đổi NV quá nhiều lần gây nên tình trạng tẩy xóa nhiều khiến các trường khó nhận diện thậm chí có thể nhầm lẫn ngành mà các em đăng ký. Theo đó, lệ phí thí sinh đã nộp rồi có được hoàn trả lại cùng hồ sơ khi rút ra không cũng là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm. Phó vụ trưởng Khôi khẳng định: “Khi thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, 3 vào trường, các trường phải cập nhật tất cả thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh trên website của trường và công bố công khai cho thí sinh biết. Trong thời hạn quy định (không quá 20 ngày mỗi đợt), thí sinh được quyền nộp hoặc rút hồ sơ. Vấn đề lệ phí, bộ giao cho các trường, căn cứ vào từng điều kiện cụ thể để quyết định việc trả lại hay là không”.
Công khai số tài khoản
Theo Bộ GD-ĐT, trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ” năm nay sẽ công khai số tài khoản của một số trường để các đơn vị thuận tiện trong việc chuyển giao lệ phí. Thời gian qua, việc giao nộp tiền mặt, thông qua bưu điện có gây một số khó khăn nhất định cho đơn vị chuyển, có nơi đã phải chuyển đi chuyển lại đến 2-3 lần mới thành công.
Hiện nay, dù có quy định của bộ nhưng thực chất, một số trường vẫn chưa thống nhất trong việc in giấy báo điểm. Có đơn vị in màu rất đẹp. Tuy nhiên cũng có đơn vị in khổ giấy quá nhỏ, chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 khổ A4 như ĐH Quốc gia, ĐH Thái Nguyên… khiến người nhận dễ làm rơi rớt. Bộ cũng đề nghị các trường năm nay thực hiện nghiêm túc vấn đề này.
M.T

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)