Tìm hiểu lịch sử nghiên cứu truyện ngắn Nam Cao giúp chúng ta nhận diện đầy đủ hơn về đặc trưng phong cách sáng tác và chân tài của nhà văn có cá tính và biệt tài này trong lòng người đọc, trong dòng chảy văn học…
So với những nhà văn hiện thực đương thời, Nam Cao khẳng định vị trí của mình trên văn đàn muộn hơn. Thế nhưng, không đi theo lối mòn của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan…, Nam Cao tự vạch con đường riêng cho mình. Nhà văn không biết mệt mỏi kiếm tìm những hạt ngọc tiềm ẩn trong sa mạc bạt ngàn của cuộc sống. Cuộc sống vốn đa thanh, phức điệu. Người nghệ sĩ không thể là người vĩ đại đến độ ở cuộc đời có bao nhiêu mối tơ lòng thì trong tác phẩm của họ đòi hỏi phải dung tải hết bằng bấy nhiêu cung bậc. Để tự khẳng định mình, nhà văn phải tự chọn cho riêng mình một “nốt gam”. Ở đó, độ ngân nga, sâu lắng để lột tả một khía cạnh nào đó của đời sống đạt đến độ chín muồi. Nam Cao là nhà văn làm được điều đó.
Bằng cách ghi nhận từ các bài nghiên cứu, lời giới thiệu, chắt lọc những ý kiến nho nhỏ, có khi chỉ một vài nhận xét liên quan, có thể đưa ra một cách nhìn, dẫu chưa mấy đầy đủ về tình hình nghiên cứu truyện ngắn Nam Cao trên góc độ thi pháp học hiện đại.
Dựa vào chủ ý và cá tính sáng tạo của nhà văn mà các tác giả khẳng định Nam Cao có một phong cách, giọng điệu riêng không thể lẫn với bất kỳ ai. GS. Hà Minh Đức nhận xét: “… Nhưng không thể chỉ vì thế mà dễ lẫn lộn hoặc mờ cá tính. Cũng có thể có người thấy ở đây có một chút gì như tàn nhẫn, khinh bạc. Nếu có thật chăng thì điều đó chỉ dành cho cả chính mình và những nhân vật mang bóng dáng mình”. Trong khi đó, PGS. Trần Hữu Tá coi một số nhân vật trong tác phẩm là bóng dáng của nhà văn. Các tác giả Vương Trí Nhàn, Phong Lê, Huỳnh Lý, Nguyễn Hoành Khung… đều đồng quan điểm. Họ cùng gặp nhau ở kết luận: “Thật ra vấn đề chính để bộc lộ ra thái độ chính là ở nội dung, Nam Cao muốn có một thái độ khách quan để miêu tả nhân vật và cảnh ngộ”.
Nhóm ý kiến nhận xét nhà văn Nam Cao có tính chất châm biếm trào lộng cao, gồm các tác giả: Hà Văn Đức, Phan Cự Đệ, Trần Thị Việt Trung… Xin trích một ít dẫn chứng làm rõ vấn đề: “Nam Cao luôn đi vào sự thực của đời sống. Sự thực có bao nhiêu điều chua chát đau lòng… Ngòi bút của tác giả không khỏi có lúc chua chát, giận hờn, mỉa mai, trào lộng và chi phối đến chiều sâu của cảm hứng sáng tạo”. Hà Văn Đức nhấn mạnh: “Bên cạnh cái đôn hậu của Nguyên Hồng, cái thâm trầm sắc sảo của Ngô Tất Tố, Nam Cao đã góp thêm vào dòng văn học thực hiện phê phán một phong cách mới… lối văn mới, sâu xa, chua chát, và tàn nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài mình, ở thiên chức mình”.
Các tác giả Phan Cự Đệ, Hà Văn Đức, Hà Minh Đức, Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Đăng Mạnh, Phan Diễm Hương… đều cho rằng văn Nam Cao đầy những trang khái quát triết lý. “Nhà văn miêu tả một việc, một ý nhỏ mà nói đi nói lại vài lần là chuyện bình thường… Thế rồi khảm được vào trong tâm trí người đọc thật nhiều những chi tiết có vẻ vụn vặt về các số phận, cảnh đời rồi ông nhẹ nhàng đưa ra những câu khái quát triết lý”.
Loại ý kiến xung quanh vấn đề nhân đạo trong truyện ngắn Nam Cao khá lý thú. Trong truyện ngắn của mình, Nam Cao không phơi bày rõ tinh thần nhân đạo mà nó vẫn tiềm ẩn, chìm khuất sau những cung bậc, sắc thái tình cảm khá đặc biệt. Vương Trí Nhàn cho rằng “không hề vuốt ve an ủi, nhằm đánh vào tình thương người đọc – Chủ nghĩa nhân đạo hướng vào toàn bộ đời sống tinh thần nơi người đọc ấy, thức tỉnh suy nghĩ rồi để mỗi người tự xác định lấy thái độ, tình cảm của mình”. Còn Phan Cự Đệ, Hà Văn Đức thì cho rằng dường như cái giọng mỉa mai, chua chát chỉ là vẻ tỉnh táo bên ngoài của một tâm hồn đôn hậu, một chủ nghĩa nhân đạo sâu lắng bên trong…
Loại ý kiến xem xét mặt giọng điệu riêng biệt của Nam Cao dựa trên cấu trúc câu văn có tác giả Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam, Lê Thị Đức Hạnh, Vũ Tuấn Anh… Tất cả ý kiến cho rằng chính vì câu văn gọn, dồn dập, chồng chất các hiện tượng đã thể hiện “cảm giác ghê tởm, khủng khiếp trước hiện thực quá tồi tệ, quá mức chịu đựng của con người”. Chúng chẳng những làm cho cái hiện thực buồn thảm hiện lên mồn một, đầy ứa, mà còn vang mãi lên, đau đớn ở trong lòng. Dường như không phải Nam Cao viết mà ông đang “sống” cùng mỗi câu chuyện được viết ra. “Câu văn Nam Cao chỉ là thứ câu văn “bị xé rách” về ngữ điệu, chúng nhắm nhẳng, đứt rối, cắn rứt, chì chiết, nghẹn ngào đầy kịch tính”.
