Hàng triệu thuê bao điện thoại liên tục bị làm phiền bởi các cuộc điện thoại, tin nhắn mời sử dụng các dịch vụ mua hàng, bảo hiểm, vay vốn; thậm chí cả dịch vụ bói toán, cờ bạc, tình dục… Nhiều người thảng thốt không hiểu vì sao các thông tin cá nhân như tên, tuổi, người thân trong gia đình họ… lại rơi vào tay những nhà cung cấp các dịch vụ?.
“Dội bom” bất cứ khi nào
Khảo sát nhanh của PV đối với một nhóm thuê bao là cán bộ, giáo viên, luật sư, bác sỹ thì duy nhất chỉ có một người chưa bị các cuộc điện thoại bán hàng “làm phiền”. “Có lẽ tôi năm nay đã hơn 70 tuổi, không lắm tiền nên các “tay” bán hàng không quan tâm”, một vị luật sư già nói đùa mà thật. Còn lại, ai cũng tỏ ra bức xúc trước tình trạng dồn dập bị các hãng bảo hiểm, ngân hàng… gọi điện mời chào mua, sử dụng dịch vụ, dù không hề có nhu cầu.
Đáng nói, tần suất các cuộc gọi và số thuê bao bị các nhà cung cấp những dịch vụ nói trên quấy rầy ngày một nhiều lên – điều đó khiến không ít người ngạc nhiên không hiểu tại sao thông tin cá nhân (tên tuổi, đơn vị công tác…) của mình đều được nhân viên bảo hiểm, ngân hàng biết rõ mồn một.
Anh Lê Việt Hà -Giám đốc một Cty Xây dựng ở Quảng Ninh – cho biết, công việc anh thường xuyên phải đi tiếp khách, ăn uống tại một số nhà hàng. Bằng cách nào đó nhân viên một ngân hàng có được số điện thoại của anh suốt ngày gọi điện mời làm thẻ, với dịch vụ thanh toán bằng thẻ tại các nhà hàng. “Tôi cảm thấy bị quấy rầy quá nhiều, vào bất cứ lúc nào. Có lúc đang họp, đang giờ nghỉ trưa, điện thoại đổ chuông liên hồi và sau đó bị hỏi đủ thứ chuyện trước khi mời tôi làm thẻ".
Tương tự, chị Phạm Thanh Xuân, cán bộ Thuế ở TP.Hà Nội rất nhiều lần bị một nhân viên của một hãng bảo hiểm gọi điện tư vấn, nài nỉ mua dịch vụ bảo hiểm của họ. “Thú thực, tôi không thể lịch sự hơn được, vì có hôm đang lái xe thì vẫn anh ta tiếp tục gọi điện. Lần này anh ta hỏi tôi đang làm gì, tôi nói đang lái xe ngoài đường, thì anh ta một lèo giới thiệu sản phẩm, trong đó có bảo hiểm nhân thọ và tai nạn, rồi anh ta ví dụ luôn đang đi mà bị tai nạn thì được hưởng cái gì, nếu mà tai nạn rồi… chết được bao nhiêu tiền. Tôi thực sự choáng với kiểu bán hàng khiếm nhã đó và cúp luôn máy sau khi mắng cho anh ta một trận rằng bán hàng phải có đạo đức, lịch sự”.
Thường thì những cuộc điện thoại bán hàng không chỉ khiến người nghe sự khó chịu vì bị làm mất thời gian mà không ít người còn cảm thấy bị ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống. Khi được hỏi, một số doanh nhân tỏ ra hết sức lo lắng trước việc thường xuyên bị các cuộc điện thoại mua bảo hiểm “tra tấn”: “Sau màn chào hỏi, quan tâm một cách ngọt ngào là họ gạ mua các sản phẩm.
Họ nói vanh vách rằng gia đình tôi làm gì, con cái mấy tuổi và phù hợp với loại hình bảo hiểm nào. Tôi thực sự bất ngờ. Điều khó chịu nhất là hầu như ngày nào họ cũng gọi, gọi số này không nghe thì họ gọi số khác. Tôi làm kinh doanh nên không thể tắt máy được. Nhiều lúc phát điên vì bọn họ gây quá nhiều phiền nhiễu cho mình. Bây giờ thực sự tôi không biết cách nào để tránh được những cuộc điện thoại “rác” kiểu này?”.
Biết chúng tôi quan tâm đến thực trạng này, một giảng viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội kể: “Có hôm tôi đang ở nhà thì có số điện thoại lạ gọi cho tôi nói con tôi học ở trường kém môn ngoại ngữ, cần phải đi học thêm tại trung tâm ngoại ngữ nào đó.
