Học sinh dễ dàng tìm thấy truyện, phim ma độc hại trên mạng. Ảnh: I.T |
Cảnh giết chóc, hút máu, âm thanh rùng rợn… từ những bộ phim ma ngày càng làm “bẩn” tâm hồn thơ ngây của học sinh.
Thay truyện tranh bằng truyện ma
Truyện ma, phim ma không còn xa lạ gì đối với nhiều người. Gần đây, thể loại phim này đã trở thành trò giải trí không thể thiếu của một bộ phận học sinh, tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi tiểu học và THCS. Hiện nay, trên mạng internet xuất hiện nhan nhản phim ma đủ thể loại như phim ma cà rồng, ma cây, phim ma kinh dị… mà chỉ cần dùng công cụ tìm kiếm google cho mỗi thể loại sẽ cho ra hàng triệu kết quả chỉ trong vòng 1 giây. Còn truyện ma thì khỏi phải nói, từ truyện tranh, truyện kiếm hiệp, truyện cổ tích… cũng có ma.
Nội dung của một bộ phim ma với nhân vật chính là một con ma cà rồng hút máu người, đối tượng mà con ma này tìm đến để hút máu đó là những cô gái ở lứa tuổi THPT được một nhóm nam nữ học sinh Trường THPT T.H.Đ, Gò Vấp bàn tán sôi nổi. Một thanh niên trong nhóm ấy vừa kể vừa diễn tả lại hành động của con ma đang khát máu trước đám đông như một việc làm bình thường.
Chị Nguyễn Thị Hạnh bán hàng nước gần cổng trường này cho biết: “Tụi nó (nhóm học sinh nói trên-P.V) ngày nào ghé vào đây mà không bàn tán phim ma, ai có phim mới thì chuyền tay nhau xem”. Đợi lúc một vài thành viên ra về, tôi quay sang làm quen với một nam sinh tên Khải. Khi nghe tôi hỏi muốn mua phim này ở đâu? Khải tỏ ra sốt sắng: “Ở đâu cũng có hết chú à, từ trong tiệm đĩa đến mấy người bán dạo”. Vậy giá cả thế nào? “Từ 5 ngàn đến 18 ngàn đồng, tùy theo đĩa đơn hay đĩa cặp” – Khải trả lời.
Thú vui đọc truyện tranh, truyện tranh bạo lực dường như đã vào thời… xa vắng, thay vào đó là những đĩa phim ma. Nói như Minh, bạn học chung lớp với Khải thì “Xem phim ma cảm giác hơn”. Cảm giác mà Minh nói đó là sự hồi hộp, căng thẳng theo những pha rượt đuổi, giết chóc lẫn nhau giữa các nhân vật trong một thế giới không có thật.
Mỗi lần mở công cụ tìm kiếm google để tìm tư liệu, anh Hoàng Ngọc Dũng, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú thường thấy xuất hiện hai chữ “truyện ma”. Chuyện chỉ dừng lại ở đó nếu xấp giấy A4 của anh không vơi đi nhanh từng ngày. Anh Dũng tò mò và phát hiện trong ngăn kéo, cặp táp của con (đang học lớp 10-P.V) rất nhiều truyện ma được in với co chữ nhỏ li ti, trong đó có cả những truyện ma đồi trụy. Anh Dũng nói với giọng rầu rĩ: “Có hôm sáng đến trường, trông nó phờ phạt như người thiếu ngủ cũng vì những truyện ma nhảm nhí đó, cũng may là phát hiện sớm”.
Chớ coi thường
Chị Yến Giang, cán bộ địa chính quận 2 lo ngại khi thời gian gần đây cậu quý tử của mình hay ngủ mớ lúc nửa đêm. Mỗi lần như vậy cậu ta thường la hét thất thanh, vung chân, tay như đang chống cự ai đó đang tấn công mình. Chuyện trở nên nghiêm trọng, không thể yên tâm được nữa, chị Giang mới đưa con đến thưa chuyện cùng bác sĩ tâm lý. Qua những lần kiểm tra, con của chị Giang đều có những biểu hiện bất thường như run sợ, nhất là khi cho cháu vào phòng tối một mình. Bác sĩ tâm lý Nguyễn Thị Nga, người trực tiếp thực hiện những bài kiểm tra con chị Giang cho biết, trẻ có những biểu hiện như sợ… ma có hai nguyên nhân. Thứ nhất, cháu bị ám ảnh do người lớn thường xuyên dọa dẫm có ma. Thứ hai, trẻ thường xuyên nhìn thấy những hình ảnh kỳ dị như tóc dài, răng dài… trong phim ma mà người lớn thường xem khi có mặt chúng. Trí tưởng tượng của trẻ rất phong phú, qua những hình ảnh đầy máu me, nghe những lời thoại “đùng đùng sát khí” trẻ sẽ nghĩ rằng cái “con ma” xấu xí ấy sẽ hại mình như đã hại những người khác trên phim ảnh.
Nhiều bậc cha mẹ quá dễ dãi, không quan tâm đến việc giải trí của con cái vô tình tạo điều kiện để các em tiếp xúc với phim, truyện ma một cách dễ dàng. Tâm hồn thơ ngây của các em dần dà chất chứa quá nhiều hình ảnh, từ ngữ “bẩn” từ những cảnh quay và lời thoại trong phim.
Bác sĩ Nga khuyến cáo: “Chúng ta chớ coi thường tác hại của phim, truyện ma. Qua những lần xem phim ma, nhiều đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học ngày nay tỏ vẻ thích thú khi được mang vào hàm răng giả có hai chiếc răng nanh dài, to và sắc nhọn để trêu chọc, hù dọa các bạn cùng trang lứa. Không ít ca tôi trực tiếp tư vấn tâm lý, các em có trạng thái hoảng loạn, thiếu tập trung mà đa phần là do người lớn hoặc bạn bè trêu chọc”. |
Tuy An
Bình luận (0)