Bên cạnh cấu trúc câu văn có liên quan giọng điệu là tên gọi nhân vật. Nam Cao là nhà văn mà những đại từ có tính chất miệt thị được dùng cho nhân vật có tầng số cao nhất. Các tác giả Huỳnh Lý, Nguyễn Hoành Khung, Trương Thị Nhàn… đều cho rằng: “Đừng lầm khi nhà văn có vẻ đồng tình với những “cụ Bá” “bà Phó”… và dửng dưng khi nói đến những con người nghèo khổ thường bị gọi là “hắn”, là “y”, là “thị”, là “mụ”… Chính giọng văn bình thản lạnh lùng khi cảm xúc nén lại đó khiến cho sự phẩn uất, xót thương càng tăng lên trong lòng người đọc”.
Trương Thị Nhàn đi sâu vào tên gọi “hắn”: chung quy những cái mất – cái được, những cái giận – đáng thương vào trong một tên gọi “hắn”, Nam Cao đã bộc lộ một cái nhìn hiện thực hết sức khách quan và nhân đạo. Nhưng đồng thời vẫn có một cái gì đó rất riêng trong thái độ của tác giả, như là lạnh lùng, xa cách, tách biệt hẳn cái phần “tôi” của tác giả trong cách gọi những nhân vật là “hắn”.
Nhìn chung, các ý kiến phần lớn đều gặp nhau một điểm là tính chất đa giọng của Nam Cao. Tác giả Phan Diễm Phương trong bài viết “Ngôn ngữ người kể chuyện trong truyện ngắn Nam Cao” nhận xét: “Văn Nam Cao giàu chất biểu lộ và biểu cảm. Điều này được tác giả lý giải qua nhiều mặt, với tư cách vừa kể chuyện vừa kể tâm trạng, truyện ngắn Nam Cao có thể ôm vào mình những cặp đối nghịch: sắc lạnh và tình cảm; tỉnh táo, nghiêm ngặt và chan chứa trữ tình. Những sự việc bé nhỏ, người thừa, hầu như suốt đời bị gắn chặt vào những bi kịch nhân sinh nho nhỏ, tụ vào trang sách của Nam Cao và ông rủ rỉ kể về nó một cách kỹ càng không biết nản. Lối kể chuyện của Nam Cao là lối kể nhiều giọng: nghiêm nghị và hài hước, trân trọng nâng niu và nhạo báng đay mỉa”. Cùng với loại ý kiến này có Phan Cự Đệ, Nguyễn Tri Niên, Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Thị Dư Khánh… Đặc biệt là tác giả Phong Lê trong bài tổng kết “Nam Cao, năm 1991” đã khái quát đầy đủ: “Văn Nam Cao hầu như có đầy đủ chất liệu: hài và bi, trào phúng và chính luận, triết lí và trữ tình, nghịch dị và nhàm tẻ, thô thám và chất thơ… Mỗi khía cạnh có thể tách riêng ra mà bàn, và hứa hẹn không ít những điều thú vị”.
Chính ở sự đan xen nhiều chất giọng như vậy đã tạo ra thế giằng co và đối lập trong giọng điệu. Các tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Thị Việt Trung… đều phát hiện ra thế “cheo leo” về tư tưởng của tác giả. Nam Cao tự thách thức mình “trên này là chủ nghĩa nhân đạo, dưới kia là thái độ nhục mạ con người, trên này là chủ nghĩa hiện thực vinh quang, dưới kia là chủ nghĩa tự nhiên đồi bại”. Ngoài ra còn một số tác giả khi đi vào khai thác mặt giọng điệu trong truyện ngắn Nam Cao có đôi chỗ đối chiếu, so sánh với tác giả khác, trào lưu văn học khác như Lại Nguyên Ân, Đào Tuấn Ảnh, Vũ Tuấn Anh, Trần Đình Sử…
Chính những nghiên cứu trên, có thể coi Nam Cao đại diện tiêu biểu xuất sắc cho trào lưu văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945. Và là nhà văn hiện đại với biệt tài biết “đào sâu”, biết “khơi những nguồn” sâu thẳm nhất ở mỗi con người, ở cuộc sống. Vì vậy, thế giới truyện ngắn của Nam Cao luôn là mảnh đất phì nhiêu cho bao thế hệ độc giả, cho các nhà nghiên cứu yêu mến tìm hiểu, khám phá.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)