Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Truyện cổ tích Việt Nam đang bị “biến dạng”…

Tạp Chí Giáo Dục

Truyện cổ tích viết lại có bao bì đẹp mắt song nội dung bị “biến dạng”

Qua bao đời nay, truyện cổ tích luôn có sức hấp dẫn đối với độc giả nhí và là lựa chọn hàng đầu của nhiều phụ huynh khi mua sách cho con. Nhưng, với một thị trường truyện cổ tích phong phú được… viết lại như hiện nay, nhiều người cảm thấy lo ngại khi các giá trị giáo dục, văn chương của thể loại này ngày càng suy giảm đến mức báo động!
Chủ nhật, chị Nguyễn Thị Trinh (47/3 đường Hòa Bình, quận Tân Phú, TP.HCM) đưa con gái đến Hiệu sách FAHASA, quận 11 mua sách. Như thường lệ, bé Giang (10 tuổi) – con chị Trinh thường chạy ngay đến quầy sách thiếu nhi để xem. Thế nhưng, thấy con tần ngần mãi vẫn chưa tìm được cuốn sách ưng ý, chị Trinh thử lật vài cuốn truyện cổ tích ra xem với ý định tư vấn cho con. Càng xem, chị càng thấy giật mình…
Nội dung sai lệch
Chị Trinh cho biết: “Ấn tượng đầu tiên của tôi là số lượng đầu sách cổ tích rất đa dạng, bao bì bắt mắt, hầu hết nội dung đều được viết lại nhưng… viết sai so với bản gốc”. Theo chị Trinh, có thể kể đến các truyện nói trên là Sự tích dưa hấu, Bánh chưng bánh dày, Tấm Cám, Cây tre trăm đốt… Những câu chuyện cổ tích này vốn đã ăn sâu vào tiềm thức mọi người, nay được viết lại với nội dung sai lệch, thậm chí “biến dạng” trầm trọng. Sự tích dưa hấu trong Kho tàng cổ tích của Nhà xuất bản Trẻ miêu tả Mai An Tiêm là một người khá ngạo mạn. Truyện viết: “Một hôm trong một bữa tiệc đãi các quan khách, giữa lúc mọi người không ngớt lời xưng tụng mình, Mai An Tiêm nhún nhường “Có gì đâu! Tất cả mọi thứ trong nhà này đều là vật tiền thân của tôi”, câu nói “Của biếu là của lo, của cho là của nợ” mang “thương hiệu” của Mai An Tiêm thì tuyệt nhiên không thấy nhắc đến. Đã vậy, khi… vua Hùng nghe được lời này đã tỏ ra giận dữ: “Chà! Thằng láo!”. Ấn tượng hơn, vợ của An Tiêm khi bị đày ra đảo “Thường ngồi bên bờ biển, sử dụng nhan sắc của mình dụ cá heo về nhà làm thịt”, và con của An Tiêm khi thuần phục được một chú hổ con đã được mẹ dặn dò “Khi nào chơi chán thì nói để mẹ nấu càri”? Còn truyện Ăn khế trả vàng, chim thần được miêu tả là một con chim heo mập ú, phàm ăn, nói ngọng. Ở truyện Tấm Cám thì bị bỏ mất câu thần chú “Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm/ cháo hoa nhà người”…
Bên cạnh “sáng tác” lại nội dung truyện cổ tích còn diễn ra tình trạng hư cấu bừa bãi, kiểu án mạng của đại gia đình Nguyễn Trãi là vì một con… rắn báo oán, vừa gây phản cảm cho người đọc vừa sai lệch về giá trị lịch sử…
Đưa ra quan điểm của mình, chị Trinh thẳng thắn: “Tôi sẽ không cho con đọc những loại truyện cổ tích như thế vì tính phản giáo dục cũng như khả năng kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo cho trẻ không có”.
Sửng sốt với ngôn từ, đối thoại

Truyện cổ tích bị “biến dạng” bày bán nhan nhản ở các nhà sách.

Không nằm ngoài mục đích tiếp cận gần hơn với độc giả nhí, truyện cổ tích hiện nay ngoài xuất bản dưới hình thức truyện chữ còn được chuyển thể sang truyện tranh. Tuy nhiên, bên cạnh việc xuyên tạc, bóp méo nội dung, để minh họa cho tranh vẽ, nhiều câu đối thoại trong các câu chuyện cổ tích cũng bị chuyển thành những câu nói ngô nghê, mang hơi hướng, ngữ điệu lai căng của giới trẻ với ý nghĩa gây cười và… cho hiện đại. Giải thích về sự “mới mẻ” này, Công ty Truyện tranh Artsign cho rằng đây là một phong cách cảm thụ mới đối với truyện cổ tích đã quen thuộc: “Theo hướng tiếp cận này, truyện cổ tích sẽ hiện đại và hóm hỉnh hơn, ngôn ngữ nhân vật sẽ hiện thực hơn, đồng thời nét vẽ sinh động, phóng khoáng, hài hước sẽ khắc họa đậm nét hơn tính lạc quan và sự tất thắng của cái thiện, lẽ công bằng trong truyện… Và như thế, những truyện cổ tích sẽ gần gũi hơn cách cảm, cách nghĩ của các bạn đọc nhỏ tuổi hôm nay”, (Trích Lời nói đầu bộ sách Truyện tranh cổ tích Việt Nam).
Theo nghĩa đó, văn phong của giới trẻ được đưa vào truyện tranh cổ tích một cách vô tội vạ. Kiểu như Lang Liêu chiêm bao thấy ông Bụt cầm micro dõng dạc “Chào mừng các bạn đến với chương trình Vào bếp với người nổi tiếng” trong Sự tích bánh chưng bánh dày. Hay Mai An Tiêm khi bị đày ra đảo, an ủi vợ “Nàng đừng lo! Trời sinh voi sinh cỏ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua” thì người vợ đáp “Vâng, anh nói đó nha!”. Bên cạnh đó, truyện tranh cổ tích còn sử dụng các “thực ngữ” như măm măm, sực, xơi nhằm gây cười vô lối, rẻ tiền cho người đọc…
Nhìn nhận ở góc độ xã hội, nếu như người lớn chúng ta hôm nay không ai có thể quên được những câu chuyện “ngày xửa… ngày xưa…” và đặt hẳn cho mình một tên gọi “miền cổ tích” để nhắc nhớ về tuổi thơ được nuôi sống bởi những phép mầu kỳ diệu, ông bụt, cô tiên… thì hiện nay, nhiều thế hệ độc giả nhỏ tuổi khi được hỏi về dấu ấn truyện cổ tích thường tỏ ra mờ nhạt, không “nặng lòng” lắm với thể loại này.
Bài, ảnh: Tuyết Dân

Với các câu chuyện cổ tích bị “biến dạng” như hiện nay, giới trẻ sẽ nhận được những giá trị gì và cảm như thế nào về một thể loại – bản thân nó vốn mang sứ mệnh hướng các em đến những điều thánh thiện, biết ước mơ và tin yêu vào cuộc sống. Và hơn hết, khi đọc cổ tích viết lại, hằn sâu trong các em suy nghĩ rằng cổ tích là như thế thì… nguy!

 

Bình luận (0)