Để HS có động cơ học tập, giáo viên là người đóng vai trò tiên phong thổi “lửa” cho các em
|
Có động cơ sẽ thúc đẩy học sinh (HS) hăng hái trong học tập, năng động trong suy nghĩ, có một cuộc sống đầy đam mê và thú vị. Mất đi động cơ, đồng nghĩa với việc các em học hành thiếu phấn đấu và có thái độ “tới đâu hay tới đó”.
Khi HS mất… “lửa”
Tr.H., HS lớp 9 một trường THCS có tiếng ở Q.3 (TP.HCM), học khá đều các môn từ tiểu học lên THCS. Tuy nhiên đã không ít lần H. chia sẻ, em cảm thấy mệt mỏi, học chỉ vì ba mẹ là chính chứ không phải vì niềm đam mê, sở thích của bản thân; thậm chí nhiều lúc H. cảm thấy không hứng thú, mất đi động cơ nên học hành theo kiểu… đến đâu hay đến đó. H. cho biết: “Ba mẹ em là dân kinh tế vì thế cũng muốn em thi khối ngành kinh tế, tương lai có công việc ổn định, nhưng với em, để học thật giỏi các môn tự nhiên thật là quá sức. Vào những dịp tổng kết cuối năm, nếu kết quả không tốt em rất lo lắng vì sợ ba mẹ buồn. Để ba mẹ vui, em phải vừa học trên lớp, vừa đến các lớp học thêm vì thế luôn cảm thấy áp lực, mệt mỏi”. Bản thân H. học tốt các môn xã hội, thích các hoạt động xã hội và mong muốn sau này sẽ thi vào ngành xã hội để thuận tiện cho các hoạt động của mình. Tuy nhiên, mọi thứ đều không theo ý muốn của em…
Không giống H., N.T (HS lớp 8, Trường THCS Nguyễn Thị Thập, Q.7) học khá tốt các môn ở những năm tiểu học. Tuy nhiên, khi lên THCS sức học của em càng sa sút và chỉ đạt học lực trung bình. Riêng học kỳ 1 lớp 8 này, điểm trung bình môn hóa học của em dưới 5,0. Hàng ngày em đến lớp mà không tập trung, lười làm bài tập, chán nản, học mang tính đối phó là chính và mỗi lần kiểm tra như một cực hình với T. vậy. Nói về kết quả học tập, T. cho biết: “Em cảm thấy không còn hứng thú học khi mà lượng kiến thức khá nhiều, khá khó”.
Trước kết quả này, cô Bạch Vân, giáo viên bộ môn hóa lớp T. tỏ ra lo lắng. Để giúp T. lấy lại động cơ học tập, cô Vân đã thường xuyên gần gũi, động viên em cố gắng hơn nữa. Bên cạnh đó, cô còn tranh thủ giờ nghỉ giảng thêm bài cho em. Kết quả học tập của T. chỉ thực sự tốt lên khi em cảm thấy yêu thích, riêng môn hóa em tiến bộ thấy rõ. Nhân cơ hội này, cô tuyên dương T. trước lớp và cho điểm cộng để em có thêm động lực học tập. Cô Vân cho biết: “Chỉ khi T. thực sự thích thú thì em mới có ý chí quyết tâm và học khá lên được. Tôi cảm thấy vui vì điều này”.
Xây dựng động cơ học tập
“Khi đã mất động cơ học tập thì việc học tập sẽ trở thành cực hình, bài tập là rào cản, ý thức lúc này chỉ còn đối phó; học cho xong nhiệm vụ và không có mục đích, định hướng cụ thể”, cô Bạch Vân – giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Thập nói.
|
Mỗi HS có động cơ học tập khác nhau. Học vì ước mơ, lý tưởng cá nhân, vì yêu quý thầy cô; học để báo đáp cha mẹ, để “ghi điểm” trong mắt bạn bè… Theo đó, động cơ sẽ luôn thúc đẩy HS hăng hái trong học tập, năng động trong suy nghĩ…
Theo cô Vân, ở bất kỳ trường học nào, cấp học nào, lớp nào cũng đều có thể có những HS mất động cơ học tập. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này. Có thể do chương trình nặng, cách truyền đạt của giáo viên không có sự lôi cuốn, thiếu sự quan tâm từ gia đình, do sự kỳ vọng của gia đình, hoặc do mất kiến thức căn bản từ những lớp nhỏ… Vì thế các em không tránh được mệt mỏi, chán nản và không thiết học nữa. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi này, các em chưa xác định được việc học cho tương lai, và thường hay muốn khẳng định bản thân.
Trong khi đó, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: Phương pháp dạy của giáo viên là một trong những yếu tố góp phần quyết định đến hứng thú và hiệu quả học tập của HS. Đôi khi phương pháp giảng dạy của giáo viên thiếu “lửa”, thiếu sinh động, không truyền được cảm hứng cho người học. Hoặc phương pháp kiểm tra đánh giá thiên về trí nhớ, không phát huy tinh thần sáng tạo trong học tập và hứng thú cá nhân của người học… khiến các em không có động cơ.
Động cơ học tập là yếu tố đầu tiên cần được hình thành trước khi bắt đầu bất cứ một tiết học, một môn học nào đó. Để HS có được động cơ học tập, thổi “lửa” cho HS, giáo viên là người đóng vai trò tiên phong. ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khuyên: “Giáo viên nên đưa những dẫn chứng sống vào bài giảng, biến môn mình dạy trở thành một môn học khám phá đầy thú vị. Khơi gợi óc tò mò của HS, cho các em thấy cơ hội mở mang tầm nhìn của mình hoặc cơ hội ứng dụng vào thực tiễn thông qua môn học. Nên tổ chức thi đua, dành tặng những lời khen, tổ chức tuyên dương trước lớp. Ngược lại đối với cha mẹ, tránh kỳ vọng, áp đặt quá nặng việc học hành của con cái. Thay vào đó nên nêu những tấm gương thành đạt, tiêu biểu để các em noi gương, phấn đấu; khơi gợi cho các em những mục tiêu gần và những ước mơ xa. Khi có mục đích để vươn lên, trẻ sẽ nỗ lực vượt qua những khó khăn trên con đường đi tới đích đến cuối cùng. Cha mẹ nên thể hiện sự trân trọng và vui mừng với thành tích của con, cho con biết gia đình đã hy sinh thế nào để con được đến trường đầy đủ.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Chị Đặng Thị Mỹ Hạnh, phụ huynh em Huỳnh Ngọc Trâm Anh (HS lớp 5/2, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình), cho biết: Khi cảm thấy yêu thích môn học thì trẻ luôn có động cơ để học tốt. Không nên áp đặt, kỳ vọng mà hãy khuyến khích trẻ phấn đấu học tốt bằng việc đưa ra một số tấm gương tiêu biểu để trẻ noi theo và có động lực, động cơ phấn đấu học tập tốt hơn. |
Bình luận (0)