Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trượt thi tuyển sinh vào lớp 10, vẫn “ngang nhiên” vào học lớp chuyên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Năm học 2011-2012, hàng loạt HS dưới điểm chuẩn nhưng vẫn được Trường THPT chuyên Thái Bình tiếp nhận vào học lớp chuyên và không chuyên. Vụ việc được phơi bày khi phụ huynh truyền tai nhau về việc mất vài nghìn USD để chạy cho con vào trường thông qua con đường “ngoại giao”.

Bức xúc trước việc con em mình thi đạt điểm kế cận nhưng lại trượt trong khi các học sinh (HS) khác có điểm thi thấp hơn chuẩn rất nhiều lại trúng tuyển nên một số phụ huynh đã thu thập chứng cứ xuất phát từ điểm thi, danh sách trúng tuyển và danh sách HS đang theo học.
Bằng biện pháp đơn giản, các bậc phụ huynh và con em họ học ở các lớp đã thống kê được trong năm học 2011-2012 có 50 HS thi trượt trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Thái Bình (trong đó nhiều HS không đỗ cả các trường công lập khác lẽ ra phải học ở trường dân lập hoặc bán công) cũng "chạy" xin vào học tại trường.

Hàng chục HS không đủ điểm vẫn được Trường THPT chuyên Thái Bình tiếp nhận.

Nhiều HS có điểm thi môn chuyên dưới 2 nhưng hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thái Bình vẫn nhận vào học lớp không chuyên (theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT thì chỉ những HS không có môn thi nào dưới điểm 2 mới được xét vào hệ không chuyên – PV). Đặc biệt, trong kì thi này dư luận đang nghi thí sinh N.T.M- SBD 666 được Hội đồng chấm thi chỉ đạo sửa điểm để được vào lớp không chuyên sau đó chuyển sang học lớp Chuyên Tin.

Theo những chứng cứ mà chúng tôi có trong tay thì không chỉ mùa tuyển sinh năm 2011-2012 trường THPT chuyên Thái Bình vi phạm tuyển sinh mà ngay cả năm học trước cũng có đến hàng chục trường hợp không đủ điều kiện cũng được lặng lẽ đưa vào trường dưới hình thức "ngoại giao".
Cũng theo phản ánh của các bậc phụ huynh, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thái Bình còn cho HS chuyển lớp một cách tùy tiện, sai quy chế như nhiều em ở lớp không chuyên "nghiễm nhiên" vào ngồi học ở lớp chuyên.
Tiếp xúc với Dân trí ngày 24/10, phụ huynh L.T.G có con dự thi vào Trường THPT chuyên Thái Bình cho biết: “Trong cuộc họp Hội đồng nhà trường và cuộc họp phụ huynh, hiệu trưởng nhà trường chỉ thông báo năm 2011-2012, chỉ tiêu xin tuyển là 512 HS, số tuyển thực là 516 HS, chỉ vượt 4 chỉ tiêu. Còn việc 50 HS thi trượt xin vào bị phớt lờ”.
Dựa trên những chứng cứ mà phụ huynh cung cấp thì năm học 2011-2012 Trường THPT chuyên Thái Bình được phê duyệt chỉ tiêu là 512, tuy nhiên số thí sinh trúng tuyển chỉ ở con số 502. Sau đó vì nhiều lý do khác nhau (có em trúng tuyển các trường chuyên trên Hà Nội, điều kiện gia đình…) nên có 37 thuộc diện trúng tuyển nhưng không đến nhập học. Như vậy so với chỉ tiêu ban đầu, Trường THPT chuyên Thái Bình còn thiếu 47 chỉ tiêu. Đáng lẽ ra để đảm bảo đủ chỉ tiêu, trường phải gọi các HS có điểm xét tuyển (ĐXT) kế cận với điểm chuẩn nhưng lại "lặng lẽ" tiếp nhận các trường hợp có ĐXT thấp hơn rất nhiều. Với phương thức như vậy, trường đã tiếp nhận 51 trường hợp sai quy định để đưa tổng số HS lớp 10 hiện tại là 516 em. Sau đó 1 em bỏ không theo học nên con số HS thực tế hiện tại còn 515 em.
Trước việc làm khuất tất của Trường THPT chuyên Thái Bình, một bậc phụ huynh đã phải thốt lên: “Nếu trường Chuyên Thái Bình tuyển sinh thế này thì trường dân lập mất nhờ”. Thậm chí có giáo viên còn kêu ca “tuyển sinh kiểu này còn gì là trường Chuyên nữa”…
Làm sai vì “sức ép”?
Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Quang Thuấn – hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Bình. Qua trao đổi, ông Thuấn thừa nhận có tiếp nhận chỉ “khoảng” 20 HS không đủ điều kiện vào trường nhưng đều cho học ở các lớp không chuyên vì sức ép từ cấp trên. Ông Thuấn cũng cho biết, số lượng HS trúng tuyển nhưng không đến nhập học rất ít. Tuy nhiên ông lại không nói đích xác con số là bao nhiêu với lý do là “không nhớ”.
Khi chúng tôi dẫn chứng danh sách thực tế của 50 thí sinh vào trường sai quy định thì ông hiệu trưởng lại thanh minh: “Chắc chắn không nhiều đến như thế”.

Việc vi phạm nghiêm trọng quy chế thi ở Trường THPT chuyên Thái Bình khiến nhiều bậc phụ huynh bức xúc.
Theo ông Thuấn, chắc chắn những thí sinh có điểm môn chuyên thấp thì không thể vào trường THPT chuyên được. Bởi quy định để được vào lớp chuyên thì điểm tối thiểu môn chuyển phải đạt từ 6,0 trở lên. Nói là thế nhưng trong danh sách mà phụ huynh cung cấp thì có 9 trường hợp HS có điểm dưới điểm chuẩn nhưng vẫn được tiếp nhận vào lớp chuyên. Đáng chú ý 6/9 trường hợp này có điểm môn chuyên đều dưới 6 (từ 4 trở xuống). Đặc biệt có HS chỉ đạt điểm TB xét tuyển là 4,91 nhưng vẫn được tiếp nhận dù mức điểm chuẩn công bố trước đó là 7,3.
Ở lớp không chuyên thì còn "choáng ngợp" hơn khi mà hầu hết đều thấp hơn điểm chuẩn vào hệ này từ 1-2 điểm. Cá biệt có trường hợp dưới điểm chuẩn gần 3 điểm nhưng vẫn được tiếp nhận vào học.
Để khẳng định cho vấn đề này, chúng tôi đã đề nghị hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Bình kiểm tra trường hợp SBD 1735 hiện đang học lớp Anh2 và một vài HS đang theo học lớp không chuyên khác. Sau khi kiểm tra danh sách, ông Thuấn thừa nhận những thông tin mà phụ huynh phản ánh hoàn toàn khớp với dữ liệu của trường.
“Đây là trường hợp cháu của thầy D. đang dạy tại trường. Thầy có xin phép tôi nên tạm thời cho theo học lớp chuyên, còn trường hợp các lớp không chuyên đều là con cháu của lãnh đạo…” – Ông Thuấn biện bạch.
Liên quan đến việc có thông tin sửa điểm cho thí sinh, ông Thuấn nhấn mạnh: “Không thể có chuyện sửa điểm. Chỉ có những em nộp đơn xin phúc khảo sau khi chấm lại có sự thay đổi thì mới được điều chính điểm mà thôi”.
Chia sẻ về việc biết sai nhưng vẫn làm, ông Thuấn tâm sự: Nhu cầu vào học trường chuyên là rất lớn nhưng chỉ tiêu tuyển sinh thì hạn hẹp. Chính vì thế việc tiếp nhận các "suất ngoại giao" có thể làm cho các phụ huynh bức xúc. Những cũng phải thông cảm cho chúng tôi bởi sức ép ở trên quá lớn. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để năm sau tổ chức tốt hơn, công bằng hơn".
“Tất cả những trường hợp không đủ điều kiện nhưng vẫn được tiếp nhận đều báo cáo lên Sở GD-ĐT và được phê duyệt chúng tôi mới làm” – ông Thuấn chốt lại vấn đề.
Sẽ thanh tra để sớm đưa ra kết luận
Trao đổi với Dân trí chiều ngày 24/10, ông Đặng Phương Bắc – giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình cho biết, trong quá trình tuyển sinh thì trường đã thực hiện theo quy chế của trường THPT chuyên. Tuy nhiên có tình huống sau khi tuyển sinh, khi nhập học có những HS ở các huyện do điều kiện gia đình khó khăn mặc dù đã trúng tuyển nhưng lại không được đi học. Sau khi xác định được chỉ tiêu còn thiếu thì nhà trường có đưa ra các tiêu chí để đề nghị xem xét ưu tiên. Cụ thể là đối với con, cháu của thầy cô trong trường, những người đã gắn bó nhiều năm với trường chuyên…
Tuy nhiên Sở chỉ xem xét đồng ý đối với các trường hợp vào lớp không chuyên. Sở không chấp nhận bất kì đối tượng nào không đủ điều kiện được vào học lớp chuyên.
“Nếu tuyển sinh có dấu hiệu vi phạm chúng tôi sẽ yêu cầu nhà trường giải trình cụ thể. Tuy theo mức độ vi phạm Sở sẽ đưa ra hình thức xử lý nghiêm phù hợp” – ông Bắc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bắc, đối với giáo dục Thái Bình thì trong vấn đề thi cử không bao giờ có sức ép. Việc ai đó viện lý do này chỉ là ngụy biện. Liên quan đến danh sách mà các bậc phụ huynh cung cấp, ông Bắc cho biết, dựa vào danh sách này Sở sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra để sớm đưa ra kết luận cuối cùng. Sau khi có kết luận sẽ phản hồi tới báo Dân trí  để có thể công khai cho xã hội biết.
“Tôi xin khẳng định, tất cả những HS không đủ điều kiện nhưng được xếp vào học lớp chuyên sẽ được đưa về đúng vị trí. Sở cương quyết không bao che việc này” – ông Bắc khẳng định.
Ông Bắc cũng cho biết thêm, tới gian tới Sở cũng sẽ chấn chỉnh tình trạng các suất xin vào trường dưới hình thức “ngoại giao” bởi nếu không nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này sẽ dễ dẫn đến tình trạng “thương mại hóa” núp dưới danh “ngoại giao” mà điều này là vô cùng nguy hiểm đối với môi trường của trường chuyên.
 
Theo Nguyễn Hùng
(Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)