Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TS. Hồ Thiệu Hùng: Tôi chưa bao giờ xem viết báo là “nghề tay trái”

Tạp Chí Giáo Dục

PV: Gần đây đọc trên một số tạp chí chuyên ngành và các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Giáo Dục Và Thời Đại, Giáo Dục TP.HCM…, có một số bài viết ký tên tác giả TS Hồ Thiệu Hùng. Những bài viết đó của thầy thường quan tâm đến vấn đề gì nhất?
TS. Hồ Thiệu Hùng: Tôi quan tâm đến các vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục trong và ngoài nước như cách cha mẹ chăm sóc và giáo dục con cái, nội dung và cách học tập, rèn luyện nhân cách và chuẩn bị vào đời của học sinh – sinh viên, quan niệm và thái độ đối với việc học trong xã hội, các vấn đề nóng trong quản lý giáo dục…; ngoài ra tôi còn quan tâm đến mức sống vật chất và tinh thần của dân cư vùng bị thiệt thòi, trong đó có dân cư vùng đồng bằng sông Cửu Long – nơi chôn nhau cắt rốn của tôi…
Là một thầy giáo và nguyên là Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thầy thường đem vào bài viết của mình những vấn đề gì của giáo dục, của những nhà quản lý giáo dục?
Tôi đem vào bài viết của mình những trăn trở của một người suốt đời gắn với nghiệp giáo dục và quản lý giáo dục và nhận thấy giáo dục đang đứng trước nhiều vấn đề đáng lo ngại; những ước ao muốn giúp cho ai ai cũng thấy sự học là quan trọng hàng đầu. Nhà nhà đều cho con học đến nơi đến chốn, thành đạt trong sự nghiệp để giúp cho nhà thoát nghèo, đất nước thoát khỏi lạc hậu. Viết về các vấn đề gai góc của giáo dục, tôi thử lý giải vấn đề dưới góc độ người trong cuộc, tìm hiểu nguyên nhân và tìm biện pháp tháo gỡ. Tôi không muốn chê bai hay than vãn với tư cách người ngoài cuộc vì điều đó thì quá dễ, ai cũng có thể làm… Thường thì những bài báo tôi viết là một phần của các công trình nghiên cứu khoa học trong quá khứ hay hiện tại của tôi nên có kèm các số liệu, chứng cứ khoa học.
Thầy viết báo từ bao giờ và duyên cớ nào đã đưa thầy đến với “nghề tay trái” này? Thầy còn nhớ cảm xúc khi được nhìn thấy bài viết của mình xuất hiện lần đầu tiên trên mặt báo?
Lần đầu tôi gửi bài đăng báo là bài viết về vấn đề xóa mù chữ, bổ túc văn hóa trích từ tham luận của tôi trong cuộc Hội thảo toàn quốc về giáo dục nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ năm 1989. Tôi gửi bài này cho Báo Người Lao Động và Báo đã đăng ngay. Tôi cũng thấy vui vui vì ít ra ý kiến của mình không chỉ được trình bày trước các nhà khoa học, đăng trong các kỷ yếu khoa học mà còn được đưa ra công chúng để bàn luận. Từ đó, cứ có vấn đề bức xúc nào của giáo dục mà thấy mình có thể góp phần lý giải được thì tôi gửi ý kiến của mình cho các báo quan tâm nhiều đến giáo dục. Còn vấn đề nào chưa lý giải nổi thì tôi… im lặng. Tôi rất vui khi có nhiều ý kiến chia sẻ của bạn đọc phản hồi lại. Song tôi chưa bao giờ xem viết báo là “nghề tay trái” vì nghề nhà báo đòi hỏi những phẩm chất mà tôi chưa có hoặc không có được.
Báo chí cần có những thái độ như thế nào đối với dư luận xã hội cũng như sự vận động theo chiều hướng tốt nhất của ngành giáo dục? 
Báo chí trong thời đại của thông tin ngày nay có quyền lực rất lớn, có thể hướng người đọc theo hướng suy nghĩ đúng hoặc không đúng, do vậy mà mang trách nhiệm xã hội rất cao. Dư luận xã hội thì… “9 người 10 ý”, báo chí có thể bị chạy theo dư luận của số ít người bất mãn, người to tiếng mà không phản ánh được ý kiến của số đông “thầm lặng”, từ đó công luận dễ có cái nhìn lệch lạc về một vấn đề nào đó. Vì vậy người làm báo phải tỉnh táo, phải soi xét vấn đề dưới nhiều góc độ, phải có nhiều kênh khác nhau để nắm nhanh dư luận và có nhiều chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực khác nhau của đời sống để phân tích, tham mưu cho mình. Một tờ báo dù có uy tín lớn nhất cũng không thể biết rành mọi việc, biết sâu mọi lĩnh vực. Lĩnh vực giáo dục lại là lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm, đụng đến mọi nhà nên nhiều lúc đông người cảm thấy bức xúc muốn sự việc nào đó phải được nhìn nhận theo góc độ của nhóm quyền lợi của mình mà thôi. Tình trạng này cũng giống như trong lĩnh vực bóng đá ở Brazil vậy, ai cũng có thể tự đặt mình vào cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia để lựa chọn cầu thủ và cách đá, để chê bai huấn luyện viên đội tuyển quốc gia! Ngồi mà “phán” thì dễ, làm cho ra hồn mới khó.
Thầy có ý kiến gì đối với tờ báo của ngành giáo dục TP.HCM?
Đây là tờ báo còn trẻ tuổi so với nhiều báo khác trong và ngoài thành phố, như một cây còn non nhưng đang vươn lên mạnh mẽ để có chỗ đứng dưới mặt trời. Chúc tờ báo của ngành sẽ hút được dưỡng chất tinh hoa trong và ngoài ngành để thành đại thụ trong vòng mươi năm tới.
Xin cảm ơn thầy.
Hương Thủy (thực hiện)

Bình luận (0)