Tại Trường THPT Quang Trung (Đà Nẵng), với việc áp dụng song song bài giảng điện tử hiện đại và phấn trắng bảng đen truyền thống, bước đầu đã được giáo viên (GV) và học sinh (HS) đánh giá cao trong việc nâng cao chất lượng dạy học.
Một tiết dạy học môn hóa ở Trường THPT Quang Trung |
Ông Phạm Sỹ Liêm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Không phải đến năm học 2015-2016, Trường THPT Quang Trung mới đưa giáo án điện tử vào chương trình giảng dạy mà chúng tôi đã đưa từ năm học 2008-2009 khi Bộ GD-ĐT có chủ trương đưa CNTT vào nhà trường. Nhưng chúng tôi muốn đưa CNTT vào trường với mức độ cao hơn. Trong 3 năm đầu chúng tôi đưa 50% CNTT vào trường học bằng cách trang bị máy vi tính, máy chiếu cho 50% lớp học và HS được học bằng các bài giảng PowerPoint. Từ năm học 2010-2011, chúng tôi đã chỉ đạo tất cả GV phải soạn và dạy đại trà trên lớp bằng bài giảng e-Learning, với phần mềm Lecture Maker của Hàn Quốc và trang bị 100% máy vi tính, máy chiếu cho tất cả các lớp học. Đến năm học 2011-2012, tất cả GV đều phải soạn lại giáo án cho hoàn chỉnh bài giảng. 100% nội dung sách giáo khoa hiện hành được phiên dịch sang bài giảng e-Learning từ 11 bộ sách của từng khối lớp hay 33 bộ sách bậc THPT. Nhà trường đã đưa lên website để cho tất cả HS học và tham khảo”.
Thầy Liêm cũng cho biết thêm, để tránh tình trạng tất cả HS đều học một bài giảng của một GV soạn, ban giám hiệu chủ trương mỗi bài giảng sẽ được nhiều GV soạn độc lập. Như vậy, HS vừa được học bài giảng GV trực tiếp dạy, vừa tham khảo được bài giảng GV không trực tiếp dạy.
Để hoàn thành được giáo án điện tử, các GV ngoài việc thành thạo CNTT, phải mất rất nhiều thời gian soạn giảng. Có bài giảng phải thu đi thu lại nhiều lần, mỗi lần giảng để ghi âm phải chọn thời điểm đêm khuya để tránh tiếng ồn pha tạp vào băng, đĩa. Cô Nguyễn Thị Thu Hà, GV dạy môn toán, cho biết thực ra đứng trước máy ghi âm vào đêm khuya cũng rất khó thu được một bài giảng sinh động, có hồn. Qua vài lần thu, tôi nghĩ ra cách tưởng tượng đứng trước HS để bài giảng hay hơn. Khó khăn kể đến trong quá trình soạn giáo án điện tử đó là việc giảng bài tập luôn phải nhắc lại lý thuyết để HS nắm vững, nhớ lâu hơn. “Để hoàn chỉnh bộ giáo án điện tử với khoảng hơn 5.000 bài giảng trong suốt nhiều năm liên tục đòi hỏi sự đồng thuận và nỗ lực từ GV. Bên cạnh đó lãnh đạo nhà trường cũng phải gương mẫu đi đầu trong các công việc như động viên GV, kiểm tra từng file mà GV đã nộp qua USB, sắp xếp lại theo môn, rồi theo tuần, chuyển các đuôi…”, cô Hà nói.
Theo thầy Phạm Sỹ Liêm, nhà trường quy định mỗi tiết dạy chỉ dành khoảng 20 phút để sử dụng cho phần trình chiếu, thời gian còn lại, GV dạy trên bảng, tương tác trực tiếp với HS. Sự kết hợp này nhằm hỗ trợ HS trong quá trình tiếp thu kiến thức, nâng cao chất lượng dạy – học. |
Nói về các tiết học, em Nguyễn Văn Thành (HS lớp 12) cho biết: “Em đã được học giáo án điện tử từ khi lên lớp 10. Em thấy việc học song song máy chiếu và phấn bảng rất hay. Để theo được bài học đòi hỏi các bạn phải xem qua các bài giảng trên web, phải thường xuyên ôn tập những kiến thức hổng. Việc tham khảo các bài giảng của thầy cô trên web cũng giúp ích được rất nhiều, đỡ tốn thời gian đi học thêm. Phần khác, tiết học trên lớp cũng thú vị, lôi cuốn hơn”.
Thầy Liêm cho biết thêm, việc đưa giáo án điện tử vào giảng dạy là một vấn đề rất mới, chưa được xã hội đồng tình cao vì họ có thói quen học từ tấm bé với phấn trắng và bảng đen. Ngành giáo dục cũng chưa mặn mà về việc đổi mới này, thậm chí còn nghĩ rằng: Với giáo án điện tử có thu lời giảng GV, khi lên lớp GV chỉ mở cho HS nghe mà ít dạy các em. Tuy nhiên, việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa bài giảng điện tử trên máy chiếu và các hoạt động của thầy – trò trên lớp làm cho các tiết học sinh động, dễ hiểu và quan trọng nhất là khi các em ra đời sẽ tiếp cận tốt với CNTT, biết sáng tạo và tự lập. Điều này, ở các nước như Hàn Quốc cũng đã thực hiện rất hiệu quả.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)