Tòa soạnThư đi – tin lại

Trường xuống cấp xã còn đòi lấy đất

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhà vệ sinh Trường THCS Phước Hiệp xuống cấp trầm trọng
Không thể hình dung và tin được tại TP.HCM lại có một ngôi trường xuống cấp thê thảm, phòng cũ nát, sân trường nền đất luôn trong tình trạng nắng bụi mưa lầy đến thế…  Đó là Trường THCS Phước Hiệp, huyện Củ Chi, tọa lạc tại ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp.
Khó khăn trăm bề
Đến với Trường THCS Phước Hiệp chúng tôi nghe rất nhiều biệt danh “trường chuồng bò”, “trường giàu nhất huyện”, “trường sợ không dám học”, “trường không không có…”… Muốn vào bên trong trường, chúng tôi phải khó khăn lắm mới lách qua được dòng người mua bán ở một cái chợ chồm hổm trước cổng trường. Qua khỏi cánh cổng sắt hoen rỉ, trước mắt chúng tôi là 3 dãy nhà nát trên tổng diện tích khoảng 4.000m2, mùa khô nóng đến chảy mỡ, mùa mưa dột tứ bề, ẩm mốc.
Thầy Nguyễn Văn Đức – Phó hiệu trưởng và cô Lê Thị Thủy – Hiệu trưởng tiếp chúng tôi trong căn phòng chưa đầy 12m2. Căn phòng của Ban giám hiệu nhà trường nhìn thật “thảm”, trống huơ trống hoác, tủ đựng hồ sơ mối mọt gặm nhấm đặt giữa phòng, tiếp đó là bàn tiếp khách chân bàn đã như “ông lão 70” rồi đến bàn làm việc của Hiệu trưởng là cái máy vi tính từ thập niên 90 của thế kỷ trước giờ cho cũng không ai nhận. Như cảm nhận được điều gì, cô Thủy cười giãi bày: “Phòng mình được như thế này là tốt nhất trường rồi đó, vì phòng của thầy Đức còn chẳng có gì ngoài bộ bàn và ghép chung cùng phòng kế toán của trường. Không sao, tôi và thầy Đức cũng như các thầy cô khác trong trường khắc phục những khó khăn này được hết. Tội nhất là HS, toàn trường có trên 500 em và 40 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, đáng ra phải có được 13 phòng học mới đảm bảo việc dạy nhưng hiện tại chỉ có 9 phòng học. Trường không có phòng bộ môn và các phòng chức năng, chỉ duy nhất có một phòng thí nghiệm nhưng gộp chung cho ba môn (lý – hóa – sinh). Điều đáng buồn nữa là do HS ít (một số HS xin học tại xã khác) nên mỗi môn học chỉ có một giáo viên (sử, GDCD), vì vậy, việc trao đổi về chuyên môn gặp nhiều khó khăn; giáo viên chủ yếu tự học, tự bồi dưỡng, tự tham khảo tài liệu qua báo, tạp chí…”.
Thầy Đức nói: Lãnh đạo huyện và Phòng GD-ĐT rất quan tâm tới trường, hỗ trợ rất nhiều nhưng do trường đã cũ nát nên phụ huynh HS e ngại, một vài giáo viên về nhận nhiệm sở được thời gian ngắn là xin chuyển về trường khác. Nhưng trái lại với sự nghèo nàn về cơ sở vật chất là trường có biệt danh “trường giàu nhất huyện”. Vì trong công tác “trồng người”, Trường Phước Hiệp gặt hái được rất nhiều thành công như năm học 2012-2013, trường có 13 HS đạt danh hiệu HS giỏi bộ môn cấp huyện, 1 HS đạt giải nhì môn hóa cấp TP. Đặc biệt, nhiều năm qua Phước Hiệp được công nhận TDTT tiên tiến cấp TP, đội tuyển bóng đá nữ, vận động viên điền kinh… của trường được đại diện huyện đi thi đấu cấp TP.
Dạo quanh toàn bộ khuôn viên trường, từ phòng học tới phòng thí nghiệm bàn ghế cũ, mốc, rêu xanh loang lổ từ trần lớp học xuống nền. Nhưng “ấn tượng” nhất là khu vệ sinh dành cho HS, gọi là khu cho “oách”, chứ thực ra cũng chỉ là một nhà nát rộng khoảng 20m2 được ngăn đôi dành cho 505 HS nam và nữ. Chúng tôi không biết phải dùng từ gì để diễn tả cảm giác của mình, chỉ thấy vừa bước vào cửa là muốn nôn ói vì mùi hôi bốc nên nồng nặc. Bể nước dành cho HS nam và nữ rêu bám xanh, tanh hôi, cửa phòng vệ sinh cái gãy cái mất. Bồn vệ sinh hoen gãy, ố vàng… và không có giấy vệ sinh hay dung dịch tẩy uế. Choáng váng, chúng tôi bước vội ra ngoài tìm chỗ thoáng để thở!
Quyết định “quan liêu”

