Việt Nam là thị trường game online (GO) lớn nhất Đông Nam Á, với 12 triệu game thủ cùng 53 GO của gần 20 nhà phát hành, doanh thu năm 2008 đạt 130 triệu USD, chiếm 75% doanh thu toàn ngành nội dung số (180 triệu USD)… Những con số trên do Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) công bố tại Hội thảo “Tình hình công nghiệp game Việt Nam và triển vọng phát triển game Việt”, có thể thuyết phục rằng chúng ta đã có ngành công nghiệp nội dung số.
Nhưng thực tế, các GO đang được phát hành tại Việt Nam hầu hết là game nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu… Do vậy, ngoài việc công ty phát hành GO tại Việt Nam phải chia sẻ doanh thu với nhà phát triển GO nước ngoài, những luồng văn hóa ngoại lai đã từng giờ, từng ngày thấm vào trí óc của không ít trẻ con, học sinh, sinh viên và không ít những người từ lao động chân tay đến công chức.
Có thể thấy, bây giờ ra đường hay ngồi quán cà phê, thậm chí ở nhà, cũng có thể nghe không ít người thao thao về Võ Lâm Truyền Kỳ, Chinh Đồ, Atlantica, Bá chủ thế giới, Tam quốc chí, Linh Thú… với loại ngôn ngữ mà chỉ “người trong cuộc” mới hiểu.
Nhưng GO cũng kéo theo không ít hệ lụy mà dư luận xã hội đã nhiều lần lên tiếng. Trong khi đó, VINASA cứ tổ chức hội thảo nghiêng về phía tìm hướng phát triển cho ngành này trong nước, mà không hề nhìn hậu quả các nước đã gặp phải: Trung Quốc hiện có trên 26 triệu người chơi GO (thống kê của US China Today là 150 triệu), trong đó khoảng 4 triệu đã “nghiện”; Hàn Quốc, từ năm 2002 chỉ có 1 trung tâm điều trị nghiện GO, đến nay có hàng trăm bệnh viện tư, phòng khám tâm lý mọc lên để giải quyết vấn nạn do GO gây ra.
Đến đây cần phải đặt câu hỏi: sao không có lấy một hội thảo tìm giải pháp giải quyết những hệ lụy GO đã gây ra? Một vị Phó Chủ tịch của VINASA đáp ngay khi vấn đề này được đặt ra: “Tổ chức thì ai đến dự? Nhiệm vụ của Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam là hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành viên phát triển…”.
Có lẽ vì thế mà những thành viên trong VINASA cứ tranh nhau phát triển GO tại Việt Nam, bất kể hậu quả có thể gây ra với người chơi GO là gì. Chưa hết, một người là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ game và nội dung số (trực thuộc VINASA) còn khẳng định: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình hành động cụ thể…”, nhưng khi hỏi đến chương trình nào thì người này cứ lòng vòng và lại nói đến việc tổ chức các đợt công tác xã hội tận đâu đâu.
Thêm nữa, khi kết thúc hội thảo, chính vị này còn cho biết, phía VINASA đã kết hợp với một doanh nghiệp phát hành GO Việt Nam tổ chức chương trình tư vấn cho người nghiện GO. Thật hết biết, tư vấn và cai nghiện GO là hai “hành trình” hoàn toàn khác nhau, vậy mà người này cứ trả lời cho bằng được.
Phát hành GO đồng nghĩa là cung cấp một sản phẩm dịch vụ cho xã hội. Vậy những sản phẩm của những nhà cung cấp GO tại Việt Nam vốn có tính hai mặt, trong đó tính xấu bộc lộ không ít, thì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phát hành GO ở đâu? VINASA với vai trò là hiệp hội cũng có trách nhiệm với xã hội do GO gây ra, chứ không chỉ cứ chăm chăm “tìm hướng phát triển” cho doanh nghiệp thành viên.
BÁ TÂN (Theo SGGP)
Bình luận (0)