Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Truy xuất nguồn gốc thủy sản: Doanh nghiệp và ngư dân đều lúng túng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ ngày 1-1-2010, quy định về các hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) do Hội đồng Liên minh châu Âu (EC) đặt ra sẽ chính thức có hiệu lực.
Các phương tiện khai thác thủy sản tại tỉnh Quảng Ngãi.
Điều này tác động không nhỏ tới ngành thủy sản Việt Nam. Ngày 3-12, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện quy chế chứng nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ ngư dân và các doanh nghiệp (DN) áp dụng quy định này.
 Nhận diện khó khăn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng đạt khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Từ ngày 1-1-2010, EU sẽ áp dụng luật IUU về đánh bắt thủy sản đối với các nước. Theo quy định này, tất cả lô hàng hải sản muốn vào được thị trường EU đều phải chứng minh nguồn gốc (vùng biển khai thác, tàu khai thác…); quy định đầu tiên để nhập khẩu sản phẩm thủy sản vào EU là phải có chứng nhận về tính hợp pháp của sản phẩm. Quy định này nhằm mục đích quản lý chặt chẽ đội tàu khai thác biển của các nước vì nhiều ngư dân khai thác thường dùng chất độc hóa học, làm ảnh hưởng đến môi trường.
Đây là cả vấn đề đối với DN xuất khẩu thủy sản và ngư dân của Việt Nam. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký VASEP khẳng định, hiện nay hầu hết các DN chế biến, xuất khẩu thủy hải sản đều thu mua nguyên liệu qua thương lái tại các cảng cá chứ không trực tiếp thu mua của ngư dân. Những thương lái này cũng không thu mua từ một tàu mà từ nhiều tàu khác nhau. Do vậy, truy xuất nguồn gốc không hề đơn giản. Nguyên nhân do nghề cá Việt Nam quy mô nhỏ, khó quản lý, giám sát, Nhà nước lại chưa có quy định nghiêm ngặt về mùa vụ, ngư trường đánh bắt. Việc bắt buộc DN, ngư dân ghi rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đánh bắt theo quy định của EU không phải một sớm một chiều mà thực hiện được. Bên cạnh đó, ngư dân Việt Nam cũng chưa có thói quen ghi nhật ký khai thác.
Ông Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đây là một vấn đề rất khó khăn do nghề cá hoạt động với quy mô nhỏ, đa số tàu đánh bắt thủ công, khai thác chủ yếu ở ven bờ. Theo thống kê của Cục, cả nước chỉ có 13.000 tàu trên 90 mã lực (CV) có khả năng khai thác xa bờ và có tới 90% đội tàu không ghi nhật ký hằng ngày để báo cáo vùng khai thác. Nguyên nhân là do trình độ nhận thức của ngư dân còn hạn chế, khai thác theo kiểu tự phát, trang thiết bị, công nghệ quản lý còn lạc hậu…
Nhiều DN xuất khẩu thủy sản vào EU cho biết, hiện nay, trong hồ sơ xuất khẩu, các DN đều đã ghi rõ nguyên liệu mua ở vùng nào, bây giờ lại phải có xác nhận của cơ quan chức năng và các địa phương, với những thủ tục rườm rà hiện nay, nếu như quy định này bắt đầu có hiệu lực từ  tháng 1-2010, sẽ vô cùng khó khăn cho các DN. Trong khi đó tìm kiếm sang thị trường khác không phải là điều đơn giản. Anh Bùi Quang Luyến, chủ tàu khai thác ở Quỳnh Lưu – Nghệ An cho biết, khi quy định IUU chính thức có hiệu lực sẽ gây trở ngại lớn cho ngư dân, bởi từ trước đến nay ngư dân chưa có thói quen ghi nhật ký khai thác, đánh bắt ở bờ biển.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, nhà nhập khẩu phải nộp hồ sơ kèm theo giấy chứng nhận khai thác hợp pháp lên cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên EU ít nhất 3 ngày làm việc trước khi hàng về đến cửa khẩu. Quy định này của IUU làm tăng thêm thủ tục hành chính, tăng thêm chi phí và thời gian của DN, ban đầu sẽ gây nhiều khó khăn cho DN xuất khẩu Việt Nam vì từ trước đến nay ở Việt Nam chưa có hệ thống thẩm định và chứng thực giấy chứng nhận khai thác hợp pháp.
Cơ hội tổ chức lại sản xuất
Ông Phạm Trọng Yên, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, cần đẩy mạnh tuyên truyền quy định IUU đến mọi đối tượng. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ cấp giấy chứng nhận cho phép khai thác thủy sản, việc cấp giấy chứng nhận tính hợp pháp đối với sản phẩm là vấn đề rất mới. Ngoài ra, các DN chế biến thủy sản xuất khẩu phải hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản, đặc biệt thủy sản khai thác từ biển và thực hiện hệ thống lưu trữ hồ sơ để quản lý sản phẩm. Những DN nhập khẩu thủy sản để chế biến và xuất khẩu sang EU phải thu mua từ những cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước chứng nhận thủy sản khai thác trên tàu đã tuân thủ các quy định của IUU.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, việc phổ biến truy xuất nguồn gốc thủy sản Việt Nam đã làm từ lâu. Nhưng do việc khai thác còn nhỏ bé, tính chuyên nghiệp chưa cao nên khi triển khai quy định này phải làm sao vừa bảo đảm yêu cầu của EU, đồng thời phù hợp với nhận thức, hiểu biết của ngư dân. Việc thực hiện quy định này là cần thiết và bắt buộc ngành thủy sản phải làm, bởi đây cũng chính là cơ hội để ngành thủy sản tổ chức lại sản xuất nhằm xây dựng nền thủy sản bền vững. Tuy nhiên, khi triển khai còn phụ thuộc vào trình độ của ngư dân, DN, vấn đề thực hiện quy chế và thủ tục là việc cực kỳ khó, nên phải có thời gian. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ gấp rút hoàn thành thông tư quy định gắn mã tàu khai thác và quản lý tàu thuyền. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đang xúc tiến xây dựng dự thảo về việc cấp chứng nhận khai thác thủy sản, xác nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác.
Theo Hà Nội Mới

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)