Y tế - Văn hóaThư giãn

Truyện hình sự trở lại âm thầm

Tạp Chí Giáo Dục

Dòng truyện hình sự, lôi cuốn bạn đọc với sự ly kỳ, căng thẳng và hấp dẫn có một thời gian bỗng lặng hẳn đi trong thị trường văn học Việt Nam. Gần đây, truyện hình sự bắt đầu trở lại lặng lẽ trên các quầy sách.

Sự trở lại lặng lẽ

Nhiều về số lượng, hấp dẫn về hình thức nhưng tiểu thuyết hình sự vẫn chưa thu hút được độc giả do nội dung thiếu ấn tượng.Bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, văn học nói chung chững lại nhường chỗ cho nhu cầu làm kinh tế lấn át. Văn chương đã có lúc lắng xuống để các loại sách dạy làm giàu, dạy làm doanh nhân, làm ông chủ… chiếm chỗ trên các kệ sách. Đến khi mọi người giật mình nhìn lại, nhận thấy sự thiếu thốn món ăn tinh thần quan trọng, văn chương lại cuồn cuộn quay trở lại.

Nhưng giữa dòng suối văn học đó, các tác phẩm hình sự mất hẳn chỗ đứng. Có thể dễ dàng tìm thấy tại các nhà sách những sáng tác về tình yêu, về lịch sử, về cuộc sống với muôn mặt từ bi kịch đến hài kịch, thậm chí cả những vấn đề nhạy cảm như tình dục, đồng tính… Đáng tiếc, truyện hình sự lại vắng bóng, nhất là những sáng tác trong nước.

Bất ngờ, cuốn tiểu thuyết Mật mã Da Vinci của nhà văn Dan Brown xuất hiện. Một tác phẩn hình sự kinh điển đã gây xôn xao dư luận thế giới lại tiếp tục gây chấn động bạn đọc Việt Nam.

Ở một góc độ nào đó, tác phẩm của Dan Brown đã vô tình khơi dậy nhu cầu đọc sách hình sự trong lòng bạn đọc và cũng đồng thời khiến các nhà làm sách nhanh nhạy phát hiện ra sự thiếu hụt một mảng văn học đặc sắc.

Và thế là hàng loạt tác phẩm hình sự dịch ồ ạt ra đời. Phần lớn là những sáng tác mới, mang tính hiện đại, cách tân của dòng văn chương hình sự. Nào là Xạ thủ nằm bắn của nhà văn Pháp tiêu biểu cho thể loại hình sự kiểu mới Jen-Patrick Manchette (bản dịch của Thuận, một nhà văn có tiếng), Lửa hoang, Quỷ cái vận đồ Prada, Đảo Plum, Cross… gần đây nhất có các tác phẩm như Không khoan nhượng, Bí ẩn bộ cờ Montglane. Và bên cạnh đó không thể thiếu được những tác phẩm của Dan Brown như Pháp đài số, Điểm dối lừa, Thiên thần và ác quỷ.

Số lượng nhiều, ấn tượng ít

Xuất hiện hàng loạt, nhiều tác phẩm thuộc loại nổi tiếng tại phương Tây, nhưng dòng truyện hình sự dịch tại Việt Nam lại khá im hơi lặng tiếng. Điều này cũng phản ánh một sự thật là các tác phẩm hình sự dịch tuy nhiều nhưng ít có tác phẩm nổi bật gây được sự chú ý của dư luận. Có thể lấy những tác phẩm “nổi đình nổi đám” nhất là của Dan Brown làm ví dụ.

Tại Việt Nam, tác phẩm đầu tiên của ông được giới thiệu cũng là tác phẩm mới nhất Mật mã Da Vinci. Sau đó, các nhà làm sách mới lần lượt giới thiệu những tác phẩm trước đó, khiến bạn đọc phải… đọc ngược, từ tác phẩm khá nhất đến tác phẩm “non tay” nhất. Mặt khác, tiểu thuyết hình sự của Dan Brown mang đậm chất nghiên cứu, khám phá tư liệu từ kỹ thuật hiện đại đến lịch sử hơn là hình sự.

Kết quả là dù được đánh giá cao về chi tiết nhưng các tác phẩm của Dan Brown lại chỉ được xếp hạng trung bình trong dòng truyện hình sự. Mô típ truyện lặp đi lặp lại đến nỗi chỉ cần đọc một truyện, xem truyện sau sẽ biết ngay ai là nhân vật phản diện. Truyện chỉ còn hấp dẫn ở thông tin về kỹ thuật hay lịch sử và tính hành động.

Ngược lại, nhiều tác phẩm dù được đánh giá kinh điển nhưng đôi khi lại thất bại tại thị trường trong nước. Đơn cử như Xạ thủ nằm bắn dù được coi là đỉnh cao của tiểu thuyết trinh thám mới ở Pháp, với những cảnh đậm chất xi nê và những chi tiết hài hước quyến rũ nhưng lại xa lạ với độc giả Việt Nam khi thay vì nhấn mạnh sự hồi hộp, ly kỳ trong âm mưu ám sát của tên sát thủ thì lại tập trung vào… một cái nhìn sâu xa về cuộc sống và sự ngột ngạt của xã hội.

Lửa hoang hay Không khoan nhượng cũng tương tự khi đi sâu vào các yếu tố chính trị đương thời ở châu Âu, Mỹ vốn xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Một số tác phẩm khác như Đảo Plum dù được quảng cáo mạnh nhưng chất lượng lại thấp, hoàn toàn không đủ tạo ấn tượng với bạn đọc.

Trong khi đó, các nhà văn Việt Nam có phần bỏ bê văn học hình sự. Nhiều tác phẩm về tội phạm như Hành trình của sói của nhà văn Bùi Anh Tấn nói về vụ án Năm Cam hay Chạy án của nhà văn Nguyễn Như Phong đề cập đến một số vụ án tham nhũng nổi bật. Dù có vụ án, có phá án nhưng những tác phẩm trên vẫn không thể xem là tác phẩm hình sự mà mang đậm chất tiểu thuyết xã hội. Dù có sự tham gia của dòng sách hình sự dịch thì thị trường tiểu thuyết hình sự trong nước thực tế chỉ tồn tại lặng lẽ và chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc.

TÂN TƯỜNG (Sài gòn giải phóng)

Bình luận (0)