Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Truyện tranh cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ say mê xem truyện tranh trong nhà sách. Ảnh: T.L
Tuổi thơ, ai cũng có những người bạn đặc biệt. Đó có thể là chú chó bông xù hay chú chim cánh cụt hiền lành, cũng có thể là chậu cây bé nhỏ trên bàn học của bé mà mẹ mua cho và dạy bé yêu thiên nhiên cây cỏ. Tuy nhiên, có một “người bạn đặc biệt” của trẻ nhỏ thời nay mà hầu như bạn nào cũng có: truyện tranh.
Luôn có “bạn” bên mình
Cứ quan sát những đứa trẻ trong giờ chơi mà xem. Hay là bố mẹ thử làm thám tử tìm xem trong cặp sách trẻ có gì? Trong ngăn bàn học hay là lúc trẻ vào thư viện. Cũng có thể bắt gặp hình ảnh trẻ ngồi sau xe bố mẹ và cắm cúi đọc truyện tranh. Chắc chắn rồi, vào nhà có trẻ con, ta sẽ dễ dàng tìm thấy một quyển truyện tranh. Có thể là Conan, hay Siêu quậy Teppi, có thể là Doremon, cũng có thể là Thần đồng đất Việt… Những người bạn này đồng hành với trẻ và đem đến cho chúng những nỗi niềm khác nhau.
Có phụ huynh không bằng lòng cho trẻ mua hoặc đọc truyện tranh nên cứ thấy truyện tranh ở bên trẻ là bắt trẻ rời xa “bạn” không thương tiếc. Có phụ huynh thì thở dài. “Mặc kệ, không sao, cứ để nó đọc”. Có phụ huynh thì kỹ tính nên kiểm soát nội dung truyện… Thực tế, truyện tranh là một tác phẩm văn học mang yếu tố nghệ thuật (bởi có tính chất hội họa và điện ảnh trong truyện tranh). “Bạn” truyện tranh có nhiều loại, có loại tốt, loại xấu nhưng không phải đứa trẻ nào cũng phân biệt được điều đó, chính thế mà có không ít truyện tranh bạo lực đã dạy cho trẻ những điều không tốt. Phụ huynh lo lắng là điều có cơ sở. Tôi có một người bạn, làm nghề bác sĩ, có lần bạn bắt gặp con – một cậu bé lớp 3 đang đọc truyện tranh Bác sĩ kinh dị, bạn ấy lo lắng quá, bèn cấm tiệt con không được đọc bất cứ loại truyện tranh nào. Cậu bé cằn nhằn với tôi: “Con đọc có một tập à, con không thích truyện đó. Con mua truyện khác thì mẹ cũng mắng con…”. Tôi phải làm “công tác tư tưởng” để bạn hiểu không phải truyện tranh nào cũng như nhau và hướng bạn mua những đầu sách tốt cho con: “Truyện tranh là nhu cầu của trẻ, không nên cấm đoán mà phải hướng dẫn”. Đừng vì những suy nghĩ hạn hẹp mà giết chết truyện tranh. Truyện tranh cũng chỉ là một công cụ bổ trợ cho đời sống tinh thần của trẻ. Những tác phẩm truyện tranh Việt sẽ là công cụ học tập, mang tính hữu ích hơn truyện tranh nước ngoài.
Để “bạn truyện tranh” thành bạn tốt
Để có thể biến “bạn truyện tranh” thành bạn tốt của con, cha mẹ cần đọc trước, thẩm định nội dung rồi hãy cho con đọc… Tìm đến những đơn vị xuất bản có uy tín, tác phẩm có tính giáo dục, thẩm mỹ cao là chuyện mà các bậc phụ huynh nên làm. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần thường hay mua cho con gái những truyện tranh của Việt Nam vì hình ảnh Việt Nam trong đó rất dễ thương. Nhà báo Đỗ Hương cũng hay mua truyện tranh Việt Nam bên cạnh các truyện tranh có nội dung đàng hoàng của nước ngoài cho cháu là Nhím. Nhím chững chạc, thông minh và lễ độ. Chị Đỗ Hương chia sẻ: “Truyện tranh tốt hay xấu là tùy thuộc vào việc phụ huynh chọn truyện nào cho con… mà thôi”. Những truyện tranh như Truyện hay sử Việt, Lịch sử Việt Nam qua tranh vẽ, Thần đồng đất Việt… là những tác phẩm có giá trị, xứng đáng để cha mẹ chú ý và biến những tác phẩm này thành “bạn thân của con mình”.
Giáo dục cho trẻ tình yêu quê hương đất nước, các giá trị sống không chỉ bằng lời, mà còn bằng những phương tiện giải trí. Truyện tranh Việt là một công cụ hữu ích để cho trẻ tiếp cận văn hóa Việt, sử Việt. Tranh trong truyện cũng mở ra cho trẻ trí tưởng tượng chứ không phải chỉ có văn xuôi mới giúp trẻ giàu trí tưởng tượng.Do đó, có thể nói, giáo dục trẻ bằng truyện tranh là một công cụ tốt mà các bậc phụ huynh nên chú ý sử dụng. Lời của một người bạn thân của trẻ sẽ rất gần gũi với trẻ so với khoảng cách thế hệ mà bố mẹ phải đối mặt khi giáo dục con.
Hồng Hạnh

Thị trường truyện tranh hiện nay rất phong phú. Trong nước có, ngoài nước có. Cơn sốt Manga (truyện tranh) “xình xịch” cả với người lớn chứ không chỉ trẻ con. Bố mẹ mà không am hiểu, con cái “qua mặt không bóp còi” và thế là mình vừa không nói được tiếng nói của con, vừa là “ác thần” làm con buồn vì mất “bạn”.

 

Bình luận (0)