Các đề án truy xuất nguồn thịt heo, rau củ chỉ mới được triển khai trong thời gian ngắn, nhưng theo ghi nhận thực tế tại những nơi làm thí điểm, người tiêu dùng (NTD) không còn mặn mà với việc dùng điện thoại thông minh để dò “đường đi” của thực phẩm.
Doanh nghiệp tự dán tem riêng
Trưa 11/4, tại siêu thị Co.op Mart Phú Lâm (TPHCM) sau khi loay hoay tìm rau ăn lá có truy xuất nguồn gốc không thấy, PV hỏi nhân viên siêu thị thì được biết hôm nay chỉ rau củ có tem truy xuất.
Tại khu bán rau củ, chúng tôi khá bất ngờ khi cả tem lẫn nhãn mác sản phẩm không giống như chương trình truy xuất rau của Sở NN&PTNT TPHCM ngày 18/1. Được biết, chỉ có sản phẩm rau củ của 2 HTX Phú Lộc và Phước An là được dán tem truy xuất do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) cung cấp. Nhưng trên kệ rau củ tại siêu thị hầu như không có sản phẩm của những đơn vị này, mà chỉ có sản phẩm VietGap của Co.op Mart với tem của Traceverified.
Trong khi đó, những hệ thống khác của Co.op Mart, Co.op Food, Big C, Lotte… vẫn có những sản phẩm rau củ của HTX Phú Lộc và Phước An, tuy nhiên tem truy xuất cũng không phải của DAA. Theo các bà nội trợ quan tâm việc truy nguồn gốc rau, chỉ trong ngày đầu ra mắt sản phẩm (18/1), họ mới thấy tem của DAA, sau đó thì không còn thấy nữa.
Ông Đào Thanh Đức – Phó chủ nhiệm HTX Phước An (H.Bình Chánh) cho biết, hiện HTX phải… tự dùng tem truy xuất của mình. “Chúng tôi cũng không biết vì sao DAA chưa cung cấp tem. Không có tem của DAA, chúng tôi phải tự mình tìm đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc để NTD yên tâm. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 15 mặt hàng được truy xuất, chủ yếu bán ở siêu thị, và vẫn còn 20 sản phẩm chưa được dán tem” – ông Đức nói.
Lo ngại HTX tự dùng tem của riêng mình sẽ không đảm bảo chất lượng sản phẩm, ông Trần Ngọc Hổ – Phó giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM cho biết Sở sẽ thường xuyên lấy mẫu kiểm tra nên NTD không quá lo lắng.
“Sở không đặt nặng vấn đề ai là đơn vị cung cấp tem mà mới dừng lại ở việc khuyến khích HTX tự nguyện tham gia đề án. Do đó, các HTX dùng tem của ai cũng được, miễn là uy tín. Còn khi nào Sở sẽ hỗ trợ HTX kinh phí mua tem thì lúc đó Sở mới đề xuất một DN cung cấp tem, và sẽ có đấu thầu công khai” – ông Hổ nói.
Tin siêu thị
Bà Minh Tuyết (55 tuổi, ngụ Q.10) lựa chọn rau tại siêu thị, không cần dùng điện thoại tra xuất xứ, thấy bó rau nào vừa mắt liền cho vào giỏ. Bà cho hay: “Vào siêu thị mua rau với giá cao hơn bên ngoài chắc chắn chất lượng sẽ đảm bảo. Vậy nên tôi không cần truy xuất nữa”.
Không chỉ rau củ mà ngay cả thịt heo, người dân cũng không còn mặn mà. Tại quầy thịt heo của cửa hàng Vissan (Q.3), chúng tôi ghi nhận nhân viên bán hàng chọn thịt, cân bán cho khách bình thường. Mấy chục con tem nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo vẫn nằm trên quầy do không ai dùng đến. Hỏi thăm một số khách đứng mua thịt có biết thông tin về kiểm tra nguồn gốc thịt heo bằng cách soi tem nhận diện trên máy soi hoặc ứng dụng trên điện thoại không, hầu hết đều lắc đầu. Thắc mắc với nhân viên đứng quầy thì được trả lời là có thể soi được nhưng siêu thị chưa lắp máy soi, khách hàng có nhu cầu kiểm tra thì tự tải phần mềm về kiểm tra. Tuyệt nhiên không có hướng dẫn gì thêm.
Theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều hệ thống siêu thị lớn tại TPHCM, hầu như không thấy bất kỳ bảng thông tin hướng dẫn cách nào để truy xuất. Một nhân viên siêu thị cho biết không biết cách làm sao truy xuất mã vạch này, nhưng mã vạch này do công ty tự dán lên, trên đó có đầy đủ nơi sản xuất, đóng gói, ngày giờ thu hoạch, giết mổ. “Bình thường thì thông tin đó đã được dán trên bao bì của thực phẩm nên NTD cũng chỉ coi trên đó và thông tin này phải khớp với thông tin khi truy xuất”- nhân viên siêu thị phân tích.
Ông Nguyễn Phương Đông – Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM thừa nhận hiện nay, số lượng người truy xuất nguồn gốc thịt heo giảm xuống mặc dù lượng thịt bán ra vẫn không đổi. Có thể NTD sau thời gian truy xuất thử thấy yên tâm nên cũng không còn muốn truy nguồn gốc nữa?! Tuy nhiên, nhiều thương lái cho biết, chính họ là người “đeo vòng” truy xuất cho heo nhưng cơ quan chức năng không kích hoạt vòng thì NTD dù có muốn cũng khó mà truy xuất được.
“TPHCM sẽ tiếp tục triển khai đề án truy xuất nguồn gốc với sản phẩm thịt gia cầm và trứng. Điểm mới của đề án này sẽ truy xuất từ giai đoạn con giống, chăn nuôi cho đến tận tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng sẽ cung cấp các công cụ hỗ trợ để điện tử hóa chu trình VietGAP, thực hiện ghi chép điện tử tự động, hệ thống quản lý kho điện tử…”.
Ông Nguyễn Phương Đông – Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM
Uyên Phương (TPO)
Bình luận (0)