Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Truyền hình Việt thiếu dòng phim “chữa lành”

Tạp Chí Giáo Dục

Dòng phim "chữa lành" (healing) của Hàn Quốc chinh phục khán giả nhiều nơi, trong đó có Việt Nam, song truyền hình nước ta lại thiếu vắng dòng phim này

Phim truyền hình "chữa lành" nở rộ ở Hàn Quốc và thông qua một số kênh phát hành lan tỏa đến nhiều nước. Các phim này hướng đến sự tươi sáng, tích cực, lan tỏa thông điệp nhân văn qua câu chuyện nhẹ nhàng, không nhiều cao trào, kịch tính nhưng thu hút nhờ sự gần gũi, đời thường.

Nhẹ nhàng mà lôi cuốn

Dòng phim "chữa lành" xuất hiện ở Hàn Quốc từ lâu với những tác phẩm "Reply 1997", "Reply 1994", "Reply 1988" nhưng thời điểm đó chưa ghi được dấu ấn đậm nét với khán giả. Cho đến những năm gần đây, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống nhiều khó khăn, nhiều nỗi đau mất mát, chia ly khiến khán giả Hàn Quốc và nhiều nước tìm đến các phim xoa dịu tâm hồn.

Xem xong những bộ phim này, khán giả cảm thấy mình được an ủi, thoải mái, quên đi nỗi đau, sự mệt mỏi trong cuộc sống và hướng đến sự lạc quan, yêu đời. Nắm bắt thị hiếu này, các nhà sản xuất Hàn Quốc tung ra một loạt phim như: "Khi hoa trà nở", "Những bác sĩ tài hoa" (phần 1, 2), "Điệu cha-cha-cha làng biển", "Mùa hè yêu dấu của chúng ta"… Hiện tại, một phim Hàn Quốc khác đang được chào đón là "Blues – nơi đảo xanh", kể về cuộc sống của những người ngày đêm miệt mài làm việc trên đảo Jeju.

"Khi hoa trà nở" kể về cuộc đời của người phụ nữ tên Dong Baek (Gong Hyo-jin đóng) – chủ quán bar Camellia tại vùng quê Ongsan, nơi có đủ loại du khách và cũng là thế giới thu nhỏ với những câu chuyện buồn vui đời thường. Dong Baek gặp 3 người đàn ông ảnh hưởng lớn đến cuộc đời mình, làm đảo lộn cuộc sống của cô.

Phim "Những bác sĩ tài hoa" khai thác câu chuyện về 5 bác sĩ là bạn của nhau trong quá trình học tập tại Đại học Quốc gia Seoul và làm chung ở Bệnh viện Yulje. Phim "Điệu cha-cha-cha làng biển" xoay quanh chuyện tình yêu lãng mạn, nhẹ nhàng của cô nha sĩ Yoon Hye-jin (Shin Min-ah đóng) và chàng trai tốt bụng Hong Du-sik (Kim Seon-ho đóng)…

Các phim kể trên đều đạt lượng người xem cao ngất, chinh phục khán giả nhiều nơi. Trong đó, "Điệu cha-cha-cha làng biển" tập cuối đạt lượng người xem trung bình ở Hàn Quốc là 12,7% – phá kỷ lục trước đó là 11,6% được thiết lập ở tập 14. Đây là số lượng người xem ấn tượng nhất của kênh truyền hình Hàn Quốc tvN.

Nhiều khán giả Việt cũng dành sự yêu thích cho "Điệu cha-cha-cha làng biển" bằng những lời khen trên các diễn đàn, trang thông tin phim. "Phim hay, ý nghĩa, nội dung rất đời thường nhưng mang lại nhiều bài học sâu sắc về cuộc sống. Ai cũng nên xem một lần" – khán giả Bảo Ngọc nhận xét. "Tôi thấy yêu đời hơn sau khi xem bộ phim, chỉ mong cuộc sống bình yên như thế" – khán giả Diệu Thu bày tỏ. "Tôi quá thích phim, nhẹ nhàng nhưng cuốn hút, cuộc sống đã mệt mỏi thì chỉ cần xem phim như thế này thôi" – khán giả Nguyễn Nguyên cho hay…

Truyền hình Việt thiếu dòng phim chữa lành - Ảnh 1.

Một cảnh trong phim “Điệu cha-cha-cha làng biển”. Ảnh: tvN

Chờ đợi sự tiên phong

Nhiều lý do được đưa ra để giải thích vì sao dòng phim "chữa lành" thiếu vắng ở truyền hình Việt. Trong đó, lý do cốt lõi nhất được nhiều người trong giới nhận định là vì nhà sản xuất không mặn mà với những câu chuyện nhẹ nhàng, hài hước, không nhiều kịch tính, cao trào.

Nhà biên kịch Đông Hoa cho biết nhà sản xuất không có cảm giác an toàn khi đầu tư những kịch bản như thế. Những câu chuyện tình làng nghĩa xóm, tình yêu lãng mạn, mô tả cuộc sống thường nhật ở một làng quê, vùng đất nào đó thường bị cho là không thể hấp dẫn khán giả bằng nỗi đau khổ, quay quắt của chuyện ngoại tình, kẻ thứ ba quấy rối cuộc sống gia đình, mẹ chồng – nàng dâu không hòa thuận hay phản bội, trù dập nhau dẫn đến âm mưu loại trừ cuộc sống của nhau, dằn vặt về tội ác trong quá khứ…

"Chúng tôi không phải không viết được những câu chuyện "chữa lành" hay tình yêu lãng mạn, hướng đến sự tươi sáng. Tuy nhiên, những kịch bản này rất khó chào mời được nhà sản xuất, nhà đài đầu tư thực hiện. Họ sẽ đòi hỏi thêm vào câu chuyện những tình tiết cao trào, dữ dội – sẽ phá hủy sự nhẹ nhàng, "chữa lành" đó" – nhà biên kịch Kim Ngọc nêu thực trạng.

Theo nhà biên kịch này, trong các phim "chữa lành", với những câu chuyện đời thường gần gũi, nếu diễn viên không diễn ra được nhân vật, để khán giả tin vào nhân vật thì rất khó thành công. Hàn Quốc là nơi có thị trường phim phát triển, họ sở hữu dàn diễn viên diễn xuất tốt, truyền tải được cảm xúc của nhân vật đến khán giả trọn vẹn. Diễn viên truyền hình Việt Nam không có nhiều người đạt được trình độ này.

Trải qua dịch bệnh Covid-19, nhu cầu đối với các tác phẩm mang tính "chữa lành" ngày càng tăng và đã đến lúc phim truyền hình Việt Nam cần thể loại này để phục vụ khán giả. Đó cũng là một giải pháp góp phần làm giảm nhẹ những vấn đề xã hội liên quan đến sức khỏe tâm thần, những tác động "hậu Covid-19" vẫn đang hiển hiện trong đời sống.

Nhà sản xuất phim Việt Nam ít khi đi tiên phong mà thường là theo sau những thể loại, chủ đề gặt hái được thành công. Họ không mạo hiểm để trở thành tiên phong, tạo ra xu hướng mà chỉ chạy theo xu hướng đã có để bảo đảm an toàn. Thế nhưng, đây cũng là cách làm khiến khán giả dễ “bội thực” dẫn đến bão hòa, chán ngán chủ đề, thể loại nào đó. Nó cũng khó tạo sự đa dạng, phong phú cho món ăn tinh thần của khán giả.
Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)