Trường THCS Phước Hiệp (Củ Chi, TP.HCM) trước nguy cơ mất đất!
Thầy Đức cho biết: “Trường Phước Hiệp đã có kế hoạch xây mới từ lâu nhưng không hiểu sao đến giờ này “ngôi trường mơ ước” vẫn không thành hiện thực. CSVC, trường lớp xuống cấp thê thảm, sân chơi cho HS là sân đất, mưa thì ngập bùn, nắng thì bụi mù vậy mà vừa qua trường chúng tôi liên tục bị sức ép phải nhường lại 300m2 đất cho xã xây văn phòng ấp văn hóa. Đây là chủ trương đúng của huyện, của xã, nhà trường sẵn sàng ủng hộ, kể cả xã có lấy hết toàn bộ khuôn viên trường. Tuy nhiên, trường mới chưa xây mà đã lấy đất của trường, công tác dạy – học của trường sẽ ra sao?”. Cô Thủy cũng trăn trở: “Trường ủng hộ mọi chủ trương, chính sách của huyện, xã nhưng không thể nay gọi điện, mai bất ngờ xuống trường đòi đất mà không cho chúng tôi chuẩn bị gì. Đã vậy, xã còn khẳng định: Ngày 25-11 trường phải giao đất cho xã để khởi công xây văn phòng văn hóa ấp. Chúng tôi kiến nghị bằng văn bản tới huyện thì ngày 26-11, trường tiếp tục nhận được “thông báo” của xã với nội dung: Để đảm bảo tiến độ thực hiện các công trình trong Đề án xây dựng xã nông thôn mới, xác định xây dựng văn phòng ấp tại khuôn viên (đất trống) của trường. Đất nằm trong khuôn viên trường, sao lại là đất trống?”. Đưa những bức xúc này trao đổi với lãnh đạo xã Phước Hiệp, chúng tôi được ông Đỗ Minh Tấn – Phó chủ tịch UBND xã lý giải: “Xã Phước Hiệp được TP phê chuẩn dự án xây dựng xã nông thôn mới tháng 10-2013, trong đó có việc xây dựng 4 văn phòng ấp văn hóa (1 trong 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới) và 1 trong số này nằm trong khuôn viên Trường THCS Phước Hiệp”. Ông Huỳnh Văn Thông – Chủ tịch xã khẳng định: “Việc lấy đất của Trường THCS Phước Hiệp xây văn phòng văn hóa ấp, xã làm theo đúng chủ trương, lộ trình đã được TP phê duyệt. Đây là đất trống, xã đã bàn với trường, trường không phản đối, nếu đồng ý để xã lấy diện tích đất trên, xã sẽ cho chở 10 xe cát đến san lấp mặt bằng còn trống phía trong của trường để làm sân chơi và tập luyện TDTT cho HS”.
Bất ngờ trước quyết định của UBND xã Phước Hiệp, ông Lê Hùng Sen – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi bức xúc: “Xây dựng xã nông thôn mới là chủ trương của Nhà nước và TP, phòng rất ủng hộ nhưng khi trường mới chưa được xây, CSVC trường cũ xuống cấp trầm trọng, xã “quan liêu” gửi cho Phòng GD-ĐT một “thông báo” đòi lấy đất của trường, như vậy sao được”. Nói về sự chậm trễ trong kế hoạch xây trường, ông Lê Văn Thật – Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Củ Chi giãi bày: “Trường THCS Phước Hiệp đã có kế hoạch xây dựng từ lâu, đã được phê duyệt và ghi vốn, theo đó trường sẽ được xây dựng trên diện tích đất 10.465m2, qui mô 1 trệt 2 lầu với 36 phòng học và phòng chức năng, tổng vốn đầu tư trên 71 tỷ đồng. Nhưng do thu hồi giải phóng mặt bằng đang gặp khó khăn nên không thể khởi công được trong năm 2013, dự kiến hoàn thành cuối năm 2014”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
 
Ngừng ngay việc đòi đất
Bà Cao Thị Gái – Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi đã thực sự bất ngờ trước việc làm của lãnh đạo xã Phước Hiệp, bà Gái cho biết: “Việc lấy đất trường để xây văn phòng ấp văn hóa là trái qui định và nóng vội của lãnh đạo xã Phước Hiệp. Lãnh đạo huyện không nhận được bất cứ văn bản nào của xã về việc này! Trong khi trường mới chưa xây, đáng ra xã phải chăm lo, động viên thầy cô nhiều hơn nữa, đằng này lại gọi điện, ra “thông báo” cho trường đòi đất. Đây là việc đáng tiếc, tôi sẽ chỉ đạo lãnh đạo xã phải ngưng ngay kế hoạch này khi nào xây dựng hoàn chỉnh trường mới, xã muốn xây văn phòng ấp trong khuôn viên trường cũ mới được làm”.
 
 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)