Tôi bất ngờ và tức tốc phi lên trường mắng cho nhà trường một trận vì tội bán thông tin của gia đình học sinh cho người khác. Con tôi gửi ở trường mong được an toàn từ lúc đến trường đến lúc đón về, làm như thế phụ huynh yên tâm vào đâu được. Nhỡ đến lúc kẻ xấu có được số điện thoại đe dọa bắt cóc, tống tiền thì sao?”. Chưa hết, còn có những cặp vợ chồng lục đục cũng chỉ vì nhân viên bán hàng gọi vào lúc khuya khuắt gạ mua các loại sản phẩm để tăng lực đàn ông.
Thông tin bị tiết lộ như thế nào?
Sau một thời gian khách hàng bị “hành” quá nhiều, nhiều người đổ dồn cho nhà mạng, là nơi nắm giữ số điện thoại và thông tin cá nhân của nhiều khách hàng nhất rằng, họ đã để lộ số điện thoại cho các hãng bảo hiểm, ngân hàng, các đơn vị bán hàng.
Tuy nhiên, đến nay không một nhà mạng hay hãng bảo hiểm nào nào thừa nhận mình đã làm việc này. Đại diện mạng di động VinaPhone cho hay, nhà mạng này không bao giờ có chủ trương cung cấp danh tính khách hàng cho các đối tượng bên ngoài, trừ khi cung cấp cho cơ quan chức năng để đối soát dữ liệu.
“Trong khuôn khổ quyền hạn của mình, chúng tôi cũng có kỷ luật nghiêm ngặt nếu nhân viên nào lợi dụng chức vụ quyền hạn để đưa thông tin khách hàng ra bên ngoài vì các mục đích khác. Nếu hành vi đó cấu thành tội hình sự, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng để xử lý”, đại diện VinaPhone khẳng định.
Là một trong những hãng bảo hiểm bán hàng qua điện thoại, Prudential cũng khẳng định họ không có chủ trương mua các số liên lạc một cách bất chính để mở rộng thị phần. Tuy nhiên, công ty này cũng cho biết công ty có một hệ thống đại lý đảm nhận việc gọi điện tư vấn cho khách hàng và cũng không nắm được các đại lý đó có danh sách các thuê bao từ đâu.
Không một ai thừa nhận việc sử dụng thông tin bất hợp pháp nói trên, khiến nhiều người không biết cách nào để kêu và chấm dứt những cuộc điện thoại bất đắc dĩ nói trên. Cụ thể, một diễn viên cho phóng viên biết, anh bị một nhân viên tư vấn bán bảo hiểm dùng lời lẽ thô tục khi bị anh từ chối mua sản phầm, anh cất công gọi điện chất vấn, phản ánh với cty vì sao có số của anh thì họ cũng bó tay và trả lời không biết!
Theo tìm hiểu của PLVN, hiện đa số các hãng bảo hiểm đều có đội ngũ nhân viên tư vấn bán hàng qua điện thoại và họ tìm mọi cách để có được thông tin của khách hàng, chủ yếu là những người có thu nhập khá. Trao đổi với PLVN, một nhân viên hoạt động lâu năm tại Bảo hiểm Prudential Việt Nam cho hay, việc lấy thông tin của một cá nhân quá dễ dàng, đơn giản và không cần quen biết, chỉ cần có chút ít tiền bồi dưỡng cho người cho thông tin là được ngay.
Cũng theo nhân viên này thì có 4 cách để có được thông tin của khách hàng. Thứ nhất, tiếp cận tại các siêu thị với các đơn hàng, vì lẽ đương nhiên, khi một người nào đó mua hàng, có nhu cầu vận chuyển về nhà đều phải ghi lại địa chỉ, tên, số điện thoại di động, thậm chí cả số điện thoại nhà riêng, do đó một nhân viên của bất cứ hãng bảo hiểm nào đó xin không khó. Hoặc sau các đợt khuyến mãi, bốc thăm người mua hàng thường để lại thông tin trên phiếu bốc thăm.
Thứ hai, đến các của hàng vàng bạc, đá quý xin danh sách khách hàng cũng rất dễ ràng, ở đó thông tin cá nhân khách hàng cũng được ghi khá đầy đủ. Và đó là những khách hàng rất “sộp”.
Thứ ba, xin thông tin cá nhân từ nhân viên tại các bưu cục, phòng giao dịch của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, cũng không mấy khó khăn, thậm chí một chút bồi dưỡng là được rất chi tiết.
Thứ tư, lấy thông tin từ người nhà, người quen và bạn bè làm trong các cơ quan Nhà nước, các đơn vị doanh nghiệp… phụ trách công tác quản lý, theo dõi lương, hồ sơ lý lịch cán bộ, công nhân viên chức… đều có thể được và đơn giản.
Như vậy, nếu qua các kênh này thì bất kỳ ai cũng có thể bị rơi, lọt số điện thoại, thông tin cá nhân vào tay người khác và sẽ trở thành nạn nhân của những cuộc điện thoại “rác”, tin nhắn “rắc” bất kỳ ngày hay đêm.
Theo Pháp Luật VN
Bình luận (0)