Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Truyền hình thực tế âm nhạc ồ ạt trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 10 năm vắng bóng, các chương trình truyền hình thực tế đang trở lại ồ ạt, được sự đón nhận nồng nhiệt từ phía khán giả.

Thay đổi để thành công

Vietnam Idol mùa 8 đã trở lại sau 7 năm tạm ngừng với format mới. The Voice – Giọng hát Việt mùa 7 cũng đã hoàn thành các vòng sơ tuyển, chuẩn bị ghi hình. Sự xuất hiện của 2 “đối thủ” này đang được chờ đón sẽ tạo lại sức hấp dẫn cho các chương trình tìm kiếm tài năng vốn đã hết “hot” một thời gian dài.

Các mascot mới từ  Ca sĩ mặt nạ mùa 2

Các mascot mới từ Ca sĩ mặt nạ mùa 2

Ca sĩ mặt nạ (The masked singer), sau mùa đầu thành công vang dội,  vừa  quay lại trong tháng Tám này. Chị đẹp đạp gió rẽ sóng được mua bản quyền từ Trung Quốc cũng đã chốt xong danh sách 30 nữ nghệ sĩ tham gia. Theo các tiết lộ, không chỉ nghệ sĩ trẻ mà các ca sĩ gạo cội, diễn viên, người mẫu, hoa hậu… cũng sẽ có mặt.

Như vậy, sau thời gian dài không còn thu hút được khán giả trẻ và sự lên ngôi của các game show, chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc đang trở lại mạnh mẽ. Dễ thấy điểm chung của các chương trình nói trên là đều có sự cải tiến format để mang đến những sự mới lạ.

Vietnam Idol mùa mới thay đổi bối cảnh, luật chơi… và cả tiêu chí chọn lựa của giám khảo. Nếu như trước đây giọng hát luôn là yếu tố tiên quyết thì với mùa 8, yêu cầu ngày càng nâng cao khi họ phải có được câu chuyện riêng. Điều này phù hợp với xu hướng yêu thích từ khán giả trẻ, khi những thí sinh có phong cách độc đáo, đa tài – vừa biết sáng tác, vừa chơi nhạc cụ cũng như trình diễn ấn tượng… là những người được yêu thích nhất.

Tuy chưa lên sóng, Giọng hát Việt mùa 7 cũng gây tò mò với dàn giám khảo chưa được công bố. Theo các thông tin đã được bật mí, đây sẽ là mùa đầu tiên ở phiên bản dành cho người lớn có các ghế đôi của huấn luyện viên. Dẫu cách làm này từng xuất hiện ở Giọng hát Việt nhí, việc áp dụng vào phiên bản dành cho các thí sinh là người trưởng thành cũng hứa hẹn mang đến những làn gió mới.

Ban tổ chức Ca sĩ mặt nạ mới đây tiết lộ, mùa giải năm nay có đến 20 thí sinh so với 15 như mùa đầu và ngay từ tập đầu sẽ có mascot (hình tượng) bị loại. Điều này dự kiến sẽ nâng thêm kịch tính, nhanh chóng tận dụng sức nóng mà mùa đầu mang lại. Việc tiết lộ ban cố vấn cùng dàn khách mời cũng hứa hẹn mang đến những phần nhận xét chuyên môn, đúng trọng tâm và không còn gây tranh cãi như trước. Thiết kế mascot cũng thay đổi với các hình tượng đã tiết chế hơn sự cồng kềnh, giúp các phần trình diễn được thoải mái và dễ dàng hơn.

Còn với Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, dàn thí sinh lên đến 30 nghệ sĩ, khán giả cũng đang “đoán già đoán non” người sẽ góp mặt trong chương trình. Giám đốc sáng tạo chương trình Denis Đặng chia sẻ, anh khá bất ngờ khi nhận được danh sách nghệ sĩ và không thể ngờ có một chương trình quy tụ được nhiều nghệ sĩ đa dạng phong cách, từ nhiều độ tuổi và nhiều thời kỳ như mùa đầu tiên này. Sự góp mặt của nhóm sản xuất DTAP – người đứng sau thành công của Hoàng Thùy Linh hay Phương Mỹ Chi thời gian gần đây – ở vai trò giám đốc âm nhạc, cũng hứa hẹn mang đến những tác phẩm chất lượng.

Âm nhạc vẫn quan trọng

Để thành công trong thị trường liên tục thay đổi, các chương trình truyền hình thực tế phải tạo ra được thật nhiều bất ngờ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, trong đó âm nhạc vẫn là trọng tâm. Ở Ca sĩ mặt nạ, một trong những điều tạo được ấn tượng là bản phối độc đáo, mới lạ của ban nhạc Hoài Sa. Điều đó đòi hỏi phải tạo ra được chất riêng để thu hút số lượt bình chọn, là thách thức không hề dễ dàng.

Ban giám khảo của Vietnam Idol 2023

Ban giám khảo của Vietnam Idol 2023

Với Chị đẹp đạp gió rẽ sóng sắp tới, tuy số bài hát có thể ít hơn, nhưng để tạo được hiệu ứng từ các phần trình diễn cũng là bài toán nan giải. Ở phiên bản gốc, những bài hát được chọn cho các nhóm thí sinh có phần đa dạng, từ nhạc ballad trầm buồn cho đến EDM, hip hop sôi động và thí sinh phải tìm “điểm nhấn” riêng để thu hút bình chọn từ phía khán giả. Để làm được điều đó, đòi hỏi vũ đạo cùng các bản phối phải được đầu tư, chăm chút kỹ càng.

Vietnam Idol cho thấy hướng đi phù hợp khi mới chỉ những vòng đầu, các bản thu trực tiếp do Universal phân phối trên các nền tảng Spotify, Apple Music… nhận được nhiều sự ủng hộ. Chỉ sau 24 giờ công chiếu tập 1, chương trình đã đạt top 1 về tỉ lệ người xem trên app VTV3. Với nền tảng YouTube, sau tập 2, chương trình cũng đạt cột mốc triệu view, đứng ở vị trí 15 top trending. Nhờ sự ảnh hưởng của mạng xã hội TikTok, các clip cắt từ chương trình cũng nhanh chóng thu hút khán giả.

Có thể thấy, khác với làn sóng thứ nhất khi các chương trình chủ yếu dựa vào lượt xem trên kênh truyền hình; giờ đây, với mạng xã hội, nếu biết truyền thông hiệu quả trên nhiều nền tảng, việc gây được chú ý với đông đảo khán giả là không quá khó. Tuy vậy, cốt lõi vẫn là liên tục đổi mới, để sức nóng và sự bất ngờ luôn được giữ nguyên.

Ở mùa đầu, Ca sĩ mặt nạ còn khá loay hoay cũng như chậm trễ trong việc gửi đến khán giả những bản audio “gây sốt” và mùa mới này chính là cơ hội để cải thiện điểm đó.

Cần nhiều yếu tố để 1 chương trình kéo dài nhiều mùa có được sự ủng hộ từ phía khán giả. Không chỉ trong format cuộc thi, các khâu khác như bản phối, truyền thông mạng xã hội… cũng đóng vai trò quan trọng, quyết định thành bại. 

Theo Ngô Minh/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)