Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Truyền thống hiếu học của nhân dân Lý Sơn

Tạp Chí Giáo Dục

Hoạt động Đội ở Trường THCS An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)
Đảo Lý Sơn nằm trên biển Đông về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý. Từ trước đến nay, cư dân trên đảo đã đặc hữu một môi trường tự nhiên, sinh thái biển và một nền văn hóa rất đặc trưng.
Khi đảo Lý Sơn trở thành đơn vị hành chính cấp huyện (1-1-1993) thì đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, bộ mặt xã hội dần dần được hoàn thiện; trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của ngành GD-ĐT. Trước đây, đảo Lý Sơn chỉ có 2 trường tiểu học cộng đồng. Đến năm học 1968-1969, đảo có 1 trường trung học tư thục đệ nhất cấp (nay là trường THCS). Đến năm học 1971-1972, Trường Trung học công lập đệ nhất cấp tỉnh hạt Lý Sơn được thành lập. Học sinh được đi học chủ yếu là con em thuộc diện gia đình khá giả, đa số là nam giới, con nhà nghèo, nữ giới ít được đi học. Học xong lớp 9/12, muốn tiếp tục học lên phải vào TP, thị xã… mới có trường. Do đó, con em Lý Sơn được đi học bậc trung học đệ nhị cấp và có bằng tú tài là rất hiếm.
Sau khi đất nước thống nhất, từ 2 trường tiểu học và 2 trường phổ thông cơ sở (có nhiều cấp học: Mầm non, tiểu học, cấp II). Đến nay đảo đã có 10 trường, từ bậc học mầm non đến THPT. Học sinh trong độ tuổi đi học ngày càng nhiều, không phân biệt nam nữ và thành phần xã hội. Được sự giúp đỡ của UBND tỉnh Nghĩa Bình, ngày 6-11-1984, lớp 10 nhô được hình thành trên đảo (tiền thân của Trường THPT Lý Sơn ngày nay). Sự hình thành lớp 10 nhô và hoàn thiện Trường THPT Lý Sơn đánh dấu bước phát triển quan trọng của sự nghiệp giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập và khát vọng bao đời của nhân dân trên đảo. Có thể khẳng định rằng, từ khi đảo Lý Sơn lên đơn vị hành chính cấp huyện đến nay, ngành GD-ĐT ngày càng phát triển. Phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập không ngừng được hình thành và phát triển, từ hình thức tự phát dần dần đi vào hoạt động có nề nếp, có tổ chức. Hội khuyến học huyện đã trở thành một tổ chức hỗ trợ đắc lực cho ngành giáo dục phát triển như thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài tạo nên một xã hội học tập… Cùng với Hội khuyến học, các trung tâm học tập cộng đồng, bưu điện văn hóa xã, trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề trên đảo đã hình thành và đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên cho người lớn tuổi.
Tất cả những hoạt động nêu trên đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trên đảo: Học sinh lớp cuối cấp hoàn thành chương trình và tốt nghiệp ngày càng cao. Đặc biệt, học sinh lớp 12 thi vào các trường THCN, CĐ, ĐH ngày càng nhiều (chiếm khoảng 70%), đã cung cấp một lực lượng lao động mới cho huyện. Đến nay, toàn huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học – xóa mù chữ năm 1995, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2004; đạt chuẩn giáo dục THCS năm 2008. Từ đó đến nay đã giữ chuẩn và không ngừng nâng cao tỉ lệ đạt chuẩn. Kết quả này là sản phẩm tổng hợp từ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, chỉ đạo quản lý của chính quyền các cấp, sự quản lý của ngành giáo dục huyện. Đặc biệt là sự cố gắng tận tụy dạy dỗ của các thầy cô giáo ở các cấp học và sự giúp đỡ đáng kể của các tổ chức trong cả nước đến với Lý Sơn.
Tuy nhiên, ngành GD-ĐT huyện đảo Lý Sơn cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức như cơ sở vật chất của các trường chỉ mới đáp ứng được mức tối thiểu trong hoạt động dạy – học chứ chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao, chưa đủ cho hoạt động giáo dục toàn diện (kể cả Phòng GD-ĐT cũng chưa có cơ sở riêng). Do đó, toàn huyện chưa có trường học nào đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Ngoài ra, trang thiết bị hỗ trợ cho việc đổi mới phương pháp dạy học vẫn đang là khó khăn lớn của ngành giáo dục hiện nay…
Lê Nhụ
(Phòng GD-ĐT Lý Sơn, Quảng Ngãi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)