Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trường tư thục miễn phí trong sân chùa

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là ngôi trường tư thục độc đáo khi toàn bộ học sinh đều ở “ký túc xá” của trường, được nuôi ăn, học hoàn toàn miễn phí. Tiêu chí tuyển sinh vào trường là… ưu tiên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khắp từ Bắc chí Nam.
Trường tư thục miễn phí trong sân chùa
Mỗi học sinh lớn kèm cặp, chăm sóc một học sinh nhỏ từ ăn uống đến học hành – Ảnh: SƠN LÂM

Đó là Trường phổ thông tư thục tiểu học, THCS và THPT Bồ Đề Phương Duy trên đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Tháng 5-2012, UBND tỉnh Long An ra quyết định cho phép thành lập ngôi trường trên. Ngôi trường ba tầng này nằm trong sân chùa Long Thạnh gồm 12 lớp, chia đều cho 12 khối.

Tốt nghiệp phổ thông 100% 3 năm liền

Cả ngôi trường ba tầng khuất sau một khoảng vườn bên hông chùa. Thấy người lạ vừa đi vào sân chùa, một tốp học sinh mặc đồng phục sơmi trắng, quần xanh đã vòng tay luôn miệng “chào chú”. Đặc biệt, các tiếng chào đủ giọng địa phương từ miền Bắc, Trung, Nam và cả Tây nguyên.

Như hiểu điều ngạc nhiên của khách, thầy hiệu trưởng Võ Văn Cường cười xòa: “Đây là ngôi trường đa sắc tộc mà. Kinh, Khmer, Mông, Tày, Nùng… có hết”.

Lúc này chúng tôi mới nhìn rõ hơn khuôn viên của trường. Trường có đủ cả thư viện, phòng tin học, phòng thực hành vật lý, phòng thực hành hóa sinh, y tế… đến cả sân bóng đá mini được lót cỏ nhân tạo.

Thầy Cường chính là người đã cùng thượng tọa Thích Quảng Tâm, trụ trì chùa Long Thạnh, lập nên ngôi trường tư thục này. Đến năm 2000, cùng với một mạnh thường quân tên là Kim Chi, thượng tọa Thích Quảng Tâm xây dựng khu nội trú cho các em cơ nhỡ, vận động mạnh thường quân gửi các em được học tập trong những trường lân cận.

“Cô Kim Chi bị bệnh mất, chúng tôi đã lập ra Mái ấm tình thương Kim Chi để tiếp tục nuôi nấng các em” – thượng tọa Thích Quảng Tâm kể.

Ban đầu chỉ một mình sư thầy lo toan mọi thứ, gửi gắm học sinh đi học khắp nơi. Thầy Cường lúc bấy giờ đang là hiệu trưởng Trường THPT Thủ Khoa Thừa (huyện Thủ Thừa) cũng hay tới lui giúp đỡ mái ấm.

Năm 2011, thượng tọa Thích Quảng Tâm quyên góp được số tiền cúng chùa hơn 5 tỉ đồng, đúng lúc thầy Cường về hưu, hai người liền bàn nhau xin phép tỉnh Long An xây dựng một ngôi trường tư thục để hơn 90 em trong mái ấm lúc bấy giờ khỏi phải đi học xa, không có người chăm sóc.

2012-2013 là niên khóa đầu tiên Trường Bồ Đề Phương Duy đánh trống khai giảng với 11 lớp học, chia đều từ khối 1 lên đến 11. Lớp 11 năm học đó có 12 em.

Tấm bảng theo dõi sĩ số năm học treo trong văn phòng của trường còn ghi rõ: 12 học sinh lớp 11 khóa học đầu tiên đều tốt nghiệp phổ thông vào năm sau. Năm học 2014-2015 tiếp tục có 19 học sinh lớp 12 tốt nghiệp. Lớp 12 năm học 2015-2016 vừa qua có 16 em cũng tốt nghiệp trong kỳ thi THPT quốc gia. Trường đạt tỉ lệ 100% học sinh tốt nghiệp phổ thông trong ba năm liền.

“Sở GD-ĐT cũng chẳng đưa thành tích gì buộc chúng tôi phải đạt. Nhưng chúng tôi phải tự có chỉ tiêu của mình” – thầy Cường cười.

Số học sinh ngày càng tăng, tiếng lành đồn xa nhưng thượng tọa Thích Quảng Tâm phải từ chối rất nhiều phụ huynh đến gửi con. “Chúng tôi phải lượng sức, trong khả năng huy động được nguồn lực để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các em” – thượng tọa cho hay.

Tiêu chí tuyển sinh của thượng tọa và thầy Cường chỉ có một: phải đầy đủ giấy tờ xác nhận của địa phương và ưu tiên hoàn cảnh mồ côi.

“Cả những em bị bỏ lại trước chùa từ lúc vài ngày tuổi. Đến tuổi đi học tôi cũng phải chật vật đi làm giấy khai sinh xong xuôi mới cho đi học” – thượng tọa cho biết.

Đó là những trường hợp mà thượng tọa cũng được xem như phụ huynh khi phải tận tay chăm sữa từ bé, rồi lặn lội ngược ra cả Lạng Sơn, Lào Cai xác minh thân nhân. Hơn một nửa số học sinh tại Trường Bồ Đề Phương Duy có hoàn cảnh mồ côi.

Đại gia đình yêu thương

12 khối học, nhà trường có 47 giáo viên đủ hết các bộ môn, đoàn thể. Hơn 30 giáo viên thường trực dạy ở trường hiện nay cũng như thầy Cường đều đã về hưu. Số còn lại linh động dạy theo tiết, được mời từ các trường lân cận trên địa bàn. Một mạnh thường quân tài trợ hẳn 50 triệu đồng/tháng để trả lương cho giáo viên.

Số tiền ít ỏi chỉ đủ xăng xe, nhưng hầu hết thầy cô mỗi tháng nhận lương cho đúng thủ tục xong đều quay lại… sung vào quỹ của nhà trường một cách tự nguyện.

Việc vận hành một ngôi trường nuôi hơn 200 miệng ăn đang tuổi lớn không phải dễ. Thực phẩm được huy động khắp nơi từ những mạnh thường quân, tiểu thương tại chợ Thủ Thừa gần đó. Quỹ tiền chủ yếu được dùng lo trang phục, vật chất thiết yếu và dụng cụ học tập cho các em.

Khu ở của học sinh là một dãy phòng tập thể thoáng đãng, đầy đủ giường tầng sạch đẹp. Chứng kiến một buổi ăn của học sinh trong căn phòng ăn rộng rãi như hội trường, mới hiểu vì sao thầy cô ở đây nói các em là một đại gia đình.

Ngoài 200 học sinh đang theo học 12 lớp ở trường còn có các học sinh “dự bị” cùng sinh sống, đang được gửi ở các trường mầm non lân cận. Tất cả các em học sinh lớp 1 trở xuống đều được một anh, chị lớp lớn cầm tô đút mỗi buổi ăn. Đó là một trong những quy định “kèm cặp” của nhà trường: mỗi học sinh từ lớp 9 trở lên phải nhận một học sinh lớp nhỏ làm em.

Ngoài chuyện đút ăn, các anh chị lớn phải có trách nhiệm lo cho người em của mình đầy đủ mọi khâu từ tắm, giặt đến ngủ, nghỉ, học hành. Những lúc em bệnh tật, các anh chị lớn cũng phải chăm nom.

Còn với các anh chị lớp lớn, ngoài giờ học chính thức trên lớp đều được các giáo viên khảo bài, kèm cặp riêng ngoài giờ. Tình thương nối tiếp tình thương, những học sinh tề tựu về đây đều có cha, mẹ chính là những thầy cô dạy mình từng con chữ từ khi tập viết đến lúc tốt nghiệp. Có anh, chị, em là những người gắn bó với mình từ miếng ăn, giấc ngủ…

Lo đến nơi đến chốn

“Lo cho các em đến nơi đến chốn” là châm ngôn của thượng tọa Thích Quảng Tâm đối với từng học sinh của mình. Hiện tại nhà trường vẫn đang tiếp tục tài trợ cho hơn 20 em tốt nghiệp phổ thông các khóa vừa qua đang theo học đại học, cao đẳng ở TP.HCM.

Chỉ đến khi các em có được việc làm, đủ nghề lập nghiệp thì nhà trường mới thôi tài trợ.

Nhiều học sinh trưởng thành từ mái ấm nhà trường, khi ổn định cuộc sống đều quay lại giúp đỡ các thế hệ đi sau. Trong đó có hai giáo viên đã tốt nghiệp đại học sư phạm hiện đang dạy học tại trường.

 

SƠN LÂM (TTO)

Bình luận (0)