Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Truyền thông trường học phải “đến nơi đến chốn”

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu hiệu trưởng các trường THPT phải thực hiện công tác truyền thông “đến nơi đến chốn”, công khai rõ ràng lịch tiếp công dân.


Công tác truyền thông giáo dục phải làm đến nơi đến chốn

Yêu cầu được đưa tại Hội nghị giao ban hiệu trưởng các trường THPT công lập năm học 2023-2024 được Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức mới đây.

Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh thông tin, công tác truyền thông nội bộ nhà trường đang bị bỏ ngỏ. Hiệu trưởng chưa truyền thông tốt đến giáo viên về những đề án, chương trình giáo dục trường thực hiện. Công tác truyền thông ở công thông tin điện tử nhà trường hầu như đang bị trường bỏ ngỏ, toàn những thông tin rất cũ. Trong khi đó trang web là công cụ để truyền thông ra bên ngoài.

Theo ông Minh, công tác truyền thông giáo dục tại nhà trường gồm truyền thông nội bộ và ruyền thông công khai bên ngoài. Phải truyền thông đến nơi đến trốn để làm sao khi họp phụ huynh, phụ huynh thắc mắc gì thì giáo viên trả lời được, chứ không là đẩy cho hiệu trưởng, hiệu trưởng cũng “đóng cửa” luôn.

Đặc biệt, ông Hồ Tấn Minh cho biết, nhiều trường học trên trang web không có lịch tiếp công dân, phương thức tiếp công dân, phụ huynh cần liên lạc.

Ông yêu cầu hiệu trưởng nhà trường phải thực hiện tiếp công dân đúng theo quy định và phải có lịch công khai tiếp công dân, phương thức đăng ký lịch tiếp công dân của hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường. Tối thiểu trong một tháng lãnh đạo nhà trường phải có một ngày làm việc để tiếp công dân và phải công khai ngày đó lên cổng thông tin điện tử của trường. Ngoài ra, trách nhiệm tiếp công dân hàng ngày là bộ phận văn phòng phải làm.

“Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư quy định các nội dung phải công khai ở cơ sở giáo dục. Trong đó có rất nhiều nội dung mà hiệu trưởng phải công khai, tính toán công khai bằng hình thức nào. Trong việc kiểm tra cải cách hành chính sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ kiểm tra chặt nội dung này. Việc công khai này Sở đã chỉ đạo nhiều năm nay song các thông tin công khai để đến được phụ huynh, học sinh và cả giáo viên còn rất mơ hồ” – ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm việc giáo viên đưa học sinh đi nước ngoài tham gia các kỳ thi

Ông Tống Phước Lộc – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị hiệu trưởng các trường THPT cần đặc biệt chú ý việc quản lý giáo viên đi nước ngoài. Hiệu trưởng cần nghiên cứu kỹ văn bản của Sở về xét duyệt đi nước ngoài đối với đội ngũ và phải tăng cường quản lý, phải có kiểm soát. Trong đó, việc kiểm soát giáo viên đi nước ngoài phải phù hợp với môi trường trường học.

“Gần đây, UBND TP có đề nghị các sở ban ngành chấn chỉnh việc đi nước ngoài. Đi nước ngoài là phải báo cáo, phải nộp hồ sơ, phải có thời hạn quy định, đặc biệt là đối tượng đi nước ngoài vì việc công, dắt học sinh đi tham gia các kỳ thi. Cần nghiên cứu thật kỹ, hiệu trưởng chịu trách nhiệm việc cử đi nước ngoài vì việc công” – ông Lộc nêu rõ.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc lưu ý các trường khi triển khai các đề án của thành phố như STEM, tin học quốc tế, tiếng Anh… cần cân đối, hướng đến học sinh một cách tốt nhất. Hiệu trưởng cần xác định các đề án của thành phố cùng với việc thực hiện chương trình phải cân đối hài hòa trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh công tác truyền thông trường học thì hiệu trưởng phải truyền thông làm sao giáo viên hiểu, đồng thuận bởi giáo viên như cánh tay nối dài việc thực hiện chương trình nhà trường, giáo viên phải giải thích được các nội dung, chương trình mà nhà trường triển khai, không thể nói rằng cái này hiệu trường quyết.

Thực hiện CT 2018 phải đổi mới công tác giảng dạy, chú ý việc đổi mới kiểm tra đánh giá, tận dụng chuyển đổi số giúp học sinh giảm nhẹ các nội dung môn học, hoạt động giao dục theo chương trình. Tuy nhiên, hiệu trưởng cũng nên tránh đưa Nghị quyết 03 để làm căng thẳng cho thầy cô khi thực hiện đổi mới…

Yến Hoa

Bình luận